1. Dược tính của lá lốt
Lá lốt, tên khoa học Piper lolot C.DC; thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Cần phân biệt tránh nhầm lẫn với cây tiêu lốt còn gọi là tất bát cùng họ hồ tiêu.
Theo y học cổ truyền, lá lốt vị cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau) chữa các chứng yêu cước thống (đau lưng, đau chân), đau tức ngực, đau bụng do lạnh, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy, đau đầu, tỵ uyên (chảy nước mũi)...
Lá lốt hỗ trợ giảm viêm khớp hiệu quả.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, lá lốt có thành phần nhiều tinh dầu cùng các hoạt chất chống oxy hóa, tiêu biết nhất là flavonoid, alcaloid có công dụng làm giãn cơ trơn, tiêu viêm, giảm đau, kháng khuẩn.
- Flavonoid là một chất chống viêm mạnh mẽ, nó có khả năng ức chế các cytokine tiền viêm thông qua quá trình điều hòa miễn dịch. Nó cũng giúp tăng cường sản xuất collagen type 2, là collagen cấu thành lên sụn khớp, từ đó duy trì sức khỏe của xương khớp.
- Alcaloid giúp ức chế thần kinh trung ương, làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu. Ngoài ra, alcaloid cũng có thể hoạt động như một chất chống viêm hiệu quả tác động trực tiếp vào cơ chế gây đau xương khớp.
2. Cách sử dụng lá lốt giảm viêm khớp
- Giảm đau nhức xương khớp: Lá lốt cả rễ và thân 20g, dây đau xương 10g, rễ cây thầu dầu tía 10g.
Tất cả cắt ngắn sao vàng sắc với 600ml nước còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày, uống liền trong 1 tuần.
- Hỗ trợ điều trị bệnh phong tê thấp: Lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cành dâu 20g, cà gai leo 20g.
Các vị thuốc cắt ngắn sao vàng sắc với 600ml nước còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày, uống liền trong 1 tuần.
- Sưng đau khớp gối, đau vai gáy: Lá lốt cả cây (thân, rễ) phơi khô sắc nước uống thay trà. Uống liền 3 tuần.
Dây đau xương giảm đau nhức tê mỏi xương khớp.
- Giảm đau thắt lưng, đau gối: Lá lốt, rễ, thân và có hoa càng tốt (dùng tươi). Mỗi lần 30g sắc uống.
- Đợt cấp viêm đa khớp tiến triển: Lá lốt 10g, cỏ xước 10g, cà gai leo 10g, tỳ giải 12g, cành dâu 12g, ké đầu ngựa 12g, thổ phục linh 12g, hy thiêm 16g. Sắc uống ngày một thang.
- Hỗ trợ điều trị viêm khớp mạn tính: Rễ lá lốt 12g, thổ phục linh 16g, cành dâu 16g, cỏ xước16g, đỗ đen sao 16g, ý dĩ16g, sinh địa 16g, mã đề sao 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Trà thuốc ngừa phong thấp: Lá lốt 10g, ngưu tất 20g, thổ phục linh 20g, hy thiêm 50g. Thái nhỏ sấy khô hàm với nước sôi trong bình kín, nước thay trà.
- Thuốc dùng ngoài chữa cơ khớp sưng đau: Lá lốt 30g, lá ngải cứu 30g, lá gấc 30g, củ gai 20g, gừng tươi 30g, giã nhuyễn ngâm rượu 7-10 ngày, dùng để xoa bóp nơi khớp sưng đau. Bã đắp đắp vào chỗ sưng đau.
- Cháo lá lốt giảm viêm khớp: Lá lốt 150g, lá ngải cứu 50g, gạo tẻ 150g, chim bìm bịp 1 con. Lá lốt và ngải cứu tươi giã nhỏ lọc lấy 200 ml nước. Chim bìm bịp làm sạch cho gạo vào nấu thành cháo, khi cháo và thịt chim nhừ cho nước lá lốt ngải cứu vào, đun thêm 10 phút. Chia 2-3 lần ăn trong ngày. Ăn liền trong 5 ngày. Bã lá xào nóng chườm đắp vào chỗ sưng đau.
3. Phòng bệnh đau xương khớp
Dinh dưỡng cân bằng, duy trì cân nặng hợp lý để giữ cho các khớp không phải chịu một sức nặng quá mức sẽ làm thuyên giảm bệnh viêm khớp.
Ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành tốt cho hệ tim mạch và phòng chống loãng xương. Ăn ít chất đạm, nhiều chất xơ và rau tươi.
Tập thể dục thường xuyên giúp cho khí huyết lưu thông giảm các chứng đau khớp. Chú ý tránh vận động thể lực quá sức có thể gây tổn thương cơ xương khớp.
Nếu bị đau khớp dai dẳng, người bệnh nên kết hợp xoa bóp, châm cứu bấm huyệt tại các cơ sở y học cổ truyền.
Lá lốt làm thức ăn cũng có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên hiệu lực kém hơn khi dùng cả cây, rửa sạch, phơi âm can (nơi không có nắng) và tránh gây dập nát. Dùng tươi, để sôi nước mới bỏ vào. Không đun lâu, bay mất tinh dầu là tác nhân giúp tăng cường hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, lá lốt có nhiều công dụng tốt như hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy bụng, sôi bụng, ăn uống không tiêu; dùng ngoài chữa mụn nhọt, viêm loét miệng... Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý dùng lá lốt đúng liều lượng hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh những rủi ro không mong muốn.