Hồn thơ Duy Thảo

Tôi đọc “Thơ Duy Thảo - Đi dọc lối xanh” với một cảm tình đặc biệt. Tôi hồi hộp chờ đợi và có phần lo lắng nữa, rằng, cuối cùng thì thơ anh sẽ tìm cách vượt qua sự sàng lọc khe khắt của thời gian như thế nào?

(Nhân đọc “Thơ Duy Thảo Đi dọc lối xanh” – NXB Hội Nhà văn 2008)

Đây là một câu hỏi đáng sợ, luôn luôn đáng sợ với người cầm bút. Khép lại tập sách, những lo lắng, thấp thỏm ban đầu mờ dần, đọng lại là nỗi bâng khuâng vướng vít, vừa lạ, vừa quen trước một hồn thơ đa cảm và chân chất. Chính điều này đã cứu anh và giữ lại cho chúng ta cái khôi nguyên của khá nhiều rung động thơ sau bao nhiêu trải nghiệm vui buồn. ở đây sự thông minh phải lùi bước cho sự chân thành. Chân thành và gan ruột. Thơ Duy Thảo là như thế. Anh không có những cách tân độc đáo về mặt hình thức. Cũng có thể là anh chủ định như thế, vì anh tin vào tâm hồn mình, tin vào sự ấm bền của những cảm xúc thơ được khởi phát từ những chấn động riêng khuất. Và nhà thơ trình diện trước chúng ta vẻ mặt khắc khổ và kỳ vị của đời sống, không cường điệu, không hoa mỹ, chân thành đến mức không cần che dấu cả những phiếm khuyết của mình.

Đây, đoạn thơ đầu trang trong bài “Tiếng gọi trả thù” viết tháng 10 năm 1965:

- Chú ơi nhà cháu cháy rồi

Hai em cháu chết bom vùi hố sâu

Nghe qua cháu kể mấy câu

Lòng ta như lửa đổ dầu chiều nay.

Năm 1965, thơ chống Mỹ mới ở điểm xuất phát viết như thế là mới. Mới vì bài thơ được viết theo lối đối thoại. Sự đối thoại ở đây là đắc dụng. Bởi lời kể của em nhỏ, một nạn nhân của chiến tranh thảm thiết như một lời kêu cứu găm vào lòng người đọc bao nhiêu uất nghẹn, đau đớn và thương cảm. Nếu không viết theo lối đối thoại này mà triển khai theo lối mô tả, kể lể thì hiệu quả sẽ kém xa.

Và đây, 35 năm sau anh tâm sự:

Nhân tình còn điên đảo

Thế thái vẫn xoay vần

Uy quyền dày mưu lược

Hết quan là hoàn dân.

(Hưu cảm tác, 12-2000)

Đã có lần tôi nói, thơ là kinh nghiệm sống. Nhà thơ cần có kinh nghiệm sống. Người đọc cũng cần có kinh nghiệm sống. Những ai hờ hững, nhanh quên, vô cảm, chưa chắc đã thích mảng thơ viết về chiến tranh của anh. Nhưng tôi, một người lính cùng thế hệ với Duy Thảo, đọc lại mảng thơ chiến tranh của anh, tôi vẫn thấy xúc động như ngày nào. Tôi tin cảm giác đó không thuộc về số ít.

Thơ chân cảm tránh được sự nhất thời. Đó là thứ thơ coi đời sống nội tâm là nguồn mạch. Văng khỏi quỹ đạo này thơ sẽ sa vào trận đồ bát quái của sự kể lể. Mà kể lể lại căn bệnh nguy hiểm nhất đối với thơ.

Càng về sau, thơ Duy Thảo càng ít kể lể để nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những nỗi niềm. Có

cả nỗi buồn và sự cô đơn. Không sao. Cứ để cho thi nhân đào sâu vào thế giới tình cảm của mình. Tôi yêu và trân trọng những tâm sự này của anh không phải với tâm trạng một người lính về già mà là sự đồng điệu. Tìm thấy sự đồng điệu, tri kỷ của người đọc, thơ còn mong gì hơn?

Hành trình một đời thơ cũng đa đoan như một đời người. Đọc thơ Duy Thảo, có thể có chỗ ta chưa thật sướng, chưa thật khoái bắt gặp những khám phá những khám phá bất ngờ, kỳ thú, vì anh phải viết nhanh để đáp ứng một nhu cầu nào đó thuộc trách nhiệm công dân. Nhưng ấn tượng về một tấm lòng nhân hậu, chân thành, một ý thức thường trực trước đời sống tạo nên cảm tình của người đọc khi khép lại tập thơ này.

Để tạo cái thế mở cho bài viết nhỏ này, tôi xin trích ra đây khổ kết của bài thơ Đọc sách đêm cuối năm viết năm 2003 của anh để bạn đọc cùng chia sẻ:

Điều đáng có thành không

Điều đáng không thành có

Ta như kẻ lạc loài

Trước bao điều bỡ ngỡ.

Không chỉ có bỡ ngỡ thôi đâu anh Thảo ơi, mà là sốc, là choáng nữa trước cơn địa chấn chưa từng có với sự xuất hiện một tình thế da báo, đan xen giữa cái được và mất, hạnh phúc và trả giá. Với một đời sống ngổn ngang như thế và với những chuyển đổi ngỡ ngàng như thế, người biết hy vọng cũng là người biết lo âu. Thơ Duy Thảo - Đi dọc lối xanh là lối đi của một nhà thơ mặc áo lính.

tải về tại đâyThơ Duy Thảo đi dọc lối xanh - NXB Hội Nhà văn, 2008.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast