AFC phạt nặng vụ hỗn chiến ở chung kết SEA Games

Năm cầu thủ và chín thành viên ban huấn luyện của Thái Lan, Indonesia bị LĐBĐ châu Á (AFC) cấm sáu trận, nộp phạt ít nhất 1.000 USD.

AFC phạt nặng vụ hỗn chiến ở chung kết SEA Games

Màn hỗn chiến giữa Thái Lan và Indonesia ở chung kết SEA Games 32. Ảnh: Hiếu Lương

Tối 11/7, Ủy ban Kỷ luật - Đạo đức của AFC họp rồi đưa ra loạt án phạt liên quan đến vụ ẩu đả trong trận chung kết SEA Games 32 giữa Thái Lan và Indonesia.

Bảy thành viên Indonesia - trong đó có ba cầu thủ và bốn HLV, quan chức - bị cấm sáu trận. Hai cầu thủ Agung Bagus Fawwazi, Komang Teguh cùng ba thành viên ban huấn luyện gồm: Tegar Diokta, Ahmad Nizar và Toid Sarnadi còn phải nộp phạt 1.000 USD. Tiền vệ Taufany Muslihuddin và trợ lý HLV Sahari Gultom không bị phạt tiền.

Bảy thành viên của Thái Lan cũng nhận án phạt tương tự. Trong đó, thủ môn Soponwit Rakyart và hai trợ lý HLV Pattarawut Wongsriphuek, Mayeid Mad-Adam bị cấm sáu trận, nộp phạt 1.000 USD. Tiền vệ Chayapipat Supunpasuch cùng các quan chức Purachet Todsanit, Thirapak Prueangna và Bamrung Boonprom chỉ bị cấm dự các trận đấu, không bị phạt tiền.

AFC còn yêu cầu LĐBĐ Thái Lan (FAT) nộp phạt 10.000 USD, nhưng LĐBĐ Indonesia (PSSI) thì không bị phạt. Cũng trong thông báo này, AFC cảnh cáo sẽ phạt Thái Lan và Indonesia nặng hơn nếu để sự việc tương tự tái diễn.

Chung kết bóng đá nam SEA Games 32 trên sân Phnom Penh, Campuchia tối 16/5 kết thúc với phần thắng 5-2 của Indonesia trước Thái Lan sau 120 phút. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất là việc thành viên hai đội lao vào đánh nhau hai lần cuối hiệp hai và đầu hiệp phụ thứ nhất. Vụ việc khiến hình ảnh bóng đá Thái Lan, Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung xấu đi.

Hai lần Indonesia và Thái Lan hỗn chiến trong trận chung kết SEA Games 32.

Một ngày sau trận, Thái Lan xin lỗi về vụ việc. Đến ngày 23/5, FAT ra án phạt nội bộ các thành viên đội nhà. Theo đó, HLV thủ môn Prasadchok Chokmoh, trợ lý HLV Phatrawut Wongsripuek và quan chức đi cùng đội Mayid Madada bị cấm làm việc ở các đội tuyển quốc gia một năm. Hai cầu thủ tham gia xô xát, gồm thủ môn Sohonwit và cầu thủ dự bị Teerapak, bị cấm khoác áo các đội tuyển trong sáu tháng. FAT nương tay với hai cầu thủ này vì họ còn trẻ và đã đưa ra lời xin lỗi sau vụ bạo loạn.

Trong khi đó, Indonesia không kỷ luật các thành viên đội nhà. “Tại sao chúng tôi phải trừng phạt các cầu thủ?”, Chủ tịch PSSI Thohir đặt câu hỏi ngược lại cho một phóng viên Indonesia trong cuộc họp báo tại Jakarta chiều 24/5. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ chấn chỉnh. Nhưng về cơ bản, tôi nghĩ đó chỉ là hành động bột phát khi bị khiêu khích và có thể dung thứ”.

Theo Vĩnh San/VNE

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.