Ai đang dạy cho trí tuệ nhân tạo

Cụm từ AI (trí tuệ thông minh nhân tạo) thường tạo ở người nghe một hình ảnh về một hệ thống phức tạp, tân kỳ, hiện đại và hào nhoáng. Thế nên có ai bảo tù nhân ở Phần Lan hay công nhân giá rẻ ở Trung Quốc đang dạy cho AI học, ắt ta sẽ nghĩ đây chỉ là chuyện đùa.

Ai đang dạy cho trí tuệ nhân tạo

Vainu, một công ty khởi nghiệp ở Phần Lan, đang xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ về tất cả mọi doanh nghiệp trên thế giới với tham vọng cung cấp dịch vụ giúp kết nối doanh nghiệp với đúng đối tác họ cần. Để cơ sở dữ liệu được cập nhật và có các thông tin riêng độc đáo, Vainu tổ chức để thuê người đọc hàng trăm ngàn bài viết về doanh nghiệp thu thập từ Internet và dán nhãn để miêu tả chúng, ví dụ bài này là về hãng Apple sản xuất iPhone, bài kia là về doanh nghiệp xuất khẩu táo.

Với các bài bằng tiếng Anh, Vainu sử dụng chợ nhân công giá rẻ trên mạng gọi là “Amazon Mechanical Turk” - một nơi doanh nghiệp thường dùng để thuê người làm những phần việc mang tính lặp đi lặp lại, loại công việc có thể làm từ xa. Nhưng với tiếng Phần Lan thì các chợ này bó tay, không tìm ra người chịu làm việc giá rẻ. Thế là Vainu bèn hợp tác với cơ quan quản lý tù nhân của Phần Lan, danh nghĩa là giúp tù nhân học nghề nhưng cũng là cách tận dụng lao động rẻ bằng cách trang bị máy tính cho hai nhà tù để tù nhân ngồi dán nhãn các bài báo cho họ. Sau khi có dữ liệu đã dán nhãn, Vainu mới dạy cho máy học các thuật toán phân tích dữ liệu.

Máy tính làm các phép tính rất nhanh, nhưng thiếu khả năng nhận biết nên thua ngay cả một em bé trong khía cạnh này. Các em bé nhìn một con béc-giê và một con chihuahua thì dù chúng khác nhau một trời một vực các em cũng biết chúng đều là chó. Máy tính thì phải dạy và không phải chỉ dạy từng hình, bằng không thì dù đã thấy hình chó mực nhưng sau đó thấy một con chó đốm nó sẽ bảo đó không phải là chó.

Trí tuệ thông minh nhân tạo cần một lượng dữ liệu khổng lồ để máy học, ví dụ đưa các phim chụp cộng hưởng từ (MRI) vào máy kèm theo là chẩn đoán đúng của các bác sĩ. Từ hàng ngàn, hàng chục ngàn phim MRI có chẩn đoán của con người, máy sẽ học để sau đó nhìn vào phim bắt chước đưa ra chẩn đoán. Vì máy không bị môi trường bên ngoài chi phối, lại học từ các bác sĩ giỏi nhất, rút kinh nghiệm từ các chẩn đoán sai, nên dần dần máy sẽ “thông minh” hơn người, tỷ lệ chẩn đoán chính xác ngày càng cao.

Nhưng, như chúng ta đã hình dung phần nào, công đoạn quan trọng đầu tiên là máy phải có hình ảnh từ phim MRI và các nhãn chẩn đoán nó mới học được. Công đoạn đưa phim vào bộ nhớ của máy, gõ các chẩn đoán là công đoạn cần nhiều lao động mà các lao động này không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần làm đúng một số thao tác được huấn luyện. Đây là loại công việc nhàm chán, tiền công lại rẻ nên phù hợp cho các thị trường như Trung Quốc.

Ở một địa điểm được mệnh danh là “nông trại dữ liệu”, nhiều công nhân mở các file hình và gõ các nhãn miêu tả chúng; từ các cụm từ định danh như “con chó”, “con mèo” đến các dòng chi tiết hơn như “đây là hình một đứa bé đang tập đi”... Ngành nhập dữ liệu như thế đang là ngành thu hút nhiều lao động ở Trung Quốc một khi các ngành lắp ráp điện tử hay may mặc bị chuyển đi nước khác. Các doanh nghiệp khởi nghiệp tỏa ra lập các “nông trại dữ liệu” ở các vùng giá lao động còn rẻ để dán nhãn cho hàng triệu triệu tấm ảnh và hàng triệu triệu giờ video. Loại công việc cần sự cần cù, nhẫn nại này đang giúp Trung Quốc có một lợi thế trong lĩnh vực AI so với Mỹ và châu Âu.

Chẳng hạn một siêu thị xây dựng được hệ thống tính tiền tự động, nhưng để hệ thống hoạt động cần đính thẻ cho khoảng 20.000 hình ảnh hàng hóa nhìn từ đủ góc cạnh; tức cũng là cái bánh nhưng lấp ló sau hộp kem thì máy cũng phải nhận ra. Thế là siêu thị phải thuê một “nông trại dữ liệu” làm gấp trong ba ngày, tiền công chỉ vài ngàn đô la. Một nơi khác thuê đính thẻ cho ba triệu tấm hình chụp miệng người.

Ở đây, chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc có một lợi thế khác nữa, đó là họ đang tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ của một xã hội 1,4 tỉ dân, nơi tính riêng tư của thông tin không được coi trọng cho lắm. Ở châu Âu, muốn thu thập dữ liệu phải xin phép người dùng một cách rõ ràng, ai vi phạm dễ bị kiện cáo và chịu phạt những khoản tiền lớn. Chính vì thế có nhiều dự báo Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI trước năm 2030, một phần nào đó là do mọi AI đều được xây dựng dựa trên lao động mang tính thủ công của con người.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.