Thương nhớ Trường Sa

Cưới nhau vừa tròn 10 năm, chồng là bộ đội Trường Sa, cứ xa nhau biền biệt, với cô Thái Thị Minh, giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà), mùa hè vừa rồi được đi ra thăm chồng ở đảo, niềm vui cứ ngỡ như trong mơ. Sau chuyến đi, lắng đọng trong cô một Trường Sa thiêng liêng mà gần gũi…

Sau gần 2 đêm 3 ngày lênh đênh trên biển, sóng trào, sóng cuộn, sóng dập dồn đập vào mạn tàu, nghịch ngợm như lũ trẻ tinh quái đùa dai để thử thách lòng người, thử thách niềm khát khao được gần hơn giữa đất liền và hải đảo, Thái Thị Minh cùng đoàn đến đảo Song Tử Tây. Từ xa, cô và mọi người nhìn thấy đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương.

Tàu cập cầu cảng, trên gương mặt mọi người vừa háo hức, vừa phấp phỏng chờ từng phút, từng giây. Trong đám đông những người đứng trên đảo chờ tàu từ đất liền ra, Minh nhìn thấy chồng, trung uý Nguyễn Hữu Thuỷ, với khuôn mặt thân thuộc.

Nồng ấm ngày gặp mặt. Ảnh: Internet
Nồng ấm ngày gặp mặt. Ảnh: Internet

Bước chân lên đảo, niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ oà khi những người mẹ, người vợ từ đất liền, được những người con, người chồng cùng đồng đội, nhân dân trên đảo ra đón. Thế rồi, những vòng tay thân thương ôm chặt lấy nhau, có ai đó dấu đi giọt nước mắt vì xúc động. Vợ chồng Minh-Thuỷ sung sướng gặp lại nhau sau gần 2 năm xa cách, kể từ sau lần Thuỷ về phép rồi ra công tác ở đảo.

Trong những ngày ở xã đảo Song Tử Tây, 1 trong 3 xã của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà), từ thực tế, Thái Thị Minh càng hiểu sự liên kết giữa các đảo, tuyến đảo tạo thành lá chắn quan trọng bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Trên đảo màu xanh của cỏ cây hoà quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình, ổn định.

Đảo có nhiều nước lợ, rất tiện cho việc tưới cây và sinh hoạt,môi trường sinh thái khá thuận lợi. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt. Ở Song Tử Tây, bên cạnh các đơn vị quân đội còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hoá tâm linh như: chùa, trạm khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, đây là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Cư dân của đảo, kể cả các cháu nhỏ đều khoẻ mạnh, phấn khởi, được dạy dỗ, học hành chu đáo.

Được gần gũi, tiếp xúc với nhiều đồng đội của chồng, Minh thấy tình đồng chí giữa những người lính đảo thật thắm thiết, keo sơn. Nơi đây, từ cán bộ đến chiến sĩ đều thương nhau như anh em một nhà bởi họ hiểu sống cùng đảo, bám đảo mà không xây dựng được tình cảm đó thì không thể trụ được lâu dài. Người lính, đứng trước đầu sóng ngọn gió, trước rất nhiều điều bất trắc, hiểm nguy để bảo vệ những điều quá đổi lớn lao - “lãnh thổ Tổ quốc” thấy hai tiếng “đồng chí” nghe thật gần gũi.

Ở đảo, quan hệ quân - dân trải qua nhiều thử thách cũng ngày càng gắn bó. Có dân ra đảo, bộ đội có thêm “cánh tay” đắc lực là lực lượng dân quân. Người chiến sĩ từ dân mà ra, rất cần tình cảm của nhân dân; đồng thời người dân cũng cần có chỗ dựa tin cậy, vững chắc là bộ đội, nhất là ở những nơi gian khó, những lúc gian nguy. Mối gắn kết quân - dân bền chặt đó đã nhân lên sức mạnh của lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng,bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Anh Trương Xứ Long, cán bộ UBND xã đảo Song Tử Tây, kiêm giáo viên tiểu học của đảo bộc bạch: Đảo trưởng, chính trị viên đảo thực sự là “trung tâm” đoàn kết quân - dân, người tổ chức các hoạt động trên đảo.

Ấn tượng sâu sắc của Thái Thị Minh những ngày ở Trường Sa là màu đỏ của lá cờ Tổ quốc, kể cũng đúng thôi bởi màu đỏ ở đây ít quá. Trường Sa luôn hào phóng gió. Giữa biển trời xanh ngắt,màu đỏ như một điểm xuyết nổi bật. Cờ vừa là biểu tượng của Tổ quốc nhưng đồng thời cũng làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu,mỗi một ngày hiện hữu như một ca gác của người lính. Không phút nào ngưng nghỉ, cờ căng mình cùng nắng gió. Để rồi như làn da rám nắng của người lính đảo,cái màu đỏ cứ se sắt lại. Người lính đứng gác dưới cờ, thấy trách nhiệm với Tổ quốc nặng nề hơn…

Sống trên đảo giữa mùa hè, Minh càng thấm thía ca khúc “Lính đảo đợi mưa” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, phổ từ bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Giữa biển mênh mông nước, vẫn thiếu nước. Những ai đã từng một lần đợi mưa trên đảo mới thấu hiểu nỗi lòng người lính ngày đêm chờ đợi mưa rơi. Đó là khao khát thường trực của người lính Trường Sa. Nhưng dù khó khăn đến đâu nữa,các anh vẫn dâng tràn khí thế “Dẫu chẳng có mưa,chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.

Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão. Như đá vững bền. Như đá tốt tươi…”. Minh cảm nhận sâu sắc về sức sống mãnh liệt của những người lính nơi quần đảo Trường Sa. Không đâu rõ ràng một sức sống mãnh liệt như nơi đây. Sự bền bỉ, kiên cường, vững vàng của những người lính đảo giữa khơi xa như một minh chứng cho sức dẻo dai, chịu đựng và kiên định của dân tộc ta.

Cô cảm phục và thêm yêu quý chồng cùng những người lính Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về tình quân dân và sự hy sinh thầm lặng của những con người kiên cường bám trụ vì chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió. Giữa bốn bề tĩnh lặng, im ắng của không gian, vẫn chất chứa biết bao sự hiểm nguy của những cuộc chiến vì chủ quyền, lãnh thổ. Giữa thiếu thốn đủ bề vẫn dạt dào, chan chứa bao tình cảm và khát khao của lính… Có điều gì kỳ diệu trong các anh? Ngoài dòng máu đỏ đang chảy, phải chăng có một dòng biển xanh vô hình cũng đang vận chuyển, là dòng kết nối ruột thịt giữa các anh với biển để các anh yêu đảo như gia đình, như yêu nơi chôn rau cắt rốn?...

Bốn ngày đêm ở Trường Sa, thời gian như trôi nhanh hơn đối với những người mẹ, những người vợ ra thăm người thân ở đảo xa. Những con sóng vội vã rút thật nhanh khi chiều về. Đoàn người rời đảo trong khi tình cảm còn lưu luyến, bàn chân chẳng muốn rời. Kẻ ở luyến tiếc những nụ cười tươi tắn, ngọt ngào, ấm áp, còn người đi luyến tiếc tình cảm mặn mòi của những người lính đảo. Chia tay, những giọt nước mắt từ từ lăn dài trên má - nước mắt của yêu thương, của cảm phục, của biết ơn.

Trải qua một hành trình dài trên biển đảo của Tổ quốc, dường như ai trong đoàn cũng có cảm xúc: Trường Sa thiêng liêng mà gần gũi. Người lính đảo có gì kỳ diệu để có thể chấp nhận xa cách và tự nguyện bám biển, bám đảo, Phải chăng như một nhà thơ đã nói hộ “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Thương nhớ lắm Trường Sa ơi!...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast