Anh hùng Trịnh Văn Huyền và 3 lần được Bác khen

(Baohatinh.vn) - Dưới đôi lông mày võ tướng là cặp mắt “biết cười”, trông hiền hậu nhưng ẩn sau đó là số phận truân chuyên, lận đận của một lão niên... Chúng tôi đang nói về Anh hùng LLVT nhân dân Trịnh Văn Huyền, một cựu TNXP có thành tích đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh hùng Trịnh Văn Huyền và 3 lần được Bác khen ảnh 1

Ông Trịnh Văn Huyền (thứ 2, từ phải sang) trong một buổi gặp mặt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.

Sáng kiến và dũng cảm

Tên cha mẹ đặt cho ông là Lê Văn Huyền (bí danh Lê Đình Cường), sinh ra ở xã Đức Bồng (Đức Thọ, nay là huyện Vũ Quang) trong một gia đình nghèo khó. Năm 1941, mới 11 tuổi nhưng đã có 3 năm đi ở, làm thuê, do không may làm mất con trâu của địa chủ Nguyễn Cựu Yêm mà ông phải bán mình cho trung nông Trịnh Văn Hinh ở Can Lộc với giá 100 đồng Đông Dương và từ họ Lê, Huyền được đổi thành họ Trịnh.

Về thôn Phúc Trường, xã Trường Lộc, Huyền tích cực cày bừa, chăn nuôi phụ giúp cha nuôi và tham gia các hoạt động ở địa phương. Khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Huyền được bầu làm Phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đội trưởng Đội Du kích thôn Phúc Trường.

Tiếp tục tham gia dân công phục vụ các chiến dịch, rồi chuyển sang bộ đội chủ lực, giữa năm 1953, ông xin đơn vị chuyển sang TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên đường hành quân ra Bắc, ông đã mua 5 con gà và một con lợn mang theo. Con lợn ông nuôi nặng 84 kg, số gà tự nuôi được 98 kg đều được bồi dưỡng cho những anh em ốm đau và liên hoan đơn vị.

Phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã có nhiều sáng kiến đặc biệt. Ở đèo Chẹn, ngày đêm địch ném bom đánh phá không cho bộ đội và xe chở hàng của ta vào chiến dịch. Dù địa hình hiểm trở, lực lượng chủ yếu làm thủ công, ông đã đề xuất chia đèo Chẹn làm 3 đoạn, đoạn khó nhất, dốc nhất thì bố trí lực lượng khỏe, không sợ hy sinh, làm ngày 3 ca và kết quả đã tăng năng suất lên 600%. Đồng thời, đưa ra sáng kiến đan sọt đổ đá ngăn suối để cho xe vận chuyển hậu cần, vũ khí trang bị qua suối kịp thời phục vụ chiến dịch.

Khi làm nhiệm vụ ở Cò Nòi, đèo Pha Đin, nơi địch đánh phá vô cùng ác liệt, lực lượng TNXP hy sinh rất nhiều, ông đưa ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách dùng cây hóp đá (thuộc họ tre) dài 4-5m, người nằm dưới hố an toàn rồi dùng cây hóp đá chọc cho quả bom lăn và tự nổ, chỉ trong 2 giờ, phá được 39 quả bom bươm bướm. Với kinh nghiệm này, có ngày toàn đội phá được 130 quả bom các loại. Chính Huyền là người đưa năng suất đục lỗ, nhồi thuốc mìn phá đá tăng gấp 5 lần định mức. Ngay cả công việc tưởng chừng đơn giản như đốn tre, nứa, Huyền cũng có sáng kiến đưa năng suất cao gấp 8 lần định mức.

Đặc biệt, ngày 26/4/1954, 10 xe chở hàng hóa, vũ khí khi đến đèo Pha Đin thì bị địch phát hiện, cho nhiều tốp máy bay đánh phá. Một xe đi đầu bốc khói, dù bị thương nặng nhưng Trịnh Văn Huyền đã dũng cảm nhảy lên xe dập lửa và hô hào đồng đội đến ứng cứu. Nghe tiếng hô của Huyền, cả đội xông vào bốc và vận chuyển hàng vào nơi an toàn, cứu được 8 xe ô tô, 437 viên đạn đại bác 105 ly, riêng Huyền cứu được 19 quả đạn ở xe đang bị cháy. Hành động dũng cảm của Trịnh Văn Huyền đã mở đầu cho hàng loạt tấm gương dũng cảm. Thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Huyên (Thư ký của Đại tướng) trao Huân chương Chiến công hạng Nhất cho ông và gửi thư khen.

Ông Trịnh Văn Huyền (người ngồi giữa) về thăm lại Ngã ba Cò Nòi (Điện Biên) ngày 10/11/2014. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Trịnh Văn Huyền (người ngồi giữa) về thăm lại Ngã ba Cò Nòi (Điện Biên) ngày 10/11/2014. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ba lần được Bác Hồ khen

Lần thứ nhất, Báo Nhân dân số 140 ra năm 1954 có bài viết “Tình hữu ái giai cấp” với bút danh C.B, Bác Hồ đã biểu dương việc Huyền nhường nhịn, lo toan cho đồng đội, không chút nghĩ đến bản thân. Rời quê nghèo Hà Tĩnh lên đường, được bạn bè, người thân cho chút tiền, ông mua 5 lạng thuốc lào cho anh em trong đơn vị dùng chung và 5 con gà, một con lợn đem theo nuôi trên đường.

Ông thường giúp những đồng đội bị đau chân, sưng vai nên đã gánh 50-60 kg, nhiều ngày gánh tới 80 kg. Đi đường, Huyền còn để mắt hái rau rừng, xin lá khoai lang của người dân ven đường để thêm chất tươi cho bữa ăn của anh em...

Lần thứ hai, bài báo “Thanh niên kiểu mẫu” cũng bút danh C.B đăng trên Báo Nhân dân ngày 17/3/1955 có kèm theo chân dung, biểu dương Huyền siêng năng, nhiều sáng kiến, gan dạ, tinh thần đoàn kết.

Lần thứ ba, giữa tháng 5/1962, trong bài nói chuyện tại trường cán bộ Thương nghiệp Mai Dịch, Hà Nội với nhan đề: “TNXP tiếp tục được phát huy”, Bác Hồ một lần nữa tuyên dương Trịnh Văn Huyền về tinh thần kiên trì học tập. Vào TNXP mới thoát nạn mù chữ, khi chuyển lên xây dựng Nhà máy Việt Trì, ông tranh thủ học bổ túc văn hóa ban đêm cách nơi làm việc 12 km. Vừa học, vừa nghiên cứu các giáo trình về cơ khí, ông đã nâng cao được trình độ học vấn, tiếp tục xứng danh là “cây sáng kiến”.

Điển hình là sáng kiến thiết kế trạm trộn bê tông dài 120m, đổ gần 3.000m3 bê tông trong thời gian ngắn, được chuyên gia Liên Xô thưởng 500 rúp và Bộ Xây dựng đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Sáng kiến của ông dùng máy phun bê tông xử lý hiện tượng rỗ chân cột bể chứa 400m3 nước trên đỉnh đồi làm lợi cho công trình với số tiền lớn.

Anh hùng Trịnh Văn Huyền và 3 lần được Bác khen ảnh 3

Tưởng nhớ những đồng đội đã nằm lại chiến trường

Anh hùng Lao động “hụt”

Đầu tháng 5/1962, tại Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, trước lễ tuyên dương anh hùng lao động, Bác Hồ xem danh sách và thấy thiếu tên Trịnh Văn Huyền. Bác hỏi đồng chí Trưởng ban Tổ chức: “Lần trước, Bác thấy có tên đồng chí Huyền được tuyên dương, sao bây giờ lại không có?”. “Thưa Bác! Đồng chí Huyền do Bộ Kiến trúc gạch đi rồi ạ!” - đồng chí Trưởng ban Tổ chức trả lời.

Sau buổi lễ tuyên dương, Bác cho gọi Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Chính sách của Bộ Kiến trúc vào gặp. Trả lời câu hỏi của Bác, đồng chí Bộ trưởng giải thích: “Thưa Bác, mấy hôm trước, khi ra công tác ở Hà Nội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói, đồng chí Huyền được khen nhiều trên báo chí vì có thành tích xuất sắc nhưng ở quê chúng tôi không biết đồng chí Huyền là ai và chẳng thấy đồng chí ấy gửi thư về động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Vì thế, Bộ thảo luận và gạch tên đồng chí Huyền đi ạ!”.

Nghe vậy, Bác liền phê bình: “Các chú kém lắm. Có thế mà cũng không nhận biết được. Đồng chí Huyền chẳng qua là một anh thợ cả, giám đốc một công ty, có quyền hành gì mà gửi thư về động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh, việc đó chỉ có cán bộ Trung ương mới làm được. Chứ chú ấy chỉ gửi thư về xóm, về xã là tốt lắm rồi, mà vấn đề này Bác đã nghe. Các chú phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ việc này mà còn việc khác nữa…”.

Không được tuyên dương anh hùng lao động nhưng ông vẫn tiếp tục phấn đấu và có nhiều sáng kiến trong xây dựng. 25 lần được bầu là chiến sĩ thi đua, hàng trăm bằng khen, giấy khen các loại, tháng 7/2014, ở tuổi 84, ông đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Cả đời phấn đấu không ngừng nghỉ, kể cả lúc đã ngoài “bát thập” nhưng cuộc sống của ông vô cùng éo le. Tài sản giá trị nhất trong căn nhà xập xệ của ông là chiếc ti vi Samsung 32 inch mới được Tập đoàn Mường Thanh tặng. Ông bảo: “Đã có hàng nghìn đồng đội vào chiến trận mà không trở về. Tôi vẫn minh mẫn được như ngày hôm nay là phúc lớn rồi, nên với khả năng của mình, tôi muốn làm những gì có ích cho xã hội!”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast