Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình đầu tháng 8 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trên tuyến Bắc Nam. Đoạn cao tốc dài 15,2 km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp), khai thác từ tháng 2/2022, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Mai Sơn - quốc lộ 45 thành tuyến cao tốc liên hoàn từ Hà Nội đến Thanh Hóa.
Theo Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình, sau khi đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra ách tắc vào các đợt cao điểm như lễ, tết, mùa du lịch. Một số vụ tai nạn giao thông trên tuyến va chạm với hệ thống hộ lan tôn sóng do không có làn xe khẩn cấp kéo dài dọc tuyến.
Vì vậy, Sở đề xuất mở rộng cao tốc thêm 15,75 m nền đường lên 32,75 m, đảm bảo xây dựng 6 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp mỗi bên, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giảm ách tắc cho khu vực cửa ngõ phía Bắc Hà Nội. Tổng mức đầu tư mở rộng khoảng 2.076 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đoạn tiếp giáp cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Lê Hoàng
Tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng báo cáo Chính phủ việc mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) lên 6 làn xe, sau khi tuyến đường đưa vào khai thác, thu phí được một năm (từ tháng 8/2022).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, giai đoạn 1 đã được đầu tư theo hình thức (BOT) với 4 làn xe rộng 3,5m và dải phân cách giữa. Tuyến đường chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp. Nhiều xe khi gặp sự cố không thể chạy tới điểm dừng, đặc biệt là các xe container, gây mất an toàn cho phương tiện và công tác cứu nạn. Ngoài ra, tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng để ôtô kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu.
Hiện nay, lưu lượng phương tiện qua đoạn cao tốc trung bình 23.000-25.000 lượt xe mỗi ngày đêm. Ngày cao điểm, lễ tết đạt gần 40.000 lượt xe, trong khi công suất thiết kế là 25.000 xe một ngày đêm.
Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết tuyến cao tốc chậm được đầu tư xây dựng khoảng 10 năm nên ngay khi đưa vào khai thác năm 2022 đã mãn tải. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 đến nay không còn phù hợp với tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông, gây ùn tắc vào màu cao điểm, mất an toàn giao thông, cần được mở rộng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp, chỉ có các điểm dừng khẩn cấp. Ảnh: Anh Duy
Theo đơn vị quản lý, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 dự kiến cần 11.800 tỷ đồng để mở rộng lên 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Hiện cao tốc này đã được giải phóng mặt bằng hơn 32 m, đáp ứng xây 6 làn xe.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2021, được đưa vào khai thác tháng 1/2023. Trong giai đoạn đầu, tuyến cao tốc dài 98 km chỉ được đầu tư quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, nền đường rộng 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Theo quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, sau hơn nửa năm khai thác, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến ngày càng tăng. Để đảm bảo đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc Nam phía đông đã và đang xây dựng đều có 4 làn xe, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn với quy mô 4 làn xe.
Hồi tháng 7, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo đề nghị của tỉnh Quảng Trị.
Kết nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) khai thác từ đầu năm 2022 với quy mô 2 làn xe, nền đường 12 m, không có dải phân cách giữa, phương tiện lưu thông tốc độ tối đa 60 km/h.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan qua rừng quốc gia Bạch Mã có hai làn xe. Ảnh: Võ Thạnh
Để đảm bảo an toàn giao thông và tăng khả năng khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu mở rộng nền đường 23 m, 4 làn xe cơ giới. Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chi phí đầu tư để hoàn thiện cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe khoảng 3.011 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là chi phí xây dựng. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ triển khai từ tháng 6/2024, hoàn thành cuối năm 2025.
Theo PGS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), do ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên các tuyến cao tốc trên đều được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu phải xây dựng quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế, đến khi có nguồn vốn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn khai thác, các cao tốc này đã bộc lộ hạn chế. Việc dự báo lưu lượng phương tiện chưa chính xác, một số tuyến cao tốc có tốc độ tăng lưu lượng xe quá nhanh, vượt công suất dự báo nên phải mở rộng đường. “Nếu dự báo đúng lưu lượng xe tăng cao trong thời gian ngắn thì nhà nước có thể sắp xếp vốn đầu tư đường quy mô hoàn chỉnh, thay vì phân kỳ đầu tư tốn kém hơn”, ông Chủng nói.