Bài 3: Hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc trường chinh gian lao mà anh dũng, Nhân dân Hà Tĩnh không chỉ kiên cường, bất khuất trong chiến đấu mà còn nỗ lực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, chi viện cho chiến trường miền Nam, cưu mang đồng bào tập kết… Trải qua năm tháng chiến tranh với những chiến công oanh liệt, Hà Tĩnh tự hào góp phần xứng đáng vào thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc trường chinh gian lao mà anh dũng, Nhân dân Hà Tĩnh không chỉ kiên cường, bất khuất trong chiến đấu mà còn nỗ lực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, chi viện cho chiến trường miền Nam, cưu mang đồng bào tập kết… Trải qua năm tháng chiến tranh với những chiến công oanh liệt, Hà Tĩnh tự hào góp phần xứng đáng vào thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hà Tĩnh bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn: cơ sở vật chất nghèo nàn, thiên tai thường xuyên, đời sống Nhân dân thiếu thốn. Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lương thực, kết hợp phát triển chăn nuôi, cây công nghiệp và ngành nghề phụ trợ. Cùng với việc khai hoang, phục hóa, xây dựng thủy lợi, áp dụng kỹ thuật mới, sản lượng lúa năm 1957 đạt hơn 114.000 tấn, chăn nuôi, nghề rừng và đánh bắt thủy sản phát triển mạnh, góp phần cải thiện đời sống và tạo nguồn lực chi viện cho chiến trường.

Núi Nài năm 1976. Ảnh tư liệu của nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ

Đến năm 1960, toàn tỉnh có hơn 2.200 HTX nông nghiệp với nhiều mô hình lớn, đa dạng ngành nghề. Phong trào thi đua sản xuất như “Chiến dịch An Khê”, “Học tập Đại Phong”, “Phá xiềng 3 sào”… lan tỏa, cổ vũ tinh thần hăng say lao động. Đến năm 1964, Hà Tĩnh khai hoang thêm 11.000 ha ruộng, năng suất lúa có nơi đạt 30 tạ/ha, sản lượng cây trồng, chăn nuôi tăng vượt bậc. Các địa phương không ngừng thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, dồn sức phục vụ tiền tuyến; nhiều HTX trở thành điển hình.

Ông Trần Xuân Bính (SN 1936) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Trạch (Hương Khê) bồi hồi nhớ lại thời điểm làm Chủ nhiệm HTX Tân Dừa (xã Hương Phúc cũ). Ông Bính kể: “Mặc dù tuyến đường 15A qua địa bàn bị địch đánh phá ác liệt, người dân vẫn kiên trì bám đồng, bám ruộng sản xuất với tinh thần “tay súng, tay cày”. Tân Dừa là HTX ở vùng giáo toàn tòng, với nhiều lĩnh vực ngành nghề như: khai thác, chế biến lâm sản, xây dựng, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi tằm… Trong đó, nghề nuôi tằm đạt được những kết quả nổi bật với sáng kiến nuôi tằm ăn lá sắn bằng giống tằm Nhật Bản với hàng tạ kén mỗi vụ. Nhờ tiết giảm tối đa chi phí nên lợi nhuận đạt cao. Nhiều năm liền, đơn vị được vinh danh là HTX vùng giáo tiêu biểu của tỉnh và là một trong 3 HTX đại diện cho Hà Tĩnh tham dự Đại hội HTX tiêu biểu toàn miền Bắc năm 1964”.

Thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch (Hương Khê) ngày nay.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, mở đầu cho “cuộc chiến tranh phá hoại”, Hà Tĩnh trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam. Trong khói lửa chiến tranh, Nhân dân Hà Tĩnh đã kiên cường thực hiện 2 nhiệm vụ song song: chiến đấu bảo vệ địa bàn, giữ vững mạch máu giao thông và tăng gia sản xuất phục vụ chiến trường.

Bức ảnh “Vừa sản xuất vừa chiến đấu” của Nhân dân Hà Tĩnh do nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện thực hiện trong giai đoạn 1965-1972.

TỪ NĂM 1965-1968, HUYỆN CAN LỘC ĐIỀU ĐỘNG 3.288 THANH NIÊN LÊN ĐƯỜNG NHẬP NGŨ, 1.886 THANH NIÊN THAM GIA LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG.

Điển hình trong giai đoạn 1965-1972 phải kể đến Can Lộc - địa phương bị đánh phá ác liệt nhất, đặc biệt trên các trục giao thông như quốc lộ 1, quốc lộ 15A, nhất là tại Ngã ba Đồng Lộc. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Nhân dân Can Lộc đã kiên cường bám đất, bám ruộng, đảm bảo lương thực nuôi quân. Từ năm 1965-1968, huyện Can Lộc điều động 3.288 thanh niên lên đường nhập ngũ, 1.886 thanh niên tham gia lực lượng TNXP (trong đó 1.412 nữ); những người ở lại quê hương, tay súng tay cày sản xuất ra được một lượng lương thực không hề nhỏ. Trong 4 năm, Nhân dân Can Lộc đã dành 26.477 tấn lương thực cung cấp cho Nhà nước để chi viện cho chiến trường. Ngoài ra, các gia đình còn hăng hái hưởng ứng phong trào “hũ gạo tiết kiệm chống Mỹ” để sẵn sàng cung ứng cho các nhu cầu đột xuất.

Bà Đặng Thị Phương (SN 1949), nguyên thành viên Ban Quản trị HTX Quyết Tiến (xã Thiên Lộc) hồi tưởng: “Với ý chí quyết tâm, mỗi thành viên HTX đều nêu cao tinh thần “giặc phá đâu, ta xây lại ở đó. Kiên cường trong bom đạn, việc sản xuất của HTX không bị gián đoạn, sản lượng lương thực tăng lên từng vụ, từng năm”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, bà Đặng Thị Phương (nguyên thành viên Ban Quản trị HTX Quyết Tiến) luôn đảm đang việc nhà, việc xã, là hậu phương vững chắc cho chồng là ông Đặng Quang Hạnh yên tâm nơi chiến trận.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN 1968, HÀ TĨNH HUY ĐỘNG ĐỘT XUẤT 5.000 TẤN GẠO, 1.000 TẤN THỊT LỢN, 300 TẤN NHU YẾU PHẨM CHI VIỆN CHIẾN TRƯỜNG TRỊ THIÊN.

Với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”, Nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Riêng năm 1967, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Hà Tĩnh huy động đột xuất 5.000 tấn gạo, 1.000 tấn thịt lợn, 300 tấn nhu yếu phẩm chi viện chiến trường Trị Thiên. Từ năm 1969- 1975, Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều đột phá về sản xuất. Năm 1971, sản lượng lương thực đạt 191.371 tấn, bình quân đầu người 220 kg/năm; năm 1972, tăng lên 210.809 tấn, nhiều HTX đạt năng suất lúa 5-7 tấn/ha. Hà Tĩnh không chỉ đảm bảo tự túc lương thực mà còn đóng góp đáng kể cho Nhà nước và chiến trường miền Nam.

Nữ y tá Trần Thị Sâm đang băng bó vết thương cho viên phi công Mỹ - Thiếu tá Obri Nicon, sáng 19/5/1972. Ảnh tư liệu của nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện.

Song song với phát triển kinh tế, Hà Tĩnh cũng là điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chiến sỹ. Giai đoạn 1965-1975, ngành Y tế Hà Tĩnh trở thành ngọn cờ đầu cả nước với tinh thần “đầu đội mũ rơm, vai mang túi thuốc”, sẵn sàng có mặt ở các ụ pháo, làng xã để cứu chữa thương binh và Nhân dân bị trúng bom đạn. Bà Trần Thị Minh (SN 1946), nguyên cán bộ Trạm Y tế xã Hồng Lộc, kể: “Thời điểm những năm 1968, có ngày chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca bộ đội, dân quân, người dân bị thương do bom đạn. Nhờ sự hỗ trợ từ tuyến huyện, trạm y tế xã đã trực tiếp mổ cấp cứu, kết hợp đông - tây y để điều trị, đồng thời trạm cũng tiếp nhận điều trị, chăm sóc thương binh từ các chiến trường về an dưỡng tại địa phương”.

Ngoài công tác điều trị tại chỗ, ngành Y tế Hà Tĩnh còn thành công trong điều chế sản xuất thuốc. Trong đó, vào năm 1967, sau khi Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tĩnh (nay là Công ty CP Dược Hà Tĩnh) được thành lập, đã sản xuất ra nhiều loại thuốc giá trị phục vụ cho việc cứu, chữa bệnh.

Ông Đặng Đình Chỉ - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Lúc đó, Hà Tĩnh đã sản xuất được số lượng lớn các loại kháng sinh quan trọng như: Tê-ra-xi-lin, Clo-ro-xit; các loại thuốc tiêm chống dị ứng, chống sốc; các loại vitamin… Đặc biệt, bằng nguồn dược liệu thuốc nam được trồng rộng rãi và thu hoạch từ tự nhiên, ngành dược đã điều chế nhiều loại thuốc viên phục vụ việc cứu chữa bệnh, Hà Tĩnh cũng sản xuất được bông, gạc y tế đảm bảo… Với nguồn dược, thiết bị y tế sản xuất được, ngành Dược Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng đủ cho công tác cứu chữa bệnh trên địa bàn tỉnh mà còn dư để gửi vào chiến trường miền Nam”.

Video: Ông Đặng Đình Chỉ - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nói về công tác phục vụ chiến sỹ, Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, nhiều đồng bào từ các tỉnh như: Quảng Trị, Quảng Bình, Huế... đã ra Bắc tập kết. Như nhiều tỉnh, thành miền Bắc khác, Nhân dân Hà Tĩnh đã mở rộng vòng tay đùm bọc, chia sẻ từng bát cơm, manh áo với những người con từ miền Nam ruột thịt.​

TỪ CÁC NĂM 1970-1971, HÀ TĨNH ĐÃ XÂY DỰNG HƠN 500 NGÔI NHÀ, MUA THUYỀN CHÀI, NGƯ CỤ, SẮP XẾP VIỆC LÀM CHO HƠN 10.000 NGƯỜI DÂN VĨNH LINH (QUẢNG TRỊ) VÀ TỈNH QUẢNG BÌNH RA SƠ TÁN, TẬP KẾT ĐỂ TRÁNH CHIẾN SỰ Ở ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO.

Từ năm 1954-1975, Hà Tĩnh đã đón hàng chục nghìn người dân từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… ra sơ tán. Đặc biệt, năm 1967, đã có 4.000 nhân khẩu đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) sơ tán ra Hà Tĩnh, được bố trí ruộng đất, trâu bò, nhà cửa để ổn định cuộc sống tại các địa phương như: Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ… Từ năm 1970-1971, Hà Tĩnh đã xây dựng hơn 500 ngôi nhà, mua thuyền chài, ngư cụ, sắp xếp việc làm cho hơn 10.000 người dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) và tỉnh Quảng Bình ra sơ tán, tập kết để tránh chiến sự ở đường 9 - Nam Lào. Không chỉ cưu mang đồng bào tập kết, Hà Tĩnh còn là nơi an dưỡng của hàng nghìn thương binh trở về từ các mặt trận. Các trại điều dưỡng tại Nghi Xuân, Kỳ Anh, Đức Thọ… không chỉ chữa lành vết thương bom đạn mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần cho người lính.

“Người dân Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… một thời vì bom đạn tập kết ra Hà Tĩnh luôn biết ơn sự cưu mang đùm bọc của cán bộ và bà con ở đây. Hà Tĩnh chính là hậu phương thân thương của chiến trường miền Nam, là quê hương thứ hai của những người con tập kết” - ông Phan Văn Thiết (SN 1926, nguyên quán xã Phú Đà, huyện Phú Vang, TP Huế; hiện sống tại phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) xúc động chia sẻ.

Ông Phan Văn Thiết (SN 1926) nguyên quán TP Huế tập kết ra Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ hiện sống cùng con trai là anh Phan Hùng tại phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh

DÙ CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN CÒN KHÓ KHĂN, THIẾU THỐN NHƯNG HỌ ĐÃ DÀNH TẤT CẢ NHỮNG GÌ QUÝ NHẤT, NGON NHẤT CHO BỘ ĐỘI. AI CŨNG MONG ĐƯỢC ĐƯA BỘ ĐỘI VỀ NHÀ MÌNH ĐỂ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG.
..................................

ÔNG PHAN VĂN THIẾT

Năm 1954, sau nhiều trận đánh ở chiến trường Huế, Quảng Trị, ông Thiết cùng đơn vị C7, D2, E269 tập kết ra Hà Tĩnh tại xã Xuân Hải (Nghi Xuân). Tại đây, ông cùng đồng đội của mình được Nhân dân đón tiếp nồng hậu. Ông kể: “Lúc đó, Nhân dân Hà Tĩnh nghe nói có bộ đội tập kết an dưỡng thì không quản gì, dù cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đã dành tất cả những gì quý nhất, ngon nhất cho bộ đội. Ai cũng mong được đưa bộ đội về nhà mình để chăm sóc, nuôi dưỡng. Tấm ân tình đó là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với những chiến sỹ từ miền Nam ra tập kết như tôi”.

Cũng vì những ân tình đó, ông Thiết đã ở lại gắn bó với quê hương Hà Tĩnh. Những năm 1962-1970, ông cùng đơn vị đóng quân ở xã Hương Trà (Hương Khê) trở thành lực lượng vừa sản xuất vừa chiến đấu tại Nông trường 20/4. Ông cũng là người cùng đơn vị và các lực lượng bắn rơi máy bay Mỹ bắt sống nhiều giặc lái vào năm 1965 tại Nông trường 20/4. Sau năm 1970, ông về hưu và tiếp tục tham gia HTX xây dựng kiến thiết thị xã Hà Tĩnh, hòa mình vào sự phát triển của trung tâm tỉnh lỵ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh đã có hàng vạn người lính nhập ngũ, trong đó 13.024 người con đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, hàng ngàn người khác hy sinh một phần xương máu cho đất nước. Kiên cường ở hậu phương, có biết bao người vợ, người mẹ vừa gồng mình lao động sản xuất, chăm lo gia đình, vừa âm thầm dõi theo người thân nơi tiền tuyến. Kể sao hết những câu chuyện xúc động về những người mẹ Việt Nam anh hùng “3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ” như: mẹ Trần Thị Diệu (SN 1922, ở thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà), mẹ Trần Thị Huyến (SN 1938, ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh), mẹ Trần Thị Thanh (SN 1928, ở xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn), mẹ Võ Thị Ngoéc (SN 1916, ở xã An Dũng, Đức Thọ)…

Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ngoéc và con trai là ông Nguyễn Thanh Suyền - nguyên cán bộ Trung đoàn 266 - Sư Đoàn 341.

Ông Nguyễn Thanh Suyền - nguyên cán bộ Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 là một trong 3 người con trai ra chiến trường chiến đấu của Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ngoéc kể: “Mẹ tôi có 6 người con (4 trai, 2 gái), tôi cùng anh trai cả và em trai thứ 5 đều ra chiến trường. Anh trai tôi là liệt sỹ Nguyễn Tửu Hồng (SN 1949), hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1973. Em tôi là liệt sỹ Nguyễn Tửu Thiềm (SN 1964), hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1984. Một trong những kỷ niệm về mẹ mỗi khi nhắc lại tôi vẫn nhói lòng là vào tháng 12/1974, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi nhận được giấy báo tử của anh trai thì tôi lên đường nhập ngũ. Không khí gia đình vẫn đang chìm trong đau thương nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bố mẹ vẫn nuốt nước mắt động viên tôi lên đường chiến đấu. Những ngày gian khổ giữa chiến trường ác liệt, chính gia đình, quê hương, người mẹ, người thân là bến đợi, nguồn sức mạnh cực kỳ lớn lao cổ vũ chúng tôi trên mỗi chiến hào”…

Bà Nguyễn Thị Hiều (SN 1942, ở xã Hồng Lộc) và bà Thái Thị Điều (SN 1941, ở xã Thuần Thiện) đều là vợ liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ (nguyên cán bộ Hội LHPN Can Lộc) gặp lại nhau sau nhiều năm mất liên lạc.

Trong chuyến trở về nguồn, chúng tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Hiều (SN 1942, ở xã Hồng Lộc) - vợ liệt sỹ Trần Trọng Vường và bà Thái Thị Điều (SN 1941, ở xã Thuần Thiện, Can Lộc) - vợ liệt sỹ Phạm Văn Hiêu. Cả 2 bà đều nguyên là cán bộ Hội LHPN huyện Can Lộc những năm kháng chiến chống Mỹ, đều có chồng ra trận và hy sinh. Vượt lên nỗi mất mát đau thương, họ đều nỗ lực cống hiến cho công tác xã hội. Bà Nguyễn Thị Hiều chia sẻ: “Chồng tôi hy sinh năm 1966 nhưng đến năm 1976, tôi mới nhận được giấy báo tử. Trong quãng thời gian anh ra trận, tôi một lòng ngóng đợi, cùng chị em tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương, trong đó có “Phong trào 3 đảm đang”. Đất nước hòa bình, thống nhất, gia đình tôi chịu nỗi đau to lớn khi chồng tôi mãi mãi nằm lại trên chiến trường. Nén chặt nỗi đau, tôi tiếp tục nỗ lực xây dựng cuộc sống, tham gia các hoạt động cộng đồng, góp sức vào sự phát triển của quê hương”.

Trong các giai đoạn lịch sử, tinh thần cách mạng và khí phách của người Hà Tĩnh luôn tỏa sáng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Ảnh: Đình Nhất

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Hà Tĩnh đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết, quyết tâm, kiên cường và quả cảm; là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn. Lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao cả; sự kiên trung, bất khuất trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo, tự lập, tự cường trong lao động, sản xuất; thủy chung, nghĩa tình trong cuộc sống - những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp đó đã được Hà Tĩnh tiếp nối, phát huy trên hành trình xây dựng quê hương, đất nước ngày một mạnh giàu.

NHÓM P.V.

Bài 1: Thành trì vững chắc từ thế trận chiến tranh nhân dân

Chiến tranh nhân dân là một di sản quý báu của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thế trận chiến tranh được Hà Tĩnh triển khai linh hoạt, hiệu quả, giúp địa phương thực hiện tốt vai trò là hậu phương của tiền tuyến miền Nam và tiền tuyến của hậu phương miền Bắc.

Bài 2: Kiên cường giữ vững mạch máu giao thông

Với vị trí yết hầu, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá, hủy diệt của máy bay Mỹ. Song, những cây cầu bị bom đánh sập lại được dựng lên, những con đường hư hỏng được khôi phục để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói