Tuyển sinh mầm non ở TP Hà Tĩnh: Hàng trăm trẻ "bơ vơ", phụ huynh như ngồi trên lửa!

(Baohatinh.vn) - Ngày tựu trường đã tới gần, thế nhưng hàng trăm phụ huynh có con bắt đầu bước vào lớp đầu cấp, đặc biệt là bậc mầm non tại TP. Hà Tĩnh vẫn “ăn không ngon, ngủ không yên” khi con mình chưa có chỗ học. Lý do cũng bởi chỉ tiêu thì ít, trong khi nhu cầu học lại cao gấp nhiều lần. Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp ở TP. Hà Tĩnh vì thế cứ đến mùa lại... “nóng”!

Những lá thăm không may mắn

Khác với năm trước, năm nay áp lực tuyển sinh đầu cấp dường như dồn về bậc học mầm non. Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh, năm nay các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn duy trì hình thức xét tuyển theo nguyên tắc từ đối tượng ưu tiên cao đến thấp, cho đến hết chỉ tiêu được tuyển.

Theo đó, ưu tiên 1 được dành cho các em có hộ khẩu thường trú, sống cùng bố mẹ trên địa bàn tuyển sinh; ưu tiên 2 dành cho trẻ có hộ khẩu tạm trú, đang sống trên địa bàn với bố mẹ là người ngoại tỉnh, ngoại huyện về làm ăn, sinh sống trên địa bàn tuyển sinh từ 3 năm trở lên; ưu tiên 3 dành cho các đối tượng khác.

Phương án tuyển sinh chi tiết, cụ thể là vậy, nhưng áp lực tuyển sinh ở một số trường mầm non vẫn không hề giảm, thậm chí còn căng hơn so với năm trước.

tuyen sinh mam non o tp ha tinh hang tram tre bo vo phu huynh nhu ngoi tren lua

Trường MN 1 Hà Tĩnh, nơi hơn 40 trẻ không có được lá thăm may mắn

Sau khi bốc được những lá thăm không may mắn, con không được tuyển vào trường học trên địa bàn, mới đây hơn 40 phụ huynh trẻ mầm non ở phường Nam Hà đã kéo nhau xuống UBND phường để “đề đạt nguyện vọng”. Tuy nhiên, câu trả lời của chính quyền địa phương không thể làm hạ nhiệt nỗi bức xúc trong lòng họ. Cực chẳng đã, các phụ huynh lại xếp hàng rồng rắn mang theo hồ sơ tìm đến Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh với hy vọng ngành chức năng và lãnh đạo thành phố sẽ có đáp áp thoả đáng cho vấn đề nan giải này.

Cô Lê Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường MN 1 (phường Nam Hà) cho biết: “Tính cả số cháu từ lớp 2 tuổi chuyển lên và số cháu bốc thăm trúng tuyển vào trường, đến nay chúng tôi đã có 3 lớp 3 tuổi. Theo quy định, mỗi lớp có 25 học sinh, nhưng vì quá đông nên hiện tại đã lên tới 33 cháu/lớp. Thế nhưng, vẫn còn 41 cháu có hộ khẩu, sống cùng bố mẹ trên địa bàn phường không có được lá thăm may mắn. Chúng tôi cũng cảm thấy day dứt, nhưng số lớp theo quy định chỉ có thế nên đành chấp nhận”.

"Nóng" nhất trong mùa tuyển sinh năm nay có lẽ là Trường Mầm non Bắc Hà. Thống kê cho thấy, trẻ 3 tuổi thuộc đối tượng ưu tiên 1 có nguyện vọng vào trường là 88 cháu. Nhưng theo quy mô, lớp từ 2 tuổi chuyển lên đã đủ nên nhà trường không thể tuyển sinh.

Chị N. T. V. – một phụ huynh không nén nổi bức xúc: “Sống trên địa bàn phường đã lâu, mọi nghĩa vụ đóng đậu, xây dựng quê hương chúng tôi đều hoàn thành, mà nay con lại không được học tại phường, đó là chưa nới đến việc để được vào các trường lân cận cũng không hề dễ. Đây là bất cập lớn mà chính quyền các cấp và ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết kịp thời, thỏa đáng”.

Không chỉ vùng trung tâm mà năm nay các trường mầm non ở vùng lân cận như Đại Nài, Thạch Bình, Thạch Đồng, Trần Phú cũng căng mình bởi áp lực tuyển sinh đầu cấp.

Chờ đợi chủ trương mở thêm lớp

Trong xu thế phát triển chung, thực trạng quá tải trong các trường học là hệ quả tất yếu vấn đề di dân, sự gia tăng dân số cơ học, trong khi cơ sở vật chất trường lớp vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Trước tình trạng đó, thời gian qua, với sự tham mưu của Phòng GD&ĐT, UBND thành phố Hà Tĩnh đã ban hành đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp và xây dựng cơ sở vật chất trường MN, TH, THCS trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, thực hiện các mục tiêu về cơ sở vật chất cần phải có lộ trình, nguồn kinh phí lớn nên không thể dễ dàng giải quyết trong một sớm, một chiều.

Cô Nguyễn Thị Thuỷ Nga – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Nắm bắt rõ thực trạng khó khăn của các trường, Phòng GD&ĐT đã có Tờ trình số 368 ngày 12/8 gửi trình UBND thành phố về việc bổ sung kế hoạch tuyển sinh mầm non năm học 2016-2017 nhằm đảm bảo mục tiêu 100% con em được đến trường”.

Theo đó, các trường mầm non dự kiến sẽ mở thêm các lớp, trong đó Bắc Hà mở thêm 2 lớp 3 tuổi, Trần Phú mở thêm 1 lớp 3 tuổi, Đại Nài mở thêm 1 lớp 3 tuổi, Thạch Bình mở thêm 1 lớp 5 tuổi, Thạch Đồng mở thêm 1 lớp 3 tuổi. Các trường còn lại như Trường MN 1, Tân Giang, Thạch Linh giữ nguyên số lớp theo kế hoạch và tuyển thêm các cháu có hộ khẩu trên địa bàn.

Giải pháp tình thế mà Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh tham mưu đã phần nào làm yên lòng dư luận. Tuy nhiên, đến nay ngày tựu trường đã cận kề nhưng vẫn chưa nhận được quyết định chính thức từ UBND TP Hà Tĩnh nên các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Hà cho biết: “Chúng tôi cũng hết sức sốt ruột khi mỗi ngày lại phải tiếp hàng chục lượt phụ huynh đến trường với nỗi băn khoăn về thông tin mở thêm lớp. Với cơ sở vật chất của trường, việc mở thêm 2 lớp là có thể go ghép được, nhưng tất cả đều phải chờ quyết định của cấp trên".

Ngày tựu trường đã cận kề, thế nhưng phụ huynh thì vẫn mong mỏi quyết định của UBND thành phố Hà Tĩnh để con được đến trường; các trường cũng nóng lòng để có kế hoạch kịp thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vui chuẩn bị cho năm học mới.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.