4 vụ truy tố sẽ ra sao sau khi ông Trump đắc cử

Ông Trump đang đối mặt 4 vụ truy tố nhưng giới chuyên gia cho rằng áp lực pháp lý sẽ giảm đáng kể, thậm chí biến mất hoàn toàn sau khi ông đắc cử.

Ông Donald Trump ngày 6/11 đắc cử tổng thống Mỹ và sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên có hai nhiệm kỳ không liên tiếp trong một thế kỷ.

Ông Trump đắc cử khi đang đối mặt 4 vụ truy tố, gồm âm mưu lật kèo bầu cử, dẫn đến bạo loạn Đồi Capitol ở Washington, giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng ở Florida, làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin khi tranh cử năm 2016 ở New York và cáo buộc can thiệp bầu cử ở bang Georgia.

Ông Trump bác bỏ mọi cáo buộc. Bồi thẩm đoàn New York cuối tháng 5 tuyên ông Trump "có tội" và chờ kết án vào ngày 26/11. Loạt diễn biến làm dấy lên câu hỏi những cuộc chiến pháp lý này sẽ tiếp diễn thế nào trong thời gian trước khi ông nhậm chức.

"Về cơ bản, mọi rắc rối hình sự của ông ấy coi như đã biến mất", cựu công tố viên liên bang Neama Rahmani, đồng sáng lập kiêm chủ tịch hội luật sư West Coast Trial Lawyers, bang California nói với Fortune. "Câu hỏi ở đây là chúng sẽ biến mất ngay trong tháng 11, hay tháng 12, hay tháng 1/2025, khi ông Trump nhậm chức?".

Cựu tổng thống Donald Trump rời tòa hình sự Manhattan, New York ngày 30/5. Ảnh: AP
Cựu tổng thống Donald Trump rời tòa hình sự Manhattan, New York ngày 30/5. Ảnh: AP

Ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hồi cuối tháng 3/2023. Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, New York, đưa ra cáo trạng nhằm vào ông Trump với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử tổng thống năm 2016.

Thẩm phán tòa hình sự Manhattan Juan Merchan chủ trì quá trình xét xử. Bồi thẩm đoàn cuối tháng 5 kết luận Trump "có tội". Theo kế hoạch ban đầu, ông Trump sẽ bị kết án vào 11/7, song việc này bị hoãn lại sau khi Tòa án Tối cao hôm 1/7 ra phán quyết về quyền miễn tố đối với cựu tổng thống, nêu rằng ông Trump được hưởng quyền miễn trừ với các hành động công vụ, nhưng không áp dụng với các hành động theo tư cách cá nhân.

Thẩm phán Merchan sau đó lùi ngày tuyên án về 26/11, tránh gây ấn tượng ông tác động kết quả bầu cử. Đội ngũ pháp lý của ông Trump đã chuẩn bị kịch bản kháng cáo nếu ông bị tuyên án tù, cho rằng bản án khiến ông không thể đảm đương chức vụ và nên được tự do trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng, theo Julie Rendelman, cựu công tố viên Brooklyn. "Quy trình kháng cáo trong kịch bản này có thể kéo dài nhiều năm".

Tuy nhiên, kịch bản này ngày càng xa vời sau khi ông Trump đắc cử. Thẩm phán Merchan nhiều khả năng sẽ ra phán quyết trong ngày 12/11 về việc hủy vụ án theo quyết định về quyền miễn trừ tổng thống của Tòa án Tối cao. Nếu ông Merchan quyết định hủy án, ông Trump sẽ không đối mặt với bất cứ án tù nào.

Ông Merchan vẫn có thể tuyên án như kế hoạch, bất kể ông Trump hiện là tổng thống đắc cử, cựu công tố viên Brooklyn Julie Rendelman nói với BBC.

Bản ghi nhớ năm 2000 từ Văn phòng Tư vấn Pháp lý (OLC) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho rằng "việc truy tố hoặc xét xử một tổng thống đương nhiệm sẽ làm suy yếu năng lực của nhánh hành pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo hiến pháp".

"Không thể có kịch bản mang bàn làm việc từ Phòng Bầu dục vào trại giam", giáo sư luật Lawrence Douglas, Cao đẳng Amherst, bang Massachusetts, nói với Fortune.

Theo giáo sư luật Markus Wagner, Đại học Wollongong, Australia, kịch bản khả thi nhất là ông Merchan sẽ áp dụng tinh thần bản ghi nhớ OLC để gác lại vụ án, dù về kỹ thuật, nó chỉ áp dụng cho tổng thống đương nhiệm và ràng buộc các cơ quan liên bang.

Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa hình sự Manhattan, New York ngày 7/5. Ảnh: AP
Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa hình sự Manhattan, New York ngày 7/5. Ảnh: AP

Một vụ án cấp bang khác mà ông Trump đang đối mặt là cáo buộc âm mưu lật kèo bầu cử ở Georgia, nơi không bị ảnh hưởng bởi thẩm quyền của chính phủ liên bang, ngay cả sau khi ông Trump nhậm chức.

Trong vụ kiện được khởi xướng từ tháng 8/2023, công tố viên hạt Fulton Fani Willis truy tố 19 người, trong đó ông Trump đối mặt 13 tội danh. Thẩm phán phụ trách xét xử Scott McAfee đã xóa bỏ 5 tội danh và ông Trump hiện đối mặt 8 tội danh.

Tuy nhiên, quá trình xét xử đang gặp bế tắc, do Willis bị cáo buộc có quan hệ tình ái với một công tố viên tại văn phòng của bà. Phía ông Trump cùng các bị cáo đã kiến nghị thẩm phán McAfee loại bà Willis khỏi vụ kiện vì "xung đột lợi ích". Thẩm phán dự kiến ra phán quyết về vấn đề này vào đầu năm 2025.

Nếu Willis bị loại khỏi vụ truy tố, giới chức Georgia sẽ khó tìm được người thay thế hoặc người kế nhiệm Willis sẽ giảm hoặc từ bỏ cáo buộc nhằm vào Tổng thống đắc cử.

Nếu Willis được tiếp tục công việc, nỗ lực này cũng khó thực hiện, bởi ông Trump khi đó đã nhậm chức. Ngay cả khi bị kết tội, ông Trump có thể kháng cáo lên Hội đồng ân xá và tha bổng Georgia, do thống đốc đảng Cộng hòa của bang này bổ nhiệm và khả năng cao được chấp thuận.

Hai vụ truy tố ở Florida và Washington thuộc cấp liên bang, đều do công tố viên đặc biệt Jack Smith phụ trách. Theo giới phân tích, đây là hai vụ truy tố ông Trump có thể dễ dàng xóa bỏ sau khi nhậm chức, bởi không có rào cản hiến pháp hay pháp lý nào cấm Tổng thống yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp hủy các vụ án liên bang nhằm vào mình.

Công tố viên đặc biệt Smith được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm tháng 11/2022 để điều tra ông Trump. Trong cuộc điều tra ở Washington, Smith đưa ra cáo trạng gồm 4 tội danh vào tháng 8/2023. Sau phán quyết hồi tháng 7 của Tòa án Tối cao Mỹ, Smith điều chỉnh cáo trạng, thu hẹp nội dung cáo buộc.

Cuộc điều tra thứ hai liên quan các tài liệu chính phủ mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thu giữ khi khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida hồi tháng 8/2022. Ông Trump bị truy tố vào tháng 6/2023 với 40 cáo buộc.

Hình ảnh Jack Smith được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 18/11/2022, sau khi chỉ định ông là công tố viên đặc biệt giám sát hai cuộc điều tra nhằm vào cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Hình ảnh Jack Smith được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 18/11/2022, sau khi chỉ định ông là công tố viên đặc biệt giám sát hai cuộc điều tra nhằm vào cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Thẩm phán liên bang Aileen Cannon ở bang Florida hồi tháng 7 phán quyết rằng Smith đã được bổ nhiệm "không đúng luật" và không có thẩm quyền đưa ra cáo trạng. Smith sau đó đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang, đề nghị nối lại truy tố ông Trump.

"Rõ ràng là một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố, do đó vụ án ở tòa án liên bang Washington sẽ bị bãi bỏ", theo ông Rahmani. Nếu Smith vẫn muốn tiếp tục theo đuổi vụ án, ông Trump chỉ cần sa thải công tố viên đặc biệt này.

Ngay trước cuộc bầu cử, ông Trump khẳng định nếu chiến thắng, ông sẽ "sa thải Smith trong hai giây", gọi Smith là một trong những vấn đề đầu tiên cần giải quyết.

Ông Rahmani dự đoán vụ truy tố ở Florida cũng chung số phận.

Truyền thông Mỹ ngày 6/11 đưa tin Smith được cho là đang xem xét hủy hai vụ truy tố cấp liên bang với ông Trump. Tuy nhiên, văn phòng Smith chưa lên tiếng về thông tin, mà chỉ nói rằng ông sẽ công bố báo cáo cập nhật về các vụ án vào ngày 2/12.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.