Xử lý tồn lưu thuốc BVTV ở Hà Tĩnh: Khó do thiếu kinh phí, công nghệ

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang nỗ lực xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm chưa được xử lý do khó khăn về kinh phí, công nghệ...

Xử lý tồn lưu thuốc BVTV ở Hà Tĩnh: Khó do thiếu kinh phí, công nghệ

Điểm tồn lưu thuốc BVTV tại trường Tiểu học xã Khánh Lộc (Can Lộc) hoàn thành xử lý tháng 12/2013

Trên cơ sở kết quả điều tra, báo cáo của các cơ quan chức năng, ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1946/QĐ-TTg công bố Hà Tĩnh có 11 điểm tồn lưu thuốc BVTV trong danh mục xử lý. Theo đó, có 8 điểm xử lý giai đoạn 2012 – 2015 và 3 điểm xử lý giai đoạn 2016 – 2018.

Căn cứ quyết định này, Sở TN&MT đã phối hợp các sở, ngành, địa phương đã xử lý được 7 điểm tồn lưu bằng công nghệ hóa học kết hợp chôn lấp (công nghệ Fenton), công nghệ đốt tiêu hủy và công nghệ sinh học (công nghệ Biosoil).

Xử lý tồn lưu thuốc BVTV ở Hà Tĩnh: Khó do thiếu kinh phí, công nghệ

Điểm tồn lưu tại thôn Báo Lộc (xã Thạch Lưu – Thạch Hà) đã được xử lý bằng công nghệ đốt tiêu hủy.

Tiếp đó, năm 2015, Sở TN&MT hoàn thành điều tra 160/160 điểm ô nhiễm tồn lưu, lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm tại 144/160 điểm. Kết quả, có 96 điểm ô nhiễm hóa chất BVTV vượt quy chuẩn Việt Nam 15:2008/BTNMT, 23 điểm có kết quả phân tích vượt quy chuẩn Việt Nam 54:2013/BTNMT.

Hiện, Sở đã lập dự án xử lý 16 điểm ô nhiễm trình Bộ TN&MT tổng hợp, trình Chính phủ phê duyệt bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Xử lý tồn lưu thuốc BVTV ở Hà Tĩnh: Khó do thiếu kinh phí, công nghệ

Cơ quan chức năng xử lý điểm tồn lưu BVTV tại xóm 8 - xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên)

Ô nhiễm hóa chất BVTV ảnh hưởng lớn tới môi trường, sức khỏe người dân, cần xử lý kịp thời, dứt điểm. Tuy vậy, việc xử lý các điểm tồn lưu BVTV tại Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn.

Theo quy định, các dự án xử lý hóa chất BVTV tồn lưu do UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, theo Luật Đầu tư công thì các dự án phải được đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2017 – 2020 mới được bố trí vốn.

Năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt chương trình mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH ngày 28/8/2015. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Hóa chất BVTV tồn lưu gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài đã ngấm sâu vào đất và có nơi ô nhiễm cả nguồn nước ngầm. Cùng với việc xử lý hóa chất BVTV thì việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng bị ô nhiễm là điều bức thiết. Đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan lồng ghép các dự án cung cấp nước sạch ưu tiên bố trí cho khu dân cư các vùng ô nhiễm do hóa chất BVTV được sử dụng nguôn nước sạch...
Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh

Ngoài ra, hóa chất BVTV tồn lưu gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại hóa chất có một phương án, công nghệ xử lý riêng nên hiện Hà Tĩnh còn khó khăn trong lựa chọn công nghệ. Hơn nữa, hầu hết các điểm tồn lưu nằm trong khu dân cư, trường học, nhà văn hóa thôn, trong vườn các hộ dân, có điểm bị ngập nước thường xuyên… Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng, thu gom, vận chuyển, xử lý rất khó, một số nơi khó lựa chọn địa điểm xử lý, gây kéo dài thời gian.

Xử lý tồn lưu thuốc BVTV ở Hà Tĩnh: Khó do thiếu kinh phí, công nghệ

Hầu hết các điểm tồn lưu nằm trong khu dân cư, trường học, nhà văn hóa thôn, trong vườn các hộ dân, có điểm bị ngập nước thường xuyên… nên việc giải phóng mặt bàng, thu gom, vận chuyển, xử lý khó.

Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) kiến nghị: Hà Tĩnh chịu hậu quả nặng nề của tồn lưu hóa chất BVTV trong chiến tranh, với khối lượng lớn, chiếm tỷ lệ khoảng 90% cả nước.

Để xử lý hiệu quả, đề nghị Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo Chính phủ sớm ưu tiên bố trí ngân sách để tập trung xử lý các điểm ô nhiễm. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ TN&MT, Bộ KH&CN sớm có hướng dẫn về công nghệ giúp địa phương lựa chọn công nghệ thích hợp trong xử lý tồn lưu BVTV và khắc phục đất bị ô nhiễm.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.