Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế 2 nước
Đức không chỉ được biết đến là nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, năm 2016, giành ngôi vị “quán quân“ xuất khẩu, mà còn được biết đến với những thế mạnh trong lĩnh vực y dược, y tế cộng đồng và bảo đảm phúc lợi xã hội. Tuy vậy, nước này cũng đang đứng trước những thách thức to lớn do sự phát triển dân cư mất cân đối nghiêm trọng.
Tỷ lệ người trẻ tham gia vào thị trường lao động mỗi năm một giảm trong khi tuổi thọ cao và tỷ lệ người có tuổi ngày càng tăng. Theo tính toán thì hiện nay, khoảng 3 triệu người già, ốm, yếu cần sự trợ giúp nhưng nhân lực lao động trong ngành này lại thiếu hụt nghiêm trọng. Từ nay đến 2030, sẽ thiếu từ 193.000 - 480.000 điều dưỡng viên, hộ lý. Để khắc phục sự thiếu hụt này, Chính phủ Đức một mặt khuyến khích học sinh học nghề điều dưỡng viên, mặt khác, nhận lao động nước ngoài. Ở Đức, hiện nay, cứ 7 học sinh học nghề trên lĩnh vực này thì có 1 người nước ngoài. Chính phủ Đức cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với các nước như Séc-bi-a, Bosnia-Heregovina, Philippines và cả Trung Quốc.
Với Việt Nam, từ năm 2013, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam thỏa thuận về vấn đề đưa điều dưỡng viên sang Đức. Bên cạnh đó, các công ty môi giới hợp tác lao động ở Việt Nam cũng đưa học sinh học nghề hoặc lao động sang Đức làm điều dưỡng viên. Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của Đức cũng như tiềm năng hợp tác song phương.
Qua sự giới thiệu của một người bạn lớn của Việt Nam, Giáo sư Klinkmann - Cố vấn đặc biệt của Thủ hiến bang và là Đại sứ y tế của bang Mecklenburg - Vorpommern (MV), nguyên chủ tịch cuối cùng của Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức, chuyên gia hàng đầu thế giới về ghép tạng (giáo sư cũng là người phát minh ra chạy thận nhân tạo, nhiều năm là Chủ tịch Hội Ghép tạng thế giới và châu Âu; 14 bằng giáo sư và tiến sĩ danh dự của các trường đại học danh tiếng trên thế giới), bang MV đã quan tâm đến hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế cộng đồng của Việt Nam và MV. Bản thân Thủ hiến Sellering trước khi phát hiện bị ung thư và từ chức cũng hết sức ủng hộ dự án hợp tác này và đã có thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân sang dự Hội nghị G20 đến thăm bang MV để trao đổi.
Tuy chuyến thăm không thực hiện được nhưng ông Thủ hiến đã ủy quyền cho Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Y tế Harry Glawe, Quốc vụ khanh Dr. Rudolph trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án hợp tác có ý nghĩa xã hội to lớn này và coi đó là “Dự án điểm“ (Pilotprojekt). Điều đặc biệt lý thú là cả giáo sư Klinkmann, bộ trưởng và quốc vụ khanh bang MV đều là những người dân CHDC Đức cũ và vẫn giữ nguyên những tình cảm yêu quý dành cho Việt Nam. Nếu không có những tình cảm đặc biệt như vậy thì khó có thể hình dung là chỉ trong thời gian ngắn, một thỏa thuận hợp tác lớn như vậy được ký kết. Về phía Việt Nam, ngoài Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự án hợp tác còn nhận được sự tư vấn và hỗ trợ hiệu quả của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến và các trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Cao đẳng y Nam Sài Gòn TP Hồ Chí Minh.
Với dự án này, thời gian tới, bang Mecklenburg - Vorpommern sẽ triển khai xây dựng hệ thống đào tạo, cấp chứng chỉ học nghề và bảo đảm đầu ra cho học sinh học nghề Việt Nam, trước mắt trong lĩnh vực điều dưỡng viên và sau này mở rộng sang các lĩnh vực y tế khác. Nguồn kinh phí triển khai dự án được lấy từ nguồn của bang, và như ông Werner Kuhn - nghị sĩ Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ bang MV cho biết, có thể xin từ nguồn kinh phí của EU.
Ngày 7/7/2017, tại diễn đàn kinh tế diễn ra tại Berlin nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Harry Glawe đã trao đổi văn kiện hợp tác.
Hà Tĩnh, địa phương năng động trong kêu gọi đầu tư, hợp tác với Đức
Là trọng điểm kinh tế miền Trung, một thời gian dài chúng ta chỉ quan tâm đến những “dự án tỷ đô“ đến những “ông kễnh“, đến “đại dự án“. Điều này không có gì sai. Ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam rất cần những nhà đầu tư như vậy. Tuy nhiên, việc xem nhẹ đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp gia đình từ châu Âu và nhất là từ Đức lại là sai lầm nghiêm trọng, nếu chúng ta biết rằng sự thịnh thượng và ổn định của kinh tế Đức 70-80% là do các doanh nghiệp này.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo Công ty CP Hợp tác thương mại Toàn Cầu trao biên bản ghi nhớ hợp tác
Ông Arthur Ruland - người có 40 năm thành công trong ngành sản xuất đồ chơi của Đức, trong đó 30 năm đầu tư ở Trung Quốc, Tunisi, Liên Xô và Nam Tư cũ cho biết, trong mấy năm vừa qua, ông đã không dưới 10 lần vào Việt Nam, đi thăm không dưới 30 khu công nghiệp từ Nam ra Bắc và cũng nói chuyện nhiều với lãnh đạo địa phương ở Việt Nam. Điều làm ông buồn nhất là hình như không ai hiểu vai trò của nhà đầu tư vừa và nhỏ của Đức, cho đến lần vào Hà Tĩnh lần đầu tiên vào tháng 11/2016. Lần ấy, vị lãnh đạo trẻ trung, năng động của tỉnh này đã thuyết phục được ông và ông đã cùng bạn bè, trong đó có nhiều người Việt ở Đức, quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh và hơn thế nữa, còn xây dựng ở đó một khu công nghiệp dành riêng cho đầu tư từ Đức.
Chỉ trong thời gian ngắn, đoàn xúc tiến đầu tư của Hà Tĩnh đã đến Đức với một chương trình tiếp xúc dày đặc mà theo nhận xét của nhiều người, chưa địa phương nào của Việt Nam làm được.
Ngay khi xuống Frankurt và còn chưa có phòng khách sạn, đoàn đã có ngay buổi trao đổi khá sôi nổi với các nhà tư vấn, kết nối đầu tư thuộc Công ty ITM International Trade Marketing GmbH và với Trung tâm Đào tạo nghề nâng cao của bang Hessen (Hessiche Landesstelle für Technologiefortbildung) nhằm tìm kiếm đầu tư và cơ hội hợp tác đào tạo tay nghề chất lượng cao cho địa phương.
Ngày 7/7, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin (Thương vụ), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã ký 4 văn bản hợp tác với doanh nghiệp Đức, Italia, đáng chú ý là văn bản thành lập Khu công nghiệp Đức - Việt tại Vũng Áng (German Vietnamese Industrial Park GVIP). Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Kinh tế Liên bang - bà Zypriess, các văn kiện này đã được trao tại diễn đàn kinh tế chiều cùng ngày. Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng có buổi trao đổi cởi mở và thân tình với Bộ trưởng Kinh tế bang Mecklenburg - Vorpommern bên lề Diễn đàn kinh tế Việt - Đức. Hai bên cũng thỏa thuận về việc tổ chức đoàn của bang MV thăm Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Ngày 8/7, đoàn Hà Tĩnh gồm lãnh đạo một số sở, ngành và doanh nghiệp đã thăm thành phố Torgelow thuộc bang MV, ký Sổ vàng cùng ông Thị trưởng Gotschalk, dự diễn đàn doanh nghiệp tổ chức riêng cho Hà Tĩnh. Trong hội đàm sau đó với Thị trưởng Torgelow và ông Lehmann, Tổng giám đốc Tập đoàn ME-LE, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức; đồng thời, mong muốn bang MV và tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Torgelow và TP Hà Tĩnh kết nghĩa để thúc đẩy hợp tác thời gian tới trên các lĩnh vực mà Hà Tĩnh, MV nói chung và Torgelow nói riêng có thế mạnh. Hai bên cũng ký thỏa thuận hợp tác và nhất trí sẽ thiết lập cầu truyền hình trực tuyến để thuận lợi cho việc kết nối.
Cùng với việc thành lập GVIP và kết nối với Torgelow, bang Mecklenburg - Vorpommern chắc chắn thời gian tới Hà Tĩnh sẽ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Đức và xứng đáng với vị trí tiên phong trong hợp tác địa phương - địa phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.