Chuyển đổi mô hình quản lý bến xe - Lộ trình tất yếu

(Baohatinh.vn) - Xã hội hóa và chuyển đổi mô hình quản lý bến xe là việc làm hết sức cần thiết nhằm xây dựng tiêu chuẩn bến xe văn minh, hiện đại, đồng thời, đổi mới công tác điều hành, quản lý để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Thực trạng các bến xe tuyến huyện

Bến xe Hồng Lĩnh là một trong 8 bến xe thuộc BQL Bến xe khách Hà Tĩnh (đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở GTVT) được xây dựng năm 2010 trên khu đất 15.000 m2 với kinh phí hơn 8 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách. Với hệ thống sân bãi rộng, phòng vé, khu vực nhà chờ khang trang, đây được kỳ vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh với hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm đi vào hoạt động, bến xe đã không đáp ứng được kỳ vọng và chưa tương xứng với số tiền đầu tư từ ngân sách.

Ông Nguyễn Xuân Tứ - Trưởng Bến xe Hồng Lĩnh cho biết, hiện tại, bến chỉ quản lý được 6 xe đi Hà Nội và Đắk Lắk, ngày nhiều nhất thì được 2-3 xe ra vào, có ngày không lượt nào. Hệ thống phòng bán vé, ghế ngồi được trang bị đầy đủ nhưng dăm ba ngày mới có 1-2 khách đến mua vé. Bến xe có 4 nhân viên làm công việc sổ sách, bán vé... nhưng do không có khách nên họ chỉ đến trông bến, quét dọn rồi về. Theo ông Nguyễn Xuân Tứ, nguyên nhân bến không có xe ra vào là TX Hồng Lĩnh có nhiều điểm bán vé xe liên tỉnh đặt ngoài đường. Vì thế, hành khách khi đón xe chỉ chờ ở điểm bán vé chứ không vào bến để mua.

Chuyển đổi mô hình quản lý bến xe - Lộ trình tất yếu ảnh 1

Sau gần nửa năm đưa vào khai thác, Bến xe Hà Tĩnh được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa đã khẳng định được vai trò, hiệu quả vượt trội so với bến xe cũ.

Bến xe Hương Sơn cũng được kỳ vọng sẽ là điểm đón trả khách tấp nập, nhộn nhịp ở phía Tây của tỉnh - nơi có hàng nghìn lượt khách qua lại làm ăn ở Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Tuy nhiên, hàng ngày, các xe tuyến nội tỉnh chỉ “lượn vào” đóng dấu nhật trình rồi đi ngay để kịp bắt khách dọc đường. Không có khách, hạ tầng xuống cấp, thậm chí, có nơi trở thành bãi chứa rác thải hoặc bị lấn chiếm làm nhà ở hay ki-ốt kinh doanh dịch vụ là thảm cảnh chung của 7 bến xe tuyến huyện.

Khó khăn của các bến xe tuyến huyện ngày càng chồng chất khi các tuyến xe buýt thay thế tuyến cố định khiến nguồn thu dịch vụ tại các bến giảm, có nơi giảm đến 80% như bến Hương Sơn. Đặc biệt, sau khi tách Bến xe TP Hà Tĩnh ra khỏi BQL Bến xe Hà Tĩnh thì các bến còn lại càng bế tắc khi mất đi nguồn thu chủ lực, bù đắp cho các bến tuyến huyện. Ông Lê Dũng Tiến - Trưởng BQL Bến xe khách Hà Tĩnh cho biết, sau khi Bến xe TP Hà Tĩnh chuyển sang xã hội hóa đầu tư và do doanh nghiệp quản lý, tổng thu 7 bến còn lại chỉ đạt khoảng 170 triệu đồng/tháng, không thể đủ trả lương cho 37 nhân viên và chi phí hoạt động khác.

Cần sớm chuyển đổi mô hình quản lý

Sau gần nửa năm đưa vào khai thác, Bến xe Hà Tĩnh được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa (do Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh đầu tư, quản lý, khai thác) đã chứng minh được tính ưu việt, đặc biệt là giải được bài toán về những tồn tại, bất cập của bến xe cũ. Với tổng diện tích trên 15.000 m2, Bến xe Hà Tĩnh được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn bến xe loại 1 của Bộ GTVT với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng. Ngoài đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, BQL Bến xe Hà Tĩnh chú trọng tăng chất lượng quản lý và rút ngắn thời gian, giảm thủ tục cho khách hàng.

Chuyển đổi mô hình quản lý bến xe - Lộ trình tất yếu ảnh 2

Hệ thống các cửa hàng bán vé khoa học và hiện đại tại Bến xe khách Hà Tĩnh

Thành công lớn nhất được ghi nhận đó là sự hưởng ứng, đón nhận của các doanh nghiệp vận tải hành khách. Bến xe ở địa điểm mới cách xa vùng tập trung dân cư nên chấm dứt được tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng trật tự ATGT và mỹ quan đô thị như trước đây. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công an, Bến xe Hà Tĩnh góp phần đưa hoạt động vận tải hành khách vào nền nếp. Hiện nay, có 34 doanh nghiệp với 152 đầu xe hoạt động trên 24 tuyến đang sử dụng các dịch vụ của Bến xe Hà Tĩnh.

Sau khi bến xe trung tâm của tỉnh thực hiện thành công việc chuyển đổi mô hình quản lý, UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp phân tích sự cần thiết chuyển đổi mô hình quản lý đối với 7 bến xe tuyến huyện còn lại. Theo ông Lê Dũng Tiến, nếu tái thành lập đơn vị sự nghiệp hoạt động theo Nghị định 16/2014/NĐ-CP thì phải cần nguồn ngân sách bù chi phí cho hoạt động của đơn vị. Việc này không khả thi, do nguồn ngân sách của tỉnh không có để đảm bảo chi thường xuyên và chi phí đầu tư phát triển. Vì vậy, phương án tối ưu là chuyển giao lao động và hệ thống 7 bến xe còn lại cho Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh quản lý, giảm chi ngân sách dịch vụ công ích, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xã hội hóa đầu tư công.

Trước những khó khăn, tồn tại, bất cập của mô hình quản lý bến xe cũ và tính ưu việt của mô hình bến xe xã hội hóa, đặc biệt, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống bến xe khách còn hạn chế, việc chuyển đổi mô hình quản lý và ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe khách là hết sức cần thiết và cần sớm được triển khai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast