Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời tiết miền Bắc ở ngưỡng rét đậm, trong ngày dao động từ 11-13 độ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trời lạnh ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ do các em có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa được tập luyện đầy đủ để ứng phó với các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, nhiều gia đình đã có ý thức giữ ấm cho trẻ song chưa đúng cách khiến con có nguy cơ cao mắc bệnh.
Đầu tiên, nhiều trẻ được cha mẹ cho mặc ấm nhưng không sử dụng khẩu trang, không đội mũ và đeo khăn quàng cổ, khiến nguy cơ nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa.
Một số cha mẹ lại ủ ấm cho con quá kỹ, khiến trẻ ra mồ hôi lưng, ngực, dễ ngấm ngược lại cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi... Mồ hôi ứ đọng trên da còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, ngứa ngáy, viêm nhiễm. Đặc biệt, việc cha mẹ kiêng tắm cho con trong nhiều ngày vì sợ lạnh càng khiến các bệnh về da có nguy cơ bùng phát.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội đi học trong trời rét. Ảnh: Phạm Chiểu
Nhiều gia đình đưa trẻ đến trường bằng xe máy và cho trẻ ngồi phía trước. Lúc này, trẻ có thể bị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi do tiếp xúc gió lạnh dù được cha mẹ ủ ấm. Trẻ cơ địa dị ứng và có sức đề kháng kém còn hít phải khói, bụi, gây viêm mũi, ho hen phế quản. Do đó, bác sĩ Dũng khuyến cáo cha mẹ nên để trẻ ngồi sau để đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh ở miền Bắc thường kèm theo mưa rét buốt, nặng hạt, vì vậy cha mẹ cố gắng giữ con không bị ướt, tránh ngấm nước mưa vào quần áo, có thể chuẩn bị túi nilon để bọc tay và chân cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi dự báo thời tiết trong ngày để cân nhắc có nên cho trẻ đi học hay không.
Cha mẹ cũng không nên quá cẩn thận, giữ trẻ ở trong nhà liên tục khi trời lạnh. Việc này khiến các em thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm. Trẻ cần uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nóng sốt, đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng; vệ sinh, rửa tay thường xuyên để tránh các bệnh về đường tiêu hóa.
Dù trẻ bị ốm, sốt cũng cần được lau người sạch sẽ, thay quần áo hàng ngày. Trẻ có thể được tắm nhanh trong phòng kín gió, ấm, lau khô và mặc quần áo cẩn thận sau tắm.
Khi trẻ bị ho kéo dài, gia đình cần đưa con đi khám, không tự ý mua thuốc, kháng sinh về điều trị tại nhà. Lý do là nếu trẻ bị cúm, nhiễm virus, thuốc kháng sinh không có tác dụng và có thể khiến bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, việc uống kháng sinh không đủ liều dễ gây kháng kháng sinh, giảm cơ hội điều trị.