Chiều 30/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc bổ cứu cấp bách các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và công tác khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho thấy: Sau hơn 5 tháng dịch bệnh tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trên địa bàn, hiện đã có 158 xã của 12 huyện, thành phố, thị xã có dịch. Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 20.574 con (hơn 1 ngàn tấn), chiếm 5% tổng đàn cả tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Trần Hùng: Các địa phương cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp theo kịch bản đề ra, đồng thời báo cáo số liệu dịch bệnh phải chính xác, kịp thời để có hướng xử lý trong thời gian tới.
Công tác phòng chống dịch bệnh được tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Tỉnh và các địa phương đã thành lập các Đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý các vi phạm và lập trên 200 chốt kiểm soát tại các đầu mối giao thông chính để kiểm soát các hoạt động và phun tiêu độc, khử trùng phương tiện.
Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đồng: Cho đến thời điểm này, chỉ mới có 6/12 địa phương gửi hồ sơ về số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi cho Sở Tài chính để làm thủ tục hỗ trợ theo quy định cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã sử dụng gần 100.000 lít hóa chất và trên 1.000 tấn vôi bột để tiến hành khử trùng, tiêu độc vùng dịch, vùng nguy cơ cao và các khu vực liên quan...
Đến nay, đã có 21 xã, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh mới kể từ ngày đầu có dịch.
Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên lực lượng huy động chống dịch ở các cấp mệt mỏi; rất khó huy động thêm người nhất là tại các địa phương có số lượng tiêu hủy lớn.
Phần lớn các chốt kiểm soát dịch được lập và duy trì tốt ở thời gian mới thành lập, thời gian về sau số người, thời gian trực và hoạt động phun khử trùng tiêu độc không đảm bảo.
Giám đốc cơ quan Thú y vùng 3 Dương Tất Thắng: Hà Tĩnh là tỉnh triển khai khá bài bản về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng thú y cấp huyện, xã thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Mặt khác, cùng với DTLCP, dịch LMLM đã xuất hiện tại 2 huyện Can Lộc và Thị xã Hồng Lĩnh; tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ đợt 2 còn chậm so với kế hoạch ...
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Hoàng: Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, Chi cục Thủy sản đang để xuất với tỉnh hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND tỉnh để đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.
Tại cuộc họp, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng báo cáo về công tác khắc phục “thẻ vàng” theo quy định của Ủy ban châu Âu (EC), đặc biệt là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Toàn tỉnh có 14 tàu cá chiều dài từ 24 m trở lên phải lắp đặt trước ngày 1/7/2019 nhưng đến thời điểm này chưa có tàu cá nào được lắp đặt.
Trong khi đó, ngày 5/11/2019, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành kiểm tra tại 28 tỉnh, thành trên cả nước. Việc gỡ thẻ vàng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu các tàu cá trên vẫn chưa lắp đặt giám sát hành trình theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: Bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đang diễn biến ngày càng phức tạp một phần do các địa phương, các hộ chăn nuôi bắt đầu chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan cùng với các địa phương phải xốc lại tinh thần triển khai các giải pháp bổ cứu kịp thời, không để dịch tiếp tục lan ra diện rộng.
Theo đó, ngành NN&PTNT soát xét lại các kịch bản để bổ sung ngay để tiếp tục huy động toàn bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc; các địa phương tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, phát hiện sớm xử lý dịch bệnh kịp thời; báo cáo cập nhật dịch bệnh hàng ngày để theo dõi, giám sát...
Đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không nhập lợn từ các tỉnh đang có dịch về để chăn nuôi, giết mổ; không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao khi chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại.
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm không để dịch “chồng” dịch trên địa bàn.
Đối với lắp thiết bị giám sảt hành trình khắc phục “thẻ vàng” theo quy định của EC, giao huyện có tàu cá từ 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định trước ngày 5/11/2019. Để đảm bảo tiến độ, các địa phương cần xem xét có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đầu tư mua thiết bị...