6 thói quen dưới đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngay trong căn bếp gia đình.
Nấu cháo bằng nồi áp suất
Để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường sử dụng nồi áp suất nấu cháo dù nhà sản xuất khuyến cáo không nên. Khi nấu, gạo hay vỏ đậu và các chất bột khác có thể bít lỗ xả và không cho không khí thoát ra ngoài, rất dễ gây nổ.
Ngoài ra, cơ chế của nồi áp suất là tích lũy hơi nước nên nếu không cẩn thận mà mở nắp nồi ngay hoặc không biết cách mở van xả hơi nước sẽ dẫn đến việc bị bỏng.
Để nấu cháo an toàn bằng nồi áp suất cần chú ý: luôn kiểm tra nồi trước khi nấu để chắc chắn nắp đã được đóng chặt, van xả áp nằm đúng vị trí, bảng điều khiển đã về vị trí bắt đầu, mâm nhiệt không dính cặn bẩn.
Khi nấu cháo chỉ nên nấu 2/3 dung tích nồi để tránh gây tắc nghẽn lỗ thông hơi. Tuyệt đối không được mở nắp nồi đột ngột khi nấu vì hơi nóng có thể khiến bạn bị bỏng. Thay vào đó, hãy đợi nồi nấu xong, van xả hết áp suất thì mới từ từ mở nắp.
Đổ nước vào chảo dầu để dập lửa
Trong quá trình nấu nướng dầu trong chảo bắt lửa, nhiều người ngay lập tức dội nước lạnh vào chảo dầu, kết quả là chảo phát nổ và lửa bùng lên cao.
Dầu đang cháy không thể dập tắt bằng nước. Khi nước đổ vào chảo dầu, nước nặng hơn nên chìm xuống đáy chảo và nhanh chóng sôi lên và bay hơi, đẩy dầu trong chảo ra ngoài gây ra ngọn lửa bùng phát và cháy lan.
Bởi vậy khi chảo dầu bốc cháy nên tắt bếp ngay sau đó đậy nắp (vung) để dập lửa. Chú ý là cần chờ đến khi lửa tắt hẳn mới có thể mở nắp chảo. Ngoài ra không nên di chuyển nồi đang cháy sau khi đóng nắp.
Xịt thuốc diệt côn trùng khi đang nấu ăn
Nơi thường xuất hiện nhiều côn trùng nhất trong nhà chính là khu bếp. Khi nấu ăn, nếu phát hiện vài con gián bò ra từ dưới bếp, nhiều người có thói quen sử dụng thuốc diệt côn trùng xịt vào đó. Tuy nhiên hành động này rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc diệt côn trùng chứa thành phần dễ cháy. Những chất này phân tán vào không khí, khi gặp lửa hoặc nhiệt độ cao rất dễ phát nổ.
Đổ bột mì gần bếp gas
Để tiện lợi nhiều người đang nấu nướng một bên bếp gas, bên còn lại sử dụng bột mì để làm bánh. Hành động tưởng chừng vô hại nhưng lại có thể gây bỏng tức thì.
Nguyên do là khi đổ bột mì, các hạt nhỏ sẽ lơ lửng trong không khí. Khi đạt đến một nồng độ nhất định mà gặp tia lửa sẽ lập tức bốc cháy. Nếu bếp nằm trong không gian kín, việc cháy sẽ xảy ra mạnh hơn và được gọi là "Nổ bột bụi".
Bởi vậy khi nấu ăn, tuyệt đối không để bột mì tiếp xúc với bếp lửa hoặc các ngọn lửa trần khác.
Máy hút mùi không được vệ sinh thường xuyên
Máy hút mùi được thiết kế đặc biệt để hút khói dầu. Sau khi hút lên, khói dầu này được hóa lỏng khi nhiệt độ hạ xuống, nằm lại trong hộp hoặc thùng chứa dầu thải của máy.
Một số gia đình không có thói quen làm sạch hộp dầu của máy khiến dầu thừa tràn ra ngoài gây cháy.
Nên thường xuyên vệ sinh lưới lọc dầu, khay dầu và hộp dầu, tốt nhất ba tháng một lần. Khi hộp dầu và khay dầu đầy đến 6 phần thì nên đổ đi, hoặc để một dải bông hút dầu vào khay, sau đó hình thành thói quen vệ sinh định kỳ.
Không thay thế bếp gas
Nhiều người thường khoe rằng họ sử dụng một chiếc bếp gas đã hơn 10 năm mà chưa hỏng đồng thời khen ngợi loại bếp này tốt.
Thực tế, các thiết bị đều có thời hạn sử dụng nhất định. Nếu tiếp tục sử dụng những thứ đã quá hạn sẽ tiềm ẩn nguy cơ an toàn. Bếp gas cũng có thời gian sử dụng cố định, dù vẫn có thể "dùng được" nhưng sẽ gặp các vấn đề như mạch điện không thể đánh lửa, hệ thống tự động tắt lửa không hoạt động, độ kín bị mất và rò rỉ khí gas, lửa yếu không tiết kiệm năng lượng.
Với bếp gas cũ, ngay cả khi vẫn hoạt động tốt, vẫn phải tiến hành kiểm tra bảo trì thường xuyên hoặc thay thế bằng thiết bị mới.