5 yếu tố giúp Ukraine gây bất ngờ trong chiến dịch ở tỉnh Kursk

Tình báo tốt, chiến thuật đánh lừa, bảo mật thông tin, chọn thời điểm và Nga thiếu cẩn trọng được cho là những yếu tố giúp Ukraine gây bất ngờ khi tấn công tỉnh Kursk.

Chiến dịch xuyên biên giới của Ukraine ở tỉnh Kursk đã gần bước sang tuần thứ tư, song cảm giác sốc vẫn còn tương đối rõ rệt. Khi lực lượng của Kiev tràn qua biên giới vào ngày 6/8, hầu như tất cả mọi người đều bị bất ngờ.

Một số binh sĩ Ukraine cho biết họ không vấp phải kháng cự dù tiến vào lãnh thổ đối phương ngay giữa ban ngày. Một nhóm lính Nga thậm chí "đang uống cà phê ở trong rừng" khi chạm trán họ.

"Mọi người đều có thể thấy quân đội Ukraine biết cách gây bất ngờ. Chúng tôi biết làm thế nào để đạt được kết quả", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 9/8, ba ngày sau khi Kiev mở chiến dịch tại tỉnh Kursk.

Tuy mục tiêu của chiến dịch vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi, việc Ukraine khiến Nga hoàn toàn ngạc nhiên vẫn là một thành tựu lớn. Điều này cũng chứng minh rằng yếu tố bất ngờ vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong xung đột hiện đại, dù từng vấp phải nhiều hoài nghi.

Khí tài Nga bị phá hủy gần thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk hôm 16/8. Ảnh: AFP
Khí tài Nga bị phá hủy gần thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk hôm 16/8. Ảnh: AFP

Trong chiến sự tại Ukraine, "chiến trường trong suốt" là thuật ngữ thường xuyên được sử dụng. Nó ám chỉ rằng trong trên chiến trường hiện nay, nhất cử nhất động của các binh sĩ và phương tiện đều bị theo dõi chặt chẽ bởi các phương tiện trinh sát, giám sát hiện đại, trong đó có thiết bị bay không người lái (drone), nên các bên không còn có thể giữ được bí mật khi hành động.

Mick Ryan, chuyên gia tại Chương trình An ninh Quốc tế thuộc viện nghiên cứu Lowly có trụ sở tại Australia, cho rằng thuật ngữ "chiến trường trong suốt" không chính xác, ngay cả với những hệ thống do thám, trinh sát hiện đại nhất.

"Chúng ta có thể thấy được nhiều thứ hơn, song thấy không đồng nghĩa với hiểu. Không có vệ tinh, máy bay do thám hay drone nào có thể nhìn thấu được tính toán của các chỉ huy hay trái tim của những người lính để đánh giá tinh thần của họ", ông nêu quan điểm.

Lấy ví dụ về cuộc xung đột tại Afghanistan, Ryan cho biết năng lực tình báo, giám sát của Mỹ và đồng minh đã khiến nơi này trở thành một trong những chiến trường được theo dõi sát sao nhất trong lịch sử loài người, song liên quân quốc tế vẫn thường xuyên bị Taliban đẩy vào tình thế "không kịp trở tay" trong suốt hai thập kỷ tại đó.

Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Ukraine, theo Ryan. "Bất chấp công nghệ hiện đại đã giúp đẩy nhanh tốc độ ra quyết định và cung cấp thông tin trong lĩnh vực quân sự, tính bất ngờ vẫn là một trong các yếu tố quan trọng trong các cuộc xung đột và cạnh tranh chiến lược", ông cho hay.

Trên thực tế, yếu tố này đã đóng vai trò trung tâm trong tất cả mọi cuộc chiến lớn trong quá khứ. Từ trận Trân Châu Cảng hồi Thế chiến II, chiến tranh Arab - Israel năm 1967 cho đến cuộc tập kích hiệp đồng của nhóm vũ trang Hamas vào lãnh thổ Israel tháng 10/2023, đều có tính bất ngờ.

Dù vậy, tiến bộ của công nghệ khiến yếu tố bất ngờ đang ngày càng trở nên khó thực hiện hơn và việc Ukraine làm được điều đó trong chiến dịch tại tỉnh Kursk vẫn là điều đáng để các nước khác học hỏi, theo chuyên gia Ryan. Và để học hỏi được từ Kiev, trước hết phải xác định được họ đã làm được việc đó như thế nào.

Theo Ryan, có 5 yếu tố chính giúp quân đội Ukraine giữ được tính bất ngờ trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Thứ nhất là đánh lừa đối phương. Chiến thuật nghi binh đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử quân sự và Kiev rõ ràng đã không quên điều này. Xuyên suốt cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã nhiều lần tìm cách áp dụng chiến thuật này ở các mức độ khác nhau để bảo vệ quân nhân và kế hoạch tác chiến của mình.

"Trong vài tháng qua, Kiev hiển nhiên đã phát triển một kế hoạch nghi binh toàn diện nhằm che giấu ý định tiến hành một cuộc tấn công lớn, bao gồm hướng di chuyển và địa điểm chiến dịch sẽ được tiến hành", Ryan cho hay.

Để có thể đánh lừa thành công đối phương, Ukraine cũng đã phải thực hiện tốt yếu tố thứ ba, đó là "bảo mật tác chiến" (OPSEC). Không chỉ ngăn Nga biết về kế hoạch tấn công tỉnh Kursk, Ukraine còn hạn chế chia sẻ thông tin về chiến dịch với các nước ủng hộ chính, trong đó có Mỹ.

Xe quân sự Ukraine di chuyển ở tỉnh Sumy hôm 11/8. Ảnh: Reuters
Xe quân sự Ukraine di chuyển ở tỉnh Sumy hôm 11/8. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 7/8 nói Kiev không báo trước cho Washington về kế hoạch đưa quân vào tỉnh Kursk. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 21/8 tiết lộ Ukraine đã chuẩn bị cuộc tấn công một cách "rất bí mật" và không tham vấn Berlin, dù họ cũng là một trong những quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ Kiev.

Binh sĩ Ukraine cũng chỉ được thông báo về kế hoạch và tiếp nhận vũ khí mới vài ngày trước khi chiến dịch bắt đầu. Một số quân nhân cho biết họ còn tưởng lệnh tấn công tỉnh Kursk là trò đùa khi nghe phổ biến về kế hoạch.

Thứ hai là thông tin tình báo tốt. Đây là yếu tố cơ bản trong mọi chiến dịch quân sự và là nền tảng để lên kế hoạch cũng như tiến hành tất cả hoạt động.

Ukraine thường nhận được thông tin tình báo từ các nước phương Tây, vốn sở hữu mạng lưới vệ tinh, cảm biến trinh sát hiện đại. Tuy nhiên, trong chiến dịch tấn công tỉnh Kursk, họ giữ bí mật với cả các đồng minh phương Tây, nên phải tự thu thập thông tin tình báo.

Lợi thế của Ukraine là nhiều sĩ quan cấp cao của họ từng học chung trường với các chỉ huy Nga, nên hiểu rất rõ đối phương.

"Người Ukraine nắm rõ học thuyết, phương pháp tác chiến và văn hóa quân sự của Nga. Lực lượng tình báo nước này cũng rất hiệu quả trong việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó kết hợp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh", Ryan cho hay.

Chọn thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng giúp quân đội Ukraine giữ được tính bất ngờ trong chiến dịch. Theo chuyên gia Ryan, thời điểm mở cuộc tấn công vào tỉnh Kursk được Kiev quyết định dựa trên năng lực tập trung lực lượng của nước này, bao gồm bộ binh, công binh, pháo binh, lính phòng không, lính thông tin, hậu cần và tác chiến điện tử.

Ukraine cũng đã khiến các đồng minh và Nga nghĩ rằng họ sẽ không tiến hành bất kỳ chiến dịch lớn nào trước năm 2025. "Kiev đã hành động sớm hơn dự đoán rất nhiều và đây là cách hữu hiệu để tạo ra bất ngờ", chuyên gia của viện nghiên cứu Lowly nhận định.

Yếu tố cuối cùng bắt nguồn từ chính Nga, khi họ không nỗ lực hết mức để có thể hiểu rõ Kiev, hoặc đã đánh giá quá thấp đối phương. Nắm được thế chủ động chiến lược trong phần lớn năm 2024, Nga đã không nhìn nhận đúng mức khả năng tư duy và thích ứng của Ukraine, cũng như việc đối thủ đang nghiên cứu mình và lên kế hoạch tấn công, theo Ryan.

Thượng tướng Alexander Lapin, tư lệnh Quân khu Leningrad, người phụ trách bảo vệ biên giới phía tây nước Nga, trong đó có tỉnh Kursk, hồi đầu năm quyết định giải tán hội đồng quân sự - an ninh địa phương có nhiệm vụ giám sát an ninh khu vực biên giới.

Tướng Lapin tự tin khẳng định rằng chỉ cần quân đội là đủ để bảo vệ biên giới, theo một quan chức an ninh Nga am hiểu vấn đề. Tuy nhiên, nhiều blogger quân sự thân Điện Kremlin đã chỉ trích quyết định này, coi sự tự tin thái quá của tướng Lapin là sai lầm khiến Ukraine dễ dàng tiến vào tỉnh Kursk và kiểm soát lãnh thổ rộng lớn.

Chuyên gia Ryan nhận định 5 yếu tố trên có thể giúp làm sáng tỏ hơn về cách thức chiến sự được tiến hành trong thế kỷ 21, rút ra bài học về đặc điểm của xung đột và cách công nghệ mới ảnh hưởng đến các ý tưởng cũ. Chúng cũng cung cấp thông tin quan trọng để các lực lượng quân sự có thể điều chỉnh và nâng cao hiệu quả trong huấn luyện lực lượng.

"Quan trọng hơn, yếu tố bất ngờ về mặt chiến thuật, chiến lược và tác chiến mà Ukraine đạt được cho thấy các hoạt động quân sự hiện nay kém 'trong suốt' hơn rất nhiều so với những gì một số người nghĩ. Các chiến dịch tấn công bất ngờ và thành công vẫn có thể xảy ra", Ryan nhấn mạnh.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bão Krathon gây thiệt hại nặng ở Đài Loan

Bão Krathon gây thiệt hại nặng ở Đài Loan

Bão Krathon đã khiến 2 người thiệt mạng, 2 người mất tích và ít nhất 123 người bị thương ở Đài Loan (Trung Quốc). Thị trường tài chính cùng nhiều trường học, văn phòng làm việc phải đóng cửa do bão.
Nhật Bản có tân Thủ tướng

Nhật Bản có tân Thủ tướng

Quốc hội Nhật Bản đã bầu cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba làm thủ tướng, sau khi ông đắc cử lãnh đạo đảng LDP cầm quyền.
Israel tạo cục diện mới ở Trung Đông

Israel tạo cục diện mới ở Trung Đông

Vụ tấn công chính xác do Lực lượng Không quân Israel (IAF) thực hiện nhằm tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah vào ngày 27-9 có mã hiệu 'Seder Hadash', nghĩa là 'Trật tự mới' theo tiếng Do Thái.
Nga nêu lý do thay đổi học thuyết hạt nhân

Nga nêu lý do thay đổi học thuyết hạt nhân

Đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra nhằm răn đe các nước phương Tây đang hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, Điện Kremlin cho biết.