Thiếu cô Hương, trẻ Rào Tre không chịu đi học!

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối thu – cái lạnh dường như đến sớm hơn trên dãy núi Giăng Màn. Thế nhưng, bất kể nắng mưa hay cái lạnh thấu thịt da, đúng 6h30’, cô giáo Hoàng Thị Hương đều có mặt tại bản Rào Tre (Hương Liên - Hương Khê - Hà Tĩnh) để đón trẻ. Tất cả chỉ vì mong muốn duy nhất là giúp trẻ em trên vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn được hưởng niềm vui đến trường.

Thiếu cô Hương, trẻ Rào Tre không chịu đi học! ảnh 1

Cô Hương nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hương Liên nên từ bé, cô giáo Hương sớm thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, vất vả của trẻ em vùng sâu, vùng xa. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cô mong muốn được góp sức mình vun đắp cho thế hệ măng non trên quê nghèo. Và ước mơ đó đã thành hiện thực khi cô được trở về mái trường mầm non của xã công tác. Năm ấy, cô tròn 20 tuổi.

Việc vận động trẻ vùng sâu, vùng xa đến trường đã khó, với trẻ em đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre lại càng khó hơn. Hủ tục lạc hậu, đường rừng heo hút là những “rào cản” khiến con đường đến trường của trẻ em mầm non càng trở nên khó khăn. Lòng say nghề, yêu trẻ đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cô vững bước trên con đường mình chọn.

Cô Hương tâm sự: “Những ngày đầu dạy ở bản, phụ huynh không cho trẻ đến lớp mà đưa con đi rừng để chặt củi, hái măng, bởi họ cho rằng, học cũng chẳng giúp ích gì cho cuộc sống. Tuyên truyền, vận động nhưng không có hiệu quả nên nhiều lúc tôi cũng nản. Tuy nhiên, sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp tôi thêm quyết tâm, học tiếng dân tộc để có thể dễ dàng tâm tư với người dân, cùng ăn, cùng ở với họ để vận động đưa các cháu đến trường”.

Việc duy trì sỹ số cũng là một bài toán khó. Thời gian đầu - khi chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cô Hương đã trích một phần lương để mua mì tôm, nấu cháo cho các em ở lại buổi trưa. Cô cũng đã dành thời gian học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tăng sự hấp dẫn trong từng bài giảng. Đó cũng là một trong những lý do giúp cô làm được điều tưởng chừng không thể - huy động được 95% trẻ mẫu giáo trong bản đến trường.

Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên chia sẻ: “Đã 20 năm gắn bó với nghề, trong đó, có 10 năm gắn bó với bản Rào Tre nhưng cô Hương không hề kêu ca, phàn nàn. Trường cũng có ý định đưa cô về dạy ở vùng trung tâm để làm nòng cốt, nhưng khi cử một người khác thay thì trẻ ở bản Rào Tre lại không chịu đi học. Trách nhiệm của một giáo viên đứng lớp, tình cảm lưu luyến của trẻ thơ và dân bản đã níu bước chân cô ở lại với lớp học đặc biệt này”.

Theo thời gian, những câu chuyện kể hấp dẫn, những lời ca tiếng hát và sự chăm sóc tận tình của cô giáo Hoàng Thị Hương - người mẹ thứ 2, đã thổi vào tâm hồn trẻ thơ niềm hứng thú đến trường. Những chuyến xe lặng thầm đưa đón mỗi ngày của cô đã giúp trẻ em dân tộc Chứt rút ngắn khoảng cách, từng bước hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình mầm non. Bình minh của ngày mới đã lên nơi bản nghèo heo hút, những lời ca, tiếng hát và nụ cười rạng rỡ tỏa sáng trên từng gương mặt thơ ngây.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast