Hơn 40 năm nay, Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được 2 thế hệ trong một gia đình âm thầm trông coi, chăm sóc. Với họ, đó là một mối lương duyên đẹp đẽ, là cách để họ tri ân với đồng đội, với thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
16 năm qua, người dân sống cạnh Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc đã quá quen với hình ảnh ông Lương Hải (SN 1961) ở xã Thiên Lộc, người quản trang với những công việc thầm lặng, không tên tại nghĩa trang.
Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc là nơi yên nghỉ của gần 800 liệt sỹ Hà Tĩnh và các tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Hải chia sẻ: “Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc được xây dựng từ năm 1976. Năm 1980, bố tôi - ông Lương Lam (SN 1930) bắt đầu làm quản trang. Thời bấy giờ, khu vực nghĩa trang như là một khu đất hoang, cỏ mọc um tùm, có nhiều rắn rết, không điện, không tường rào bao quanh. Xung quanh nghĩa trang còn chưa có nhà cửa nhiều, đường đi vào cũng sình lầy”.
Từ khi nhận trông coi nghĩa trang liệt sỹ, bố ông Hải đã tự mình trồng rất nhiều cây xanh, cây cảnh ở đây. Đến giờ, hàng cây phi lao, những cây xanh do bố ông trồng, chăm sóc cũng lớn lên, tỏa bóng mát cho cả nghĩa trang.
Làm quản trang 25 năm, năm 2005, ông Lương Lam già yếu nên xin nghỉ, rồi ông Hải tiếp quản công việc thầm lặng của người cha. Nghỉ công việc quản trang 2 năm thì cụ Lương Lam mất (2007).
Ông Hải kể: “Bố tôi nhận làm công việc trông coi phần mộ các liệt sỹ xuất phát từ việc ông từng là một người lính trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Ông cảm thấy may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống. Vì thế, với ông, công việc quản trang như một sự trả ơn những đồng đội đã hy sinh”.
Hằng năm, mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), công việc của ông Hải càng thêm bận rộn khi các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ tổ chức lễ cầu siêu, dâng hương, thắp nến tưởng nhớ, tri ân.
Những năm đầu xây dựng, cả nghĩa trang có gần 600 phần mộ, sau nhiều lần nâng cấp, quy tập, hiện nay, Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Can Lộc là nơi yên nghỉ của gần 800 liệt sỹ Hà Tĩnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, có hơn 80 phần mộ chưa có thông tin.
Những ngày này, trong khói hương trầm mặc, giữa không gian tĩnh lặng, ông Hải lặng lẽ chỉnh sửa lọ hoa, lau chùi, tỉa chân nhang, quét dọn từng chiếc lá, dọn cỏ, cắt tỉa cây cảnh, thu gom rác làm sạch nghĩa trang.
Sau 16 năm làm quản trang, ông Hải nhớ từng vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm các liệt sỹ được quy tập về. Thậm chí, ông còn quen mặt từng người thân đến viếng thăm. Ông Hải cho hay: “Ngày ngày gần gũi chăm sóc phần mộ các anh, tôi đọc tên, quê quán nhiều lần rồi nhớ tên, từng vị trí. Khi người thân của các liệt sỹ hỏi là mình có thể dẫn ngay đến vị trí các liệt sỹ an nghỉ”.
Bên cạnh việc giữ sự bình yên cho những người đã khuất, ông Hải còn thường xuyên đón tiếp các đoàn khách, thân nhân, đồng đội liệt sỹ mỗi khi đến đây thăm viếng. Chính những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, ông lại được nghe những câu chuyện vui, buồn. Dần dần, ông thấy mình với những người đến đây có sự gần gũi, thân quen như cùng một nhà.
Cũng có rất nhiều gia đình từng tới đây để tìm người thân của mình. Có nhiều gia đình đã tìm được phần mộ nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt. Với những ngôi mộ chưa rõ thông tin, ông xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được an ủi khi người thân các anh chưa tìm thấy.
Những năm tháng làm việc ở nghĩa trang là từng ấy thời gian ông Hải chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Ông xúc động kể lại: Có 3 chị em gái ở tỉnh Hà Nam đi tìm mộ anh trai mình. Họ chỉ có thông tin mộ của anh trai đã được cất bốc từ xã Vĩnh Lộc quy tập vào nghĩa trang. Tôi nói với họ, ở đây có 80 ngôi mộ chưa có thông tin, trong đó có những ngôi mộ được cất bốc từ xã Vĩnh Lộc về an táng ở đây. Thế là, trong hơn 1 tiếng đồng hồ, mặc dù trời mưa rất to, nhưng các chị ấy vẫn cứ ngồi bên những ngôi mộ chưa có thông tin khóc mãi rồi mới rời đi.
“Giờ đây người còn, người mất, thế nhưng, trong trái tim của những người đang sống vẫn luôn khắc khoải, nhớ thương… Chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sỹ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng của họ, tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc phần mộ của các anh chu đáo hơn nữa, để gia đình các liệt sỹ được ấm lòng và các anh yên nghỉ thanh thản”, ông Hải ngậm ngùi chia sẻ.
Làm công việc quản trang tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và có cái tâm. Phải là những người yêu nghề, tự hào với công việc quản trang như ông Hải mới có thể gắn bó lâu dài.
Gắn đời mình với công việc quản trang, ông Hải luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sỹ sạch đẹp, ấm cúng. Nhiều người ví ông như con ong cần mẫn, lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến, góp phần bồi đắp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.