Niềm tự hào của Cao su Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tấm cao su tờ xông khói RSS3 là sản phẩm của Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh. Sản phẩm RSS3 có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, mang lại nguồn lợi lớn nhất trong các sản phẩm của Xí nghiệp. RSS3 vừa được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2013.

RSS3 được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013.
RSS3 được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013.

Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ nằm trên QL 15A (thuộc xóm 13, xã Hà Linh, Hương Khê). Tuy chỉ mới hoạt động từ năm 2007, nhưng đến nay, Xí nghiệp đã mang lại cho Công ty doanh thu khổng lồ. Năm 2012, doanh thu đạt khoảng 189 tỷ đồng với gần 3.200 tấn cao su sản phẩm, ước thực hiện năm 2013 là 125 tỷ đồng với hơn 2.500 tấn (sản lượng giảm do hậu quả của bão số 10 và 11 vừa qua). Riêng doanh thu sản phẩm tấm cao su tờ xông khói RSS3 năm 2012 đạt 36 tỷ đồng với hơn 600 tấn cao su sản phẩm, ước doanh thu năm 2013 đạt 24 tỷ đồng với hơn 450 tấn.

Anh Trần Đình Bảy - Phó Giám đốc kỹ thuật chế biến của Xí nghiệp chỉ tay vào đống củi chuẩn bị được đưa vào lò sấy, chia sẻ: Trong đó có cả cao su đấy, năm nay, bão gây thiệt hại quá lớn với cây cao su nên quá trình sản xuất và doanh thu của Xí nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nhiều cây cao su đến tuổi thu hoạch bị gãy ngang, giờ Xí nghiệp chỉ biết đưa về tận dụng làm nguyên liệu sấy.

Công nghệ sản xuất tấm cao su xông khói được Tập đoàn Cao su Việt Nam nhập khẩu từ Đức. Với dàn máy móc hiện đại, quy trình chế biến khoa học, chất lượng nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng nên sản phẩm cao su tờ xông khói đã được cấp chứng chỉ ISO năm 2009, có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Cao su tờ xông khói được dùng để sản xuất các trang thiết bị nhựa và được ứng dụng rộng rãi trong kỹ thuật làm lốp ô tô…

Để tạo ra một tấm cao su RSS3 thành phẩm phải qua khá nhiều công đoạn và công lao động của công nhân. 12 công đoạn trong quy trình sản xuất được phân công cụ thể, rõ ràng và tính chuyên môn hóa được thể hiện rất cao. Ban đầu, cao su mủ dưới dạng chất lỏng được kiểm tra, sàng lọc kỹ rồi đánh đông bằng hóa chất. Sau đó được cán thành những tấm mỏng, hay còn gọi là tờ. Những tờ mủ này được đem phơi trong khu vực có mái che khoảng 12 giờ được chuyển tiếp qua giai đoạn sấy. Sấy chính là giai đoạn xông khói, thường là 3 ngày (72 giờ) tùy theo hiện trạng tờ mủ, độ ẩm môi trường mà thời gian có thể lâu hơn cho đến khi tờ cao su khô hoàn toàn. Tờ mủ sau khi xông khói được phân loại và đóng thành từng bành, mỗi bành 33,3 kg (30 bành của bành 33,3 kg tạo thành 1 tấn).

Các công đoạn sản xuất khá phức tạp nên đòi hỏi nhiều người làm. Vào những thời điểm chạy hàng, Xí nghiệp phải huy động hơn 80 công nhân để sản xuất đủ theo đơn đặt hàng. Công nhân của Xí nghiệp ngoài lương chính (3,5 triệu đồng/tháng) còn được hỗ trợ và phụ cấp khác…

Ngoài sản phẩm RSS3, Xí nghiệp còn có 4 loại sản phẩm khác là SVR3L, SVR5L, SVR10L, SVR20L. Những sản phẩm này đều đạt chất lượng cao, phục vụ thị trường cao su trong và ngoài nước. Hiện thị trường tấm cao su tờ xông khói chủ yếu ở Trung Quốc và một số nước khác như: Đức, Nhật…, còn thị trường trong nước chỉ tiêu thụ số lượng ít. Hằng năm, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đều tổ chức tập huấn, tham quan và học hỏi các nhà máy khác cho cán bộ Xí nghiệp, góp phần nâng cao kinh nghiệm sản xuất.

Vốn đầu tư không quá lớn, dàn máy móc sản xuất chỉ hơn 1,5 tỷ đồng, sản phẩm dễ tiêu thụ nên dự kiến trong những năm tới, khi nguồn nguyên liệu dần ổn định, Xí nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để ngày càng đóng góp cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần GQVL cho lao động địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast