Chính quyền Tehran sau đó đã xác nhận những cuộc tấn công tên lửa nhằm vào quân đội Mỹ tại Iraq là “các biện pháp tự vệ tương xứng theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc” nhằm đáp trả cho các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Washington nhằm vào “thường dân và các sĩ quan cấp cao” của nước này, cụ thể là vụ ám sát tướng Soleimani gần Sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1 vừa qua.
Sputnik sau đó đã trích những nhận định về các kịch bản có thể xảy ra trong cuộc xung đột Mỹ-Iran từ nhà phân tích an ninh và quân sự Mark Sleboda.
Kịch bản 1: Mỹ sẽ chấp nhận làm giảm sự căng thẳng
“Cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq, nơi bính lính Mỹ đồn trú là đòn đáp trả tối thiểu. Đây chỉ là đòn dánh mang tính biểu tượng. Đây là đòn đánh mang tính chất xuống thang. Những tên lửa được Iran phóng đi không nhằm mục đích gây ra thương vong. Hiện quân đội Mỹ vẫn chưa đưa ra đánh giá về thiệt hại, nhưng có vẻ đòn tấn công của Iran không nhằm mục đích gây ra những thiệt hại đáng kể”, ông Sleboda nói.
Giới chức Washington hôm 8/1 cũng xác nhận rằng không có lính Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công, đồng thời bác bỏ tuyên bố trước đó của Iran, khi nước này cho rằng có khoảng 80 lính Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công. Phía Iraq cũng không có bất kỳ xác nhận nào về thương vong, đồng thời Thủ tướng Iraq Adel Abdhul-Mahdi cũng tiết lộ rằng chính quyền Baghdad đã được cảnh báo trước về các cuộc tấn công.
Tên lửa Iran phóng vào căn cứ Mỹ. Ảnh: Fars |
Bởi vậy ông Sleboda nhận định, các cuộc tấn công tên lửa vừa qua “chỉ giúp chính phủ Iran giữ thể diện”. Bởi trong khi các tên lửa được Iran phóng đi, nhiều tiêm kích của Mỹ vào vị trí chiến đấu, nhưng sau khi Lầu Năm Góc xác nhận không có thương vong nào trong các cuộc tấn công, thì các tiêm kích trên đã bay trở về căn cứ.
“Có vẻ như phía Mỹ chấp nhận sự xuống thang căng thẳng, dù điều này không đồng nghĩa với việc Iran không tiếp tục tấn công Mỹ. Có thể họ sẽ sử dụng những biện pháp mang tính lén lút hơn, chẳng hạn như tấn công mạng, ám sát các chính trị gia hoặc nhân vật quân đội thân Mỹ, hoặc tấn công không trực tiếp các nước đồng minh của Mỹ. Nhưng hiện nay, họ (Iran) không muốn tiến hành một cuộc chiến súng đạn”, ông Sleboda nói thêm.
Kịch bản 2: Mỹ sẽ không kích và tấn công tên lửa nhằm vào Iran
Sau cuộc tấn công của Iran bằng tên lửa đạn đạo vào các căn cứ Mỹ tại Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu về vụ tấn công. Ông Slaboda cho rằng, hiện đang có một sự mâu thuận bên trong chính quyền Trump, khi một số nhân vật theo đường lối hiếu chiến bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thúc đẩy cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran leo thang hơn. Nhưng có vẻ phía Lầu Năm Góc sẽ cố làm cho tình hình bớt căng thẳng.
B-52 được điều tới căn cứ không quân gần Iran. Ảnh: Reuters |
“Chúng ta không rõ kết quả cuối cũng sẽ ra sao, đây là lần đầu tiên một quốc gia tấn công đánh trả lại nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Có rất nhiều vấn đề cần xem xét, cách phía Washington đánh giá thiệt hại như thế nào, cũng như những tranh cãi về chính sách trong chính nội bộ Nhà Trắng, cũng như giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc”, Sputnik trích lời ông Sleboda nói.
Trong trường hợp phe hiếu chiến chiếm ưu thế trong chính quyền Washington và quyết định chiến tranh, thì các cuộc tấn công sẽ chỉ giới hạn bằng các cuộc không kích và tên lửa hành trình. Dù điều này có thể sẽ gây thiệt hại đáng kể cho chính quyền Tehran.
Kịch bản 3: Mỹ tiến hành xâm lược Iran
“Kịch bản khó xảy ra nhất sẽ là thay đổi chính tuyền tại Tehran, và điều này đồng nghĩa với việc Mỹ cần xâm lược Iran. Và Mỹ sẽ cần khoảng 500.000 tới 1 triệu binh lính nước này cũng các quốc gia đồng minh”, ông Slebola nhấn mạnh.
“Một cuộc tấn công như vậy sẽ cần có một sách lược cụ thể được Washington phác thảo ra, và cần 3-6 tháng để chuẩn bị. Dù trường hợp này rất khó có thể xảy ra, nhưng chúng ta vẫn cần phải tính tới”, ông nói thêm.
Mỹ-Iran đối đầu. Ảnh: Beltandroad |
Trong trường hợp Mỹ tiến hành chiến tranh, thì sẽ không có quốc gia nào trong khu vực lẫn cường quốc trên thế giới có thể làm tình hình bớt căng thẳng. “Các nước như Anh, Đức đã tuyên bố sẽ toàn lực hỗ trợ Mỹ sau vụ ám sát tường Iran Soleimani. Ảrập Xêút, Israel cùng các quốc gia ở vùng Vịnh có căn cứ quân sự mỹ tại đó, như Qatar, Bahrain sẽ hỗ trợ Mỹ chống lại Iran”, ông Sleboda nói.
Ngoài ra các lực lượng thân với Tehran trong khu vực Trung Đông như Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen sẽ hỗ trợ Tehran trong cuộc chiến này.
“Nga và Trung Quốc cũng sẽ có những hỗ trợ về chính trị cho Iran, nhưng hai nước này gần như sẽ cố không liên quan tới cuộc xung đột. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, Moscow có thể sẽ tăng cường sự hỗ trợ về khí tài cho Tehran. Nhưng đừng mong Nga và Trung Quốc đứng cùng phía Iran trong cuộc chiến này. Sẽ không có kịch bản cho Thế chiến Ba ở đây”, ông Sleboda kết luận.