Ai hưởng lợi nếu Mỹ triển khai kế hoạch rút 1/2 số quân khỏi Afghanistan?

Theo giới phân tích, kế hoạch rút một nửa số quân Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan nếu được triển khai sẽ đem lại lợi thế cho Taliban và Pakistan.

Theo truyền thông Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump đang lên kế hoạch rút gần 7.000 quân sỹ Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan, tương đương gần một nửa số binh sỹ Mỹ đang hiện diện tại đất nước đang bị giày xéo bởi chiến tranh này. Truyền thông Mỹ đưa tin số binh sỹ này có thể trở về nước trong vòng vài tháng tới.

Ai hưởng lợi nếu Mỹ triển khai kế hoạch rút 1/2 số quân khỏi Afghanistan?

Tin này rộ lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/12 tuyên bố tổ chức quân sự “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã bị đánh bại tại Syria và vì thế nước Trung Đông này không còn cần sự hỗ trợ của quân đội Mỹ.

Song Taliban, lực lượng quân sự mạnh nhất tại Afghanistan, vẫn chưa bị đánh bại. Mà ngược lại, phạm vi kiểm soát của lực lượng này trên lãnh thổ Afghanistan tăng theo cấp số nhân trong một vài năm qua. Nếu đúng vậy, tại sao Washington lại giảm sự hiện diện quân sự của mình của đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh này?

Mỹ đã đẩy mạnh những nỗ lực để tìm ra một giải pháp chính trị với phe Taliban trong một vài tháng qua khi Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề hoà giải Afghanistan, tiến hành một vài cuộc đàm phán cấp cao với các thủ lĩnh Taliban tại Qatar.

Pakistan sẽ thắng thế?

Các cuộc đàm phán này nhận được sự ủng hộ của Pakistan bởi Thủ tướng Pakistan Imran Khan tin rằng IS không thể bị đánh bại thông qua con đường chiến tranh.

Tuy nhiên, cả Kabul và Washington đều nghi ngờ về những động cơ lâu dài của Islamabad tại Afghanistan. Các quan chức Afghanistan và Mỹ đã liên tiếp cáo buộc rằng Pakistan hậu thuẫn các lực lượng đồng minh của Taliban đang gây bất ổn cho chính phủ Afghanistan. Bằng cách ủng hộ các cuộc đàm phán về hoà giải Afghanistan, quân đội hùng mạnh của Pakistan hy vọng sẽ giảm thiểu tối đa tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan và Taliban quay trở lại chính trường Afghanistan.

Theo các nhà phân tích, các tổ chức dân sự và quân sự Pakistan vẫn xem Taliban như là một đồng minh chiến lược quan trọng cần tham gia chính phủ Afghanistan sau khi NATO thoái lui.

Giới quan sát cho rằng quân đội Pakistan hy vọng sẽ giành lại được tầm ảnh hưởng ở Kabul như đã từng đạt được trước khi Mỹ và các nước đồng minh lật đổ chính phủ thân Pakistan do Taliban cầm đầu vào năm 2001.

Theo các chuyên gia, chính sách Afghanistan của Pakistan không hề thay đổi kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ vào năm 2001, song lập trường của chính quyền Trump đối với Islamabad đã dao động trong một vài tuần qua,

Viễn cảnh lượng binh sỹ Mỹ giảm tại chiến trường Afghanistan rất có thể đem lại lợi thế cho Islamabad trong việc dàn xếp cơ cấu chính trị tương lai tại Afghanistan.

Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông quốc tế Đức (DW), chuyên gia Siegfried O.Wolf thuộc Diễn đàn Dân chủ Nam Á tại Brussels (SADF), cho rằng một vài nhân tố trong bộ máy an ninh Pakistan vẫn tin rằng Taliban có thể được sử dụng như là một công cụ chiến lược để kìm hãm sự hiện diện của Ấn Độ tại Afghanistan.

Mỹ tự làm suy yếu vị thế của mình?

Chúng ta vẫn cần phải chờ xem liệu ông Trump thực tế có triệu hồi 7000 binh sỹ Mỹ về nước hay không, song thực tế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, một trong những nhân vật ủng hộ chính cho chính sách đóng quân hùng hậu của Mỹ tại Afghanistan, sẽ rời nhiệm sở vào tháng 2/2019 chắc chắn đã làm tăng mối quan ngại về sứ mệnh ở Afghanistan của phương Tây.

Ông Thomas Ruttig, chuyên gia thuộc Mạng lưới Các nhà Phân tích về tình hình Afghanistan, nhận định: “Nếu Mỹ thực sự triển khai kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, đây sẽ là một minh chứng cho chính sách "Nước Mỹ Trên hết" của ông Trump... Song vào thời điểm Khalilzad đang cố gắng thương thuyết với Taliban, thì việc rút quân này là bất hợp lý. Nó có thể làm suy yếu vị thế của cả Washington và Kabul đang trong giữa tiến trình đàm phán hoà bình.”

Song một số chuyên gia cho rằng kế hoạch rút quân này có thể là một quyết định đã được tính toán kỹ lưỡng của Tổng thống Mỹ Trump.

Ônh Wahid Muzhad, chuyên gia phân tích về vấn đề an ninh và là cựu thành viên Taliban đóng tại Kabul, cho hay: “Lực lượng Taliban đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ hoà giải với chính phủ Afghanistan chỉ khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này.”

“Tin đưa về kế hoạch giảm số binh sỹ Mỹ hiện diện tại Afghanistan có thể chủ ý nhằm đưa ra một hình thức đảm bảo cho Taliban, một cam đoan cho thấy Mỹ không có ý định sẽ ở lại nước này vĩnh viễn”, ông Muzhda bổ sung.

Cựu tướng Afghanistan, Attiqullah Amarkhail, có một cái nhìn khác về cục diện này. Theo ông, tin đưa về kế hoạch giảm lượng binh sỹ tại Afghanistan của Mỹ có thể là một thông điệp gửi tới chính phủ Afghanistan vốn đang bất đồng với Khalilzad về cách thức theo đuổi các cuộc đàm phán hoà bình.

“Thông điệp này muốn nhắn nhủ rằng Kabul cần hậu thuẫn kế hoạch của Mỹ và đối phó với Taliban theo cách của riêng mình.”

Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani như tin đã đưa không hài lòng với những cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ mà Pakistan đứng ra làm trung gian. Chính phủ Afghanistan cho rằng điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của mình và sẽ bị loại bỏ trong cơ cấu chính trị tương lai tại Afghanistan. Đó là lý do tại sao Kabul một lần nữa nhấn mạnh rằng các cuộc thương lượng hoà bình cần phải do người Afghanistan làm chủ và dẫn đầu.

Theo giới phân tích, Pakistan có thể là bên hưởng lợi chính nếu chính quyền Trump xúc tiến kế hoạch rút một nửa quân sỹ khỏi Afghanistan.

“Điều đó cho thấy ông Trump không bận tâm về vấn đề Afghanistan”, nhà phân tích Ruttig nhận định.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.