Cơ thể phụ nữ luôn thay đổi. Vì vậy, không dễ để phát hiện những vấn đề sức khỏe bất thường trong giai đoạn đầu. Nhiều người thường trì hoãn nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu bất ổn trên cơ thể trước khi thực sự đi đến phòng khám. Chỉ cần để tâm đến những thay đổi sau trên cơ thể, bạn hoàn toàn có thể duy trì sức khỏe và ngăn ngừa mầm mống bệnh tật đặc trưng của giới tính.
1. Bụng đầy hơi, nở to bất thường
Đối với một số phụ nữ, đầy hơi là điều bình thường trong giai đoạn kinh nguyệt. Tuy vậy, nếu như bạn gặp phải tình trạng này kéo dài dai dẳng hơn 2 tuần, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề.
Bụng của người bị lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên bất ngờ, kích thước còn phình to lên theo thời gian. Bên cạnh đó, đầy hơi liên tục còn có thể là dấu hiệu của ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
2. Nhiều mụn cằm
Khoảng 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ tăng cường tiết ra estrogen và progesterone. Do sự thay đổi nồng độ hormone này, có thể khu vực cằm sẽ xuất hiện nhiều mụn. Sau đó một thời gian chúng cũng sẽ biến mất.
Tuy vậy, nếu thường xuyên có mụn nổi lên ở quai hàm hoặc cằm, rất có thể là nội tiết tố trong cơ thể đang gặp rối loạn. Lúc đó, bạn nên ghé thăm phòng khám để kiểm tra sức khỏe.
3. Thường xuyên đau xương chậu khi vận động
Nếu bạn hay bị đau ở vùng xương chậu khi chạy, đi bộ, hay thậm chí đứng trong thời gian dài, khả năng rất cao là lớp nội mạc tử cung của bạn đang phát triển không đúng hướng. Trong trường hợp này, các tế bào nội mạc tử cung “lạ” và sẹo gây cản trở nội tạng, khiến vùng cơ thân dưới hay cảm thấy đau đớn và khó chuyển động.
4. Đau chân và lưng dưới.
Đau lưng dưới là điều thường thấy trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, sẽ là dấu hiệu bất thường nếu bạn bị đau ở lưng dưới ngay cả trước, trong và sau thời gian kinh nguyệt, kèm với căng cơ ở những vùng này. Khi đó, rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng lạc nội mạc tử cung.
Vài triệu chứng phổ biến khác của lạc nội mạc tử cung là tê, cảm giác ngứa ran và đau ở chân. Cơn đau này có thể lan ra một hoặc cả hai chân, đặc biệt dữ dội hơn ở thời điểm trước kinh nguyệt.
5. Nhiều máu đông trong kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt của mỗi người có thể khác biệt về màu sắc và liều lượng. Việc thỉnh thoảng bạn bắt gặp 1-2 cục máu đông là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sẽ là “báo động” nếu máu tiết ra trở nên tối sẫm, có nhiều cục máu đông đặc và kích thước lớn thì. Đó có thể là dấu hiệu của tình trạng u xơ tử cung. Những khối u trong tử cung này mặc dù không phải ung thư nhưng có thể gây chảy máu bất thường, thậm chí kéo theo các vấn đề khác về bàng quang.
6. Mất hứng thú với thức ăn ưa thích
Những dấu hiệu như luôn cảm thấy no, phải vất vả mới có thể “xử lý” xong một bữa ăn, hay hoàn toàn mất cảm giác thèm ăn đều là các triệu chứng đáng lưu ý. Chúng đều có thể là biểu hiện sớm của ung thư buồng trứng. Bạn sẽ đặc biệt cần phải nhanh chóng kiểm tra sức khỏe nếu như các dấu hiệu trên xuất hiện kèm với đau bụng và thay đổi trong thói quen đi tiêu.
7. Rụng nhiều tóc
Rụng tóc là một trong những triệu chứng trực quan của tình trạng testosterone thấp. Mất cân bằng loại hormone này dẫn đến hiện tượng rụng nhiều tóc theo khoảng lớn, dễ gây ra “hói” đầu theo thời gian. Tình trạng này cũng có thể thể hiện ở các vùng lông trên cơ thể, nhưng có phần khó nhận thấy hơn, bởi nữ giới thường có thói quen “dọn cỏ” vùng dưới cánh tay và chân đều đặn.
8. Luôn thấy quá nóng hoặc quá lạnh
Nếu bạn luôn cảm thấy không thoải mái với nhiệt độ tự nhiên trong phòng, rất có khả năng là nội tiết tố của bạn đang trong tình trạng mất cân bằng. Một trong những lý do khả dĩ đó là nồng độ estrogen bất thường. Mức độ estrogen có thể thay đổi theo thời gian và xuyên suốt thời gian kinh nguyệt.
Tuy vậy, đôi lúc quá trình sản sinh estrogen có thể gặp “trục trặc”, làm ảnh hưởng đến cảm nhận về nhiệt độ của cơ thể. Estrogen thấp khiến bạn thấy nóng nực hơn, trong khi đó, estrogen cao làm bạn thấy tay và chân luôn lạnh đi đáng kể.