Xung đột Hamas - Israel: Gaza ghi nhận ca mắc bại liệt đầu tiên trong 25 năm

Trong những tuần qua, các cơ quan y tế của Palestine tại Gaza, Bờ Tây đã hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng kế hoạch toàn diện cho chương trình tiêm phòng bại liệt mở rộng tại Dải Gaza.

Cơ quan y tế tại Dải Gaza đã phát hiện virus gây bệnh bại liệt trong các mẫu nước thải thu thập được tại khu vực này. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cơ quan y tế tại Dải Gaza đã phát hiện virus gây bệnh bại liệt trong các mẫu nước thải thu thập được tại khu vực này. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 16/8, Dải Gaza đã ghi nhận ca mắc bại liệt đầu tiên trong 25 năm trong bối cảnh vùng đất này của Palestine đang hứng chịu xung đột kéo dài.

Bộ Y tế Palestine cho biết bệnh nhân là một em bé 10 tuổi ở Deir al-Balah, trung tâm Gaza. Bệnh nhân chưa từng được tiêm vaccine phòng bại liệt và có các triệu chứng giống bệnh này. Kết quả kiểm tra cho thấy người bệnh đã nhiễm một chủng virus bại liệt.

Trong những tuần qua, các cơ quan y tế của Palestine tại Gaza, Bờ Tây đã hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng kế hoạch toàn diện cho chương trình tiêm phòng bại liệt mở rộng tại Dải Gaza.

Ngày 7/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo gửi hơn 1 triệu liều vaccine ngừa bại liệt đến Dải Gaza sau khi phát hiện virus gây bệnh trong nước thải tại đây.

Trong khi đó, Liên hợp quốc tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch tiêm phòng 2 giai đoạn cho hơn 640.000 trẻ em dưới 10 tuổi tại Gaza từ cuối tháng 8.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Dải Gaza đình chiến nhân đạo tạm thời để tiến hành chiến dịch tiêm vaccine bại liệt.

Phong trào Hamas cũng đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày nhằm tiêm phòng bại liệt cho hàng nghìn trẻ em, đồng thời yêu cầu cung cấp thuốc men, thực phẩm cho hơn 2 triệu người Palestine đang mắc kẹt tại Gaza.

Các số liệu của Liên hợp quốc cho thấy tỷ lệ bao phủ vaccine tại Gaza trước khi xung đột bùng phát là 99%. Tuy nhiên, hệ thống y tế bị tổn hại, hạ tầng bị phá hủy, việc thiếu nguồn cung y tế, thiếu an ninh, di tản quy mô lớn đã khiến tỷ lệ này giảm còn 86%./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.