GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Người gieo mầm hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Người ta vẫn thường gọi ông là "người chào đón tương lai” nhưng với tôi, ông tựa người gieo mầm. Từ đôi bàn tay, khối óc và trái tim của mình, ông đã gieo cho đời bao mầm sống, dệt nên những niềm tin hy vọng xanh tươi. Ông là Giáo sư, Tiến sỹ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng quà bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng quà bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Khoan thai, nhân từ nhưng ẩn sau cái tướng mạo tưởng như ung dung, tự tại ấy của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến là sự tất bật, hối hả của công việc. Mỗi ngày trôi qua với ông dường như quá ngắn. Hết việc quản lý, ông lại vội vã bắt tay vào việc chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học nên khi bước chân về với tổ ấm gia đình thường đã nửa đêm.

Trong câu chuyện với tôi, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến trải lòng: Làm được việc gì có ích thì mình làm, nhất là việc giúp đỡ người bệnh và dạy học trò. Càng nhiều việc, mình càng phải chủ động sắp xếp. Có ngày chủ trì đến 5 cuộc họp nhưng tôi vẫn dành thời gian tham gia chuyên môn vì nhiều người bệnh đang chờ…

Sinh ra và lớn lên ở làng quê Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên), từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Viết Tiến đã mơ ước được bước chân vào nghề y. Tốt nghiệp THPT, năm 1975, Nguyễn Viết Tiến thi vào Trường Đại học Y Hà Nội và trúng tuyển. Tốt nghiệp, ông tiếp tục thi vào nội trú, học tiếp 3 năm. Sau đó, ông là một trong 2 bác sỹ/40 bác sỹ tốt nghiệp nội trú bấy giờ được phân về Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Khoảng thời gian này, ông vừa làm việc ở viện, vừa tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y. Tuy mới vào nghề nhưng chàng bác sỹ trẻ luôn tự nhủ với bản thân rằng, phải lựa chọn một lĩnh vực chuyên sâu, khó nhưng Việt Nam đang yếu để học tập, nghiên cứu, đưa vào ứng dụng. Và như là cơ duyên, trong thời gian này, có một vị giáo sư người Mỹ sang Việt Nam chuyển giao công nghệ mổ nội soi sản khoa, bác sỹ Tiến được cử phiên dịch cho vị giáo sư này.

- Ông ấy đã hỏi tôi: “Có thích học kỹ thuật mổ nội soi không?”, tôi trả lời ngay: “Rất thích!”. Sau đó không lâu thì tôi nhận được thư mời của Giáo sư tham gia đào tạo ở Mỹ. Bấy giờ, ở Việt Nam, bệnh vô sinh, hiếm muộn rất nhiều nhưng các phương pháp chữa trị trong nước còn ít và không tiến bộ bằng nước ngoài, bởi vậy, tôi đã viết thư hỏi ông ấy: Nếu tôi muốn học thêm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có được không? và đã được chấp thuận.

Năm 1999, bác sỹ Nguyễn Viết Tiến hoàn thành chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi sản khoa và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ và trở về Việt Nam. Năm 2000, ông bắt tay triển khai phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn vỡ òa niềm hạnh phúc. Còn bác sỹ Tiến, trong niềm vui chung ấy, hơn lúc nào hết, ông càng khát khao chinh phục tri thức y học mới để ứng dụng vào cuộc sống.

- Khoa học nói chung và y học nói riêng, càng đi sâu, càng khám phá, chúng ta càng thấy hấp dẫn. Hơn nữa, với người thầy thuốc, ngoài tình cảm, tấm lòng thì phải chịu khó học tập, rèn luyện, trau dồi, tiếp cận các kỹ thuật, tiến bộ mới để hôm nay chữa được bệnh này rồi thì ngày mai phải chữa được bệnh khó hơn và khó hơn nữa, để khoa học luôn phát triển, không bế tắc trước những hoàn cảnh, ca bệnh mà người dân đang cần được giúp đỡ, chữa trị.

Ca phẫu thuật mổ đẻ mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam do GS.TS Nguyễn Viết Tiến trực tiếp thực hiện thành công đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho bố mẹ cháu bé sau 16 năm vô sinh do người vợ bị tử cung nhỏ bẩm sinh. Ảnh: Báo điện tử Dân trí

Ca phẫu thuật mổ đẻ mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam do GS.TS Nguyễn Viết Tiến trực tiếp thực hiện thành công đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho bố mẹ cháu bé sau 16 năm vô sinh do người vợ bị tử cung nhỏ bẩm sinh. Ảnh: Báo điện tử Dân trí

Cũng bởi quan điểm, tấm lòng đó nên Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến đã làm việc, học tập, tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ bệnh nhân không biết mệt mỏi. Ông luôn là học trò của những tiến bộ y học mới trong lĩnh vực sản khoa, đồng thời, cũng luôn là người thầy tận tâm, tận tụy với sinh viên, đồng nghiệp. Những thành công chung của lĩnh vực sản khoa đều mang dấu ấn cá nhân ông rất rõ. Riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có từ 2.000 - 3.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó, tỷ lệ thành công đạt 50%. Như vậy, mỗi năm có từ 1.000 - 2.000 đứa trẻ chào đời, đồng thời, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho những người làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà. Đó cũng là niềm vui vô bờ bến của người bác sỹ mà mỗi lúc gặp gỡ, trò chuyện, ông lại tự hào: “Tôi có rất nhiều con”...

Không chỉ chuyên tâm cống hiến cho lĩnh vực sản khoa, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến còn có tấm lòng nhân từ. Nhiều câu chuyện đời thường giữa ông với người dân quê hương càng khiến chúng ta mến phục. Đó là chuyện một nữ điều dưỡng bị bệnh hiếm muộn ở miền núi Hà Tĩnh ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương tìm gặp bác sỹ Tiến để chữa trị. Sau nhiều lần đi lại vất vả, tốn kém nhưng chưa có kết quả, thương quá, ông đã nhận chị vào bệnh viện công tác để tiện cho việc chữa trị. Rồi chuyện những người dân ở quê ông, những người nông dân chân lấm, tay bùn nhưng hễ gặp vấn đề về sức khỏe lại gọi ngay cho ông nhờ tư vấn, giúp đỡ… Với họ, ông chẳng khác gì vị thiên sứ và họ rất tự hào về ông. Trong những lần về công tác tại xã Cẩm Thạch, tôi được nghe cán bộ, người dân “khoe” về ông, khi thì bác sỹ Tiến vừa đưa về bộ thiết bị y tế cho trạm, khi thì giúp đỡ xây trạm mới, khi lại chuyện đóng góp quỹ khuyến học, giúp đỡ người nghèo…

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến tâm sự: “Một cây làm chẳng nên non”, trong nghề y cũng vậy, muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân thì phải có tập thể mạnh, mà muốn có tập thể mạnh thì phải có những cá nhân giỏi. Bởi vậy, công tác đào tạo rất quan trọng, nhất là đào tạo cho thế hệ sau. Đối với ngành y Hà Tĩnh cũng vậy, muốn phục vụ nhân dân tốt, phải đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo. Riêng cá nhân tôi, đã, đang và sẽ cố gắng giúp đỡ tỉnh nhà bằng cách đưa các đoàn bác sỹ giỏi về “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu cho đội ngũ bác sỹ địa phương, để người dân đỡ vất vả khi phải ra tận Hà Nội chữa bệnh”.

Một tấm lòng với nghề y, với bệnh nhân; một tấm chân tình với người dân Hà Tĩnh. Và tôi hiểu, vì sao Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế lại hết lòng với công việc, lại có được cốt cách khoan thai, nhân từ đến vậy giữa bao bộn bề công việc và vòng xoáy của cuộc sống hiện đại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast