Bà Yoshimizu giúp Luong sắp xếp chỗ ăn nghỉ bên trong ngôi chùa Nisshinkutsu. (Ảnh: Reuters)
Vài giờ sau khi ánh chiều vàng dần tắt nhường chỗ cho màn đêm u tịch, Thi Tu Luong kéo chiếc va li xuống một con đường nhỏ trong khu thương mại của Tokyo, tìm ngôi chùa Nisshinkutsu – nơi cô gái trẻ dự định sẽ nghỉ chân đêm nay.
Luong, 22 tuổi, là lao động đến từ Việt Nam. Trước dịch Covid-19, Luong từng là nhân viên một khách sạn hạng sang tại thành phố Nikko – nơi nổi tiếng với những ngôi đền và suối khoáng nóng ở phía Bắc thủ đô Tokyo, nhưng vừa được cho nghỉ việc.
Vài phút sau khi lê bước vô định trên đường, Lương nhìn thấy bà Jiho Yoshimizu đang ra sức vẫy tay ra hiệu cho mình từ lối vào một tòa nhà bê tông.
Bà Yoshimizu là Chủ tịch “Nichietsu Tomoiki Shienkai” (Nhóm hỗ trợ cùng tồn tại Nhật - Việt), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ các thực tập sinh và du học sinh người Việt.
Nơi bà đứng là cổng vào Nisshinkutsu – một ngôi chùa Phật giáo cao 3 tầng, được xem là “thiên đường” cho những người lao động nhập cư trẻ tuổi đến từ Việt Nam – một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Nhật Bản.
“Tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi thực sự rất biết ơn khi có thể ở đây”, Luong nói, sau khi được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi trong chùa.
Người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản. Hãng tin Reuters dẫn số liệu thống kê năm 2019 cho biết, có 410.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đất nước này, tăng 24,5% so với một năm trước đó.
Nếu như bình thường, công việc của các sư cô ở chùa Nisshinkutsu là cầu nguyện cho những linh hồn người đã khuất thì giờ đây, khi dịch Covid-19 trở thành “đòn giáng” mạnh vào nền kinh tế, họ dành thời gian đóng gói những hộp hàng cứu trợ gửi đến tay những người Việt trên khắp “đất nước mặt trời mọc”.
Bên trong ngôi chùa Nisshinkutsu, những lao động trẻ người Việt tranh thủ học tiếng Nhật, nấu các món ăn quê hương, tìm kiếm việc làm mới hoặc cố gắng đặt vé máy bay để trở về nhà.
Các tình nguyện viên và lao động nhập cư người Việt bị mất việc làm do ảnh hưởng của Covid-19 ăn trưa tại chùa Nisshinkutsu. (Ảnh: Reuters)
Các mặt hàng cứu trợ gồm thực phẩm và khẩu trang y tế được sắp xếp sẵn để chuẩn bị đóng gói gửi đến người Việt gặp khó khăn trên khắp Nhật Bản bên trong ngôi chùa Nisshinkutsu. (Ảnh: Reuters)
Trước Covid-19, ngôi chùa này cũng đã nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Nhật vì là nơi cưu mang các lao động Việt bị mất nhà cửa trong thảm họa kéo động đất và sóng thần ở miền Bắc Nhật Bản năm 2011.
Bà Yoshimizu cũng là một nhân vật được nhiều người Việt tại Nhật biết đến. Người phụ nữ 50 tuổi này kể, thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn xin trợ giúp của các bạn trẻ người Việt, đó có thể là những phụ nữ đang tìm cách phá thai, người lao động bị đuổi việc đột ngột mà không có nơi nào để đi, hay lao động chạy trốn khỏi những chủ nhân lạm dụng.
Năm ngoái, bà Yoshimizu đã hỗ trợ giải quyết khoảng 400 vụ việc liên quan đến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, nhưng kể từ tháng 4/2020 đến nay, con số này tăng đột biến. Chủ tịch Nhóm hỗ trợ cùng tồn tại Nhật - Việt kể, hiện bà nhận được từ 10 đến 20 tin nhắn mỗi ngày, tất cả đều là những lời thỉnh cầu giúp đỡ từ người Việt Nam trên khắp Nhật Bản.
“Tôi không đếm xuể”, bà Yoshimizu nói, chiếc điện thoại bên cạnh chốc chốc lại rung lên vì những cuộc gọi và tin nhắn được gửi đến. “Ngay lúc này, không ai khác ở Nhật Bản có thể cung cấp kiểu hỗ trợ này”, bà cho biết thêm.
Khi Luong bị đuổi việc mà không được thông báo trước đồng thời bị yêu cầu phải rời khỏi ký túc xá, trong đầu cô nghĩ ngay tới bà Yoshimizu.
“Cháu không có việc làm, không có nơi nào để ở bây giờ. Làm ơn giúp cháu với. Cháu có thể đến chùa hôm nay không?”, Luong nhắn tin cho bà Yoshimizu và ngay lập tức được hồi đáp.
Hồi tháng trước, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, bà Yoshimizu kêu gọi Chính phủ làm nhiều hơn để hỗ trợ những sinh viên Việt Nam – những người không có bảo hiểm việc làm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nhóm hỗ trợ cùng tồn tại Nhật - Việt: “Chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19 của Chính phủ hiện tại là tập trung giúp đỡ người Nhật trước tiên”.