7 sai lầm khi chữa thủy đậu cho trẻ

Có nhiều khuyến cáo về cách điều trị và chăm sóc khi trẻ mắc thủy đậu trên mạng. Tuy nhiên, vẫn còn những quan niệm sai lầm trong điều trị và chăm sóc khiến trẻ gặp những biến chứng nguy hiểm…

1. Kiêng gió

Khi thấy trẻ mắc thủy đậu , nhiều bậc cha mẹ cho rằng phải tránh gió, mặc quần áo kín thì trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên đây là một sai lầm.

Thủy đậu nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Việc quá kiêng cữ khiến cho trẻ lâu khỏi bệnh, thậm chí bệnh có thể nặng lên.

Thủy đậu thường gặp vào mùa xuân hè, thời tiết nồm ẩm. Khi mắc thủy đậu, trẻ thường ngứa ngáy, khó chịu. Nếu quá kiêng gió, ở trong phòng kín, sẽ khiến cơ thể trẻ bí bách, càng ngứa ngáy và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.

Nên: Cho trẻ mặc quần áo rộng, mát, nhẹ, thấm mồ hôi; đồng thời cho trẻ ở nơi thoáng mát, vệ sinh.

Thủy đậu nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Không tắm cho trẻ

Cùng với quan điểm kiêng gió, nhiều bậc cha mẹ cũng không cho trẻ tắm khi mắc thủy đậu . Điều này sẽ làm vi khuẩn tích tụ lại trên da, làm cho bệnh của trẻ nặng lên, thậm chí có thể khiến trẻ bị lây lan rộng hơn, viêm da bội nhiễm, nặng hơn là nhiễm trùng huyết.

Nên: Tắm và vệ sinh cho trẻ thường xuyên. Lưu ý, khi tắm không nên chà xát quá mạnh, tránh vỡ các nốt thủy đậu.

3. Tự chích các nốt thủy đậu

Có nhiều trường hợp thấy trẻ bị thủy đậu đã lấy kim chọc hết các nốt thủy đậu rồi bôi thuốc đông y vào với mong muốn nhanh khỏi. Nhưng hậu quả là, bệnh không khỏi mà lại khiến các nốt mụn có thể bị nhiễm trùng, làm cho bệnh nặng hơn và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Nên: Không tự ý trích các nốt thủy đậu và bôi các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Khi trẻ có các triệu chứng bất thường cần đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chỉ định điều trị kịp thời.

4. Bôi xanh methylen khi nốt thủy đậu chưa vỡ

Với mong muốn cho con nhanh khỏi bệnh, nhiều người thấy con có nốt thủy đậu là bôi xanh methylen . Tuy nhiên, việc làm này không có tác dụng. Nốt thủy đậu chưa vỡ mà đã bôi thuốc chỉ gây thêm phần khó chịu cho trẻ.

Khi trẻ có các triệu chứng bất thường cần đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chỉ định điều trị kịp thời.

Nên: Xanh methylen chỉ nên bôi khi khi các nốt mụn đã vỡ. Lúc này xanh methylen mới có tác dụng giúp nhanh khô nốt mụn và ngừa bội nhiễm.

5. Tắm nước lá không rõ nguồn gốc

Nhiều bậc cha mẹ mua các loại lá về đun nước tắm cho trẻ khi bị thủy đậu. Nhưng điều này không những không giúp trẻ mau khỏi bệnh mà còn có thể dẫn đến tình trạng kích ứng da, dị ứng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác…

Nên: Tắm cho trẻ bằng nước sạch, lau khô sau khi tắm.

6. Cho trẻ dùng kháng sinh

Cho rằng kháng sinh giúp ngăn ngừa được nhiễm trùng khi mắc thủy đậu, nhiều người đã tự ý mua thuốc về cho trẻ uống. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ, sau khi đã thăm khám cho bệnh nhân và chỉ dùng khi bị bội nhiễm vi khuẩn. Kháng sinh dùng không đúng bệnh vừa không hiệu quả vừa làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.

Nên: Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh và chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

7. Không theo dõi tiến triển của bệnh

Đây là một trong những sai lầm không ít người gặp phải. Sau khi được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, nhiều bậc cha mẹ “yên tâm” vì con sẽ nhanh chóng khỏi bệnh mà không theo dõi quá trình điều trị.

Điều này có thể khiến trẻ gặp những rắc rối khó lường. Bởi thủy đậu có thể gây những biến chứng nguy hiểm : Nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não…

Nên: Để ý những triệu chứng bất thường sau khi trẻ dùng thuốc. Nếu trẻ bị đau, ngứa, sốt, tiêu chảy… cần báo ngay cho bác sĩ để được kịp thời xử lý.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói