Ý tưởng để có được 50.000 lao động chất lượng đưa sang Nhật mỗi năm

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra phép tính, nếu Nhật hỗ trợ hoạt động đào tạo, "đặt hàng" lao động cho những ngành nghề chất lượng, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 nhân lực diện này mỗi năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện với Đại sứ Yamada Takio
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện với Đại sứ Yamada Takio

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi mở ý tưởng này tại cuộc gặp với ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, sáng 9/4. Vị Đại sứ sang chào Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước khi về nước, kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của ông tại Việt Nam.

Đóng góp lớn của lao động Việt với Nhật Bản

Tại cuộc gặp, ông Yamada Takio chia sẻ, trong nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Việt Nam, ông nhận thức rõ mối quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng nguồn nhân lực.

Đại sứ Yamada Takio đánh giá rất cao lao động người Việt bởi tính cần cù, chịu khó và tin tưởng sự hợp tác, giao lưu nguồn nhân lực giữa Nhật Bản - Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia.

Đại sứ Yamada Takio tới thăm, chào Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Đại sứ Yamada Takio tới thăm, chào Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Đại sứ Yamada Takio thông tin, sau Covid-19, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc rất lớn. Theo thống kê đến cuối 2023, có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, phần lớn trong số đó là thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định. Lực lượng lao động này đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng lao động Việt Nam, trong đó có thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định.

Thông tin thêm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Yamada Takio cho biết, hồi giữa tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật đã bắt đầu xem xét việc thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng, thảo luận hướng điều chỉnh chính sách để mang lại quyền lợi tối đa cho lao động nước ngoài, trong đó có thực tập sinh Việt Nam.

Xung quanh việc này, Đại sứ Yamada Takio mong Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng như cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đóng góp ý kiến để chương trình tiếp nhận lao động mới của Nhật đạt được hiệu quả thực tiễn.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang hợp tác cùng JICA (Cơ quan phát triển Nhật) triển khai dự án "Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Nhật Bản cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH trong dự án này.

Hai bên trao đổi nhiều vấn đề hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực (Ảnh: Gia Đoàn).

Hai bên trao đổi nhiều vấn đề hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực (Ảnh: Gia Đoàn).

Về chương trình lao động kỹ năng đặc định, tháng 3 vừa qua, kỳ thi đầu tiên trong hai lĩnh vực nông nghiệp và điều dưỡng đã được tổ chức tại Việt Nam. "Ngoài hai lĩnh vực nông nghiệp và điều dưỡng, thời gian tới, kỳ thi kỹ năng đặc định sẽ mở rộng thêm một lĩnh vực mới như bảo dưỡng ô tô, dịch vụ", ông Yamada Takio thông tin.

Vị Đại sứ Nhật cũng trao đổi về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức kỳ thi kỹ năng với một số ngành nghề như phục vụ nhà hàng, sản xuất thực phẩm, đồ uống mà lao động Việt Nam có ưu thế, mong muốn tham gia. Phía Nhật đề nghị Bộ cung cấp thêm thông tin về nhu cầu, số lượng người lao động quan tâm, có nguyện vọng.

Đối với chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA), ông Yamada Takio đánh giá các ứng viên người Việt rất xuất sắc, có khả năng ngoại ngữ tốt. Đặc biệt, tỷ lệ ứng viên điều dưỡng, hộ lý thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật khá cao. Điều đó cho thấy công tác đào tạo lao động ở Việt Nam trước khi sang Nhật rất tốt.

Theo Đại sứ Yamada Takio, lao động Việt Nam có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản (Ảnh: Gia Đoàn).

Theo Đại sứ Yamada Takio, lao động Việt Nam có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản (Ảnh: Gia Đoàn).

Thời gian tới, Đại sứ Yamada Takio mong muốn mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, IT, quản trị kinh doanh… Phía Nhật đánh giá rất cao tiềm năng của lao động Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Cũng nhân cuộc gặp này, ông Yamada Takio đề cập mong muốn hai nước thúc đẩy việc ký kết Hiệp định BHXH để nội dung này sớm đi vào thực tiễn, giải quyết được vấn đề đóng BHXH song trùng của lao động hai nước.

50.000 lao động chất lượng có thể cung ứng mỗi năm

Trước khi phúc đáp những ý kiến mà ông Yamada Takio nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời chúc mừng và cảm ơn vị Đại sứ đã có một nhiệm kỳ rất thành công tại Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, chưa bao giờ mối quan hệ hợp tác Việt - Nhật lại tốt đẹp như giai đoạn hiện nay.

"Quan hệ đó không chỉ về chính trị, kinh tế, văn hóa mà phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác về đào tạo và nhân lực", Bộ trưởng nhắc lại sự kiện kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa hai nước Việt - Nhật không chỉ là đối tác mà còn là những người bạn thân thiết.

Bộ trưởng ghi nhận Đại sứ Nhật đã có nhiệm kỳ thành công tốt đẹp tại Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Bộ trưởng ghi nhận Đại sứ Nhật đã có nhiệm kỳ thành công tốt đẹp tại Việt Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Về hoạt động hợp tác phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, chưa bao giờ số lượng người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nhiều và đa dạng như hiện nay.

Bộ trưởng dẫn chứng, 2023 là năm thành công lớn của ngành lao động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. "Năm 2023, chúng tôi đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì có trên 85.000 người sang làm việc tại Nhật. Dù có những khó khăn, thách thức khi đồng yên Nhật giảm, người Việt vẫn ưu tiên lựa chọn đến đây, chứng tỏ niềm tin đối với thị trường lao động của Nhật Bản", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mặt khác, sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, nhất là Thủ tướng Nhật và Thủ tướng Việt Nam cùng sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa Bộ LĐ-TB&XH với các Bộ, ngành của Nhật đã mang lại kết quả xứng đáng. Lần đầu tiên, hai bên tổ chức Diễn đàn quốc gia về lao động tại Nhật Bản và đi đến quyết định chọn ngày 16/12 là ngày lao động Việt Nam tại Nhật.

Lớp đào tạo tiếng Nhật tại Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: Gia Đoàn).

Lớp đào tạo tiếng Nhật tại Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: Gia Đoàn).

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Yamada Takio đã tạo điều kiện, phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thành công kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua. Ông mong muốn, tới đây hai nước, hai Bộ thống nhất được việc mở rộng kỳ thi ở nhiều lĩnh vực mới, tạo hiệu ứng xã hội tốt.

Bộ trưởng đánh giá, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai bên giúp Nhật tháo gỡ khó khăn trong những lĩnh vực "khát" nhân lực, tiêu biểu như ngành điều dưỡng.

Ông cũng khẳng định, vấn đề hai nước đang quan tâm là Hiệp định BHXH đang được xúc tiến và sẽ kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lao động, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam tiếp tục dành sự ưu tiên với Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc đưa nhân lực sang Nhật Bản, đào tạo thật tốt trước khi người lao động xuất cảnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra ý tưởng phối hợp với Nhật chọn một số ngành nghề, lĩnh vực, để bồi dưỡng, tuyển dụng những nhân sự tốt nhất trong nhóm những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để đưa sang Nhật làm việc.

"Nếu Nhật Bản mở rộng tiếp nhận trong những ngành nghề chất lượng, mang lại mức thu nhập, mức sống tốt, mỗi năm Việt Nam có thể cung cấp khoảng 50.000 lao động có năng lực", Bộ trưởng trao đổi.

Về chương trình điều dưỡng, hộ lý, Bộ trưởng chia sẻ ông rất hiểu Nhật Bản dành sự quan tâm đặc biệt đối với các ứng viên. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khó khăn về đào tạo, tốn nhiều thời gian. Do đó, ông gợi ý, bên cạnh các khóa đào tạo ứng viên như hiện tại, phía bạn có thể lựa chọn các trường trung cấp, cao đẳng y của Việt Nam để đặt hàng, có hỗ trợ kinh phí đào tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số 50.000 lao động chất lượng có thể cung cấp, đưa sang Nhật làm việc mỗi năm (Ảnh: Gia Đoàn).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số 50.000 lao động chất lượng có thể cung cấp, đưa sang Nhật làm việc mỗi năm (Ảnh: Gia Đoàn).

"Có thể đặt hàng, đầu tư với nhóm các sinh viên năm nhất có nguyện vọng sang Nhật làm việc sau tốt nghiệp, hỗ trợ kinh phí để các ứng viên vừa học chuyên môn, vừa học ngoại ngữ", Bộ trưởng thông tin, ngoài Nhật, hiện các quốc gia như Đức, Canada, Úc cũng đặt vấn đề với Bộ LĐ-TB&XH về hỗ trợ điều dưỡng viên.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thông tin, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50.000 kỹ sư về công nghệ chip, bán dẫn, đồng thời phấn đấu có được 150.000 nhân lực có chứng chỉ hành nghề carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến những định hướng nhân lực đã đề cập, Bộ trưởng cho biết, hoạt động đào tạo nghề của Việt Nam sẽ áp dụng mô hình Kosen của Nhật Bản. Nhân cuộc gặp, Bộ Lao động mong phía Nhật quan tâm, hỗ trợ Việt Nam về việc này.

Trao đổi với Đại sứ Yamada Takio, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở khi những hợp tác của hai quốc gia về vấn đề xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. So sánh mô hình các cơ sở bảo trợ xã hội tại Việt Nam và các viện dưỡng lão của Nhật, Bộ trưởng xác định, cần đầu tư, xây dựng những cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy mô hơn, mang tầm quốc tế.

Bộ trưởng đề xuất Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng 1-2 cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người già như tại Nhật ở hai miền Nam - Bắc.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.