Anh đi hay ở vẫn còn là một câu hỏi...

(Baohatinh.vn) - Sau cuộc bỏ phiếu lịch sử của người Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Brexit (tức Anh rời EU) sẽ sớm xảy ra, hoặc có thể sẽ không bao giờ xảy ra.

Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU đứng trên con phố Downing ở thủ đô London ngày 24/6 sau khi kết quả kiểm phiếu cho biết phe ủng hộ Brexit đã chiến thắng. (Ảnh: Reuters)

Hầu hết các chính khách Anh đều nhất trí rằng chiến thắng với tỷ lệ phiếu 52%-48% nghiêng về phe ủng hộ Brexit đồng nghĩa với cuộc chia tay giữa Anh và EU sẽ phải được diễn ra. Nếu không, đó sẽ là một “cú tát” đối với nền dân chủ.

Mặc dù vậy, sự hối hận của người Anh sau khi chọn chia tay EU đang ngày một gia tăng. Từ khóa #regrexit (kết hợp giữa từ regret (hối tiếc) và exit (rời khỏi) đang dần trở thành một xu hướng lớn trên mạng xã hội Twitter.

“Ý chí của người dân Anh chính là mệnh lệnh mà Chính phủ phải thực hiện” - Thủ tướng Anh David Cameron nói trong bài phát biểu từ chức hôm 24/6, đánh dấu sự kết thúc của một nhiệm kỳ thủ tướng Anh với nhiều biến động nhất kể từ khi ông Anthony Eden từ chức năm 1957 sau cuộc khủng hoảng Suez. Tuy nhiên ông Cameron cũng khẳng định ông sẽ không thực hiện bất kỳ một bước đi chính thức nào cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và nói việc này sẽ do người kế nhiệm của ông thực hiện.

Do cuộc trưng cầu dân ý không có bất kỳ một sự ràng buộc pháp lý nào, một số chính trị gia Anh đề xuất mở một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện trước khi đưa ra tuyên bố chính thức về Brexit.

Bên cạnh đó, một bản kiến nghị được đăng tải trên trang web của quốc hội Anh yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit đã thu hút được hơn 3 triệu chữ ký chỉ sau 2 ngày kể từ khi công bố kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên. Theo quy định của Anh, quốc hội phải cân nhắc tiến hành thảo luận về bất kỳ đơn kiến nghị nào được đăng tải trên trang web của cơ quan này mà thú hút trên 100.000 chữ ký.

Ngày 26/6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết Scotland có thể sẽ phủ quyết Brexit. Theo một thỏa thuận liên quan tới chia sẻ một số quyền hạn của Vương quốc Anh cho Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, đạo luật thông qua quyết định rời EU sẽ phải có được sự đồng thuận của 3 cơ quan lập pháp của cả 3 vùng vừa nêu, theo một báo cáo của Thượng viện.

Đối mặt với mối đe dọa lớn nhất đến sự đoàn kết của EU kể từ Thế chiến II, các nhà lãnh đạo châu Âu có các quan điểm thiếu nhất quán về việc sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán cho việc Anh rời khỏi EU như thế nào.

Pháp muốn các cuộc đàm phán này phải được khởi động nhanh chóng, trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi sự kiên nhẫn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU), ông Jean-Claude Juncker, lại tuyên bố ông muốn các đàm phán về Brexit phải “ngay lập tức được bắt đầu”.

Brexit “làm chao đảo không chỉ mối quan hệ giữa chúng tôi với EU, mà còn các nhà lãnh đạo các đảng, lãnh đạo đất nước, và những gì làm nên nước Anh” - ông Anand Menon, Giáo sư về Ngoại giao và Chính trị châu Âu thuộc trường King’s College ở London, nhận định.

Brexit đã đẩy đồng Bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 và đặt các chính đảng ở nước này vào thế khó. Thủ tướng Anh David Cameron của Đảng Bảo thủ bị coi là một nhà lãnh đạo thất bại. Trong khi đó, nội bộ Công đảng đối lập cũng đang bị chia rẽ sâu sắc khi có đến 9 quan chức cấp cao thuộc đảng này tuyên bố từ chức do bất đồng với nhà lãnh đạo đảng, ông Jeremy Corbyn, về Brexit.

(Lược dịch từ Reuters)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói