Bản tình ca xanh đi cùng năm tháng

(Baohatinh.vn) - Đã hơn 5 thập kỷ trôi qua nhưng kỷ niệm về 55 ngày đêm trên công trường thủy lợi sông Nghèn vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm thế hệ thanh niên Hà Tĩnh thời ấy. Một thời “tay cuốc, tay ven, hàng vạn thanh niên Nghệ Tĩnh đã làm nên một kỳ tích lịch sử: Đào kênh sông Nghèn. Những hành động cao cả của tuổi trẻ đã hóa thành bản tình ca xanh đi cùng năm tháng.

Gặp lại vị “chỉ huy trưởng”

Ông Lê Quang Úy năm nay đã bước vào tuổi 80 nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất mẫn tiệp. Từ trước tới nay nhiều người biết về ông là một giám đốc năng động đi đầu trong thời kỳ đổi mới, xây dựng nên Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan, nhưng chắc hẳn nhiều người chưa biết đến ông Úy thời trẻ đã làm chỉ huy công trình thủy lợi sông Nghèn.

Bản tình ca xanh đi cùng năm tháng

Ông Lê Quang Úy chia sẻ về những ngày lăn lộn trên công trường thủy lợi sông Nghèn.

Ngồi đối diện cùng ông, được nghe ông vẽ lại bức tranh xanh, hát lại bài ca xanh bằng giọng trầm hùng, tôi như được hòa mình vào quá khứ gian khổ và hào hùng những năm tháng ấy.

Năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Một tỉnh lớn, đất rộng, người đông, khó khăn chồng chất, nhưng với tinh thần “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang san” cả tỉnh xốc lại hành trang bước vào trận tuyến mới. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh đề ra lúc này là sản xuất 80 vạn tấn lương thực. Để đạt được mục tiêu lớn đó, cuộc cách mạng về thủy lợi phải đi trước một bước. 3 công trình thủy lợi được “khai hỏa”: đại thủy nông Kẻ Gỗ, công trình thủy lợi Vách Bắc (Nghệ An) và công trình thủy lợi sông Nghèn.

Đối với công trình thủy lợi sông Nghèn, ban đầu có một số ý kiến nên xây cống Đò Điểm, vừa ngăn mặn, vừa giữ ngọt, nhưng sau khi tính toán lại phương án này không khả thi vì nếu lũ quét từ dãy núi Trà Sơn (Can Lộc) tràn xuống thì công xây cống Đò Điểm chẳng khác gì “dã tràng xe cát”.

Tại một cuộc họp của BTV Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, phương án hay nhất là đào một con kênh dài 18 km chảy từ Cơn Bạng (Thượng Lộc) qua Đồng Lộc, Trung Lộc… qua cầu Nga (Thạch Hà) đổ xuống Voọc Sim. Nếu thành công, con kênh mới này sẽ có nhiều tác dụng hữu ích vừa ngăn mặn, giữ ngọt, vừa tránh được lũ, cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất sản xuất trên địa bàn huyện Can Lộc, Thạch Hà.

“Muốn tạo được sức mạnh nội lực, bằng phương châm tự lực cánh sinh, Đảng phải biết dựa vào sức mạnh tuổi trẻ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm sâu vào tuổi trẻ trong chiến tranh, lẽ nào trong công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng quê hương, thanh niên Nghệ Tĩnh lại không mang trong mình dòng máu ấy. Chúng ta phải tin tưởng họ và giao sứ mệnh mới này cho họ” - ông Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu như vậy trong phiên họp này. Đấy là quan điểm đúng, bởi ông Đạt là cán bộ lãnh đạo đã dày dạn kinh nghiệm và sát cánh cùng thanh niên qua chiến tranh. Cách làm này được cả tập thể BTV Tỉnh ủy đồng ý và giao cho đồng chí Trần Quang Đạt làm “sư quân” của công trình.

Vào ngày 5/1/1977, đồng chí Trần Quang Đạt đã có buổi làm việc với Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn. Tại cuộc họp quan trọng này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phổ biến rõ chủ trương của Tỉnh ủy, giao nhiệm cho Đoàn Thanh niên đảm nhận xây dựng công trình thủy lợi sông Nghèn.Ông Lê Quang Úy nhớ lại, hồi ấy ông vừa mới chân ướt chân ráo về nhận công tác ở Tỉnh đoàn chưa đầy 4 tháng đã được ông Trần Thanh giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Tình nguyện xây dựng quê hương. Sự tín nhiệm của Bí thư Tỉnh đoàn là có cơ sở, bởi Lê Quang Úy là một kỹ sư giỏi, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, đã từng có sáng kiến “bắc cầu phao dã chiến” cho xe vượt sông trong chiến tranh.

Bản tình ca xanh đi cùng năm tháng

Sông Nghèn đoạn chảy qua tổ dân phố 8, thị trấn Nghèn, Can Lộc

Khi nhận được quyết định này, chàng trai Lê Quang Úy rạo rực niềm tự hào, anh như nghe vẳng vẳng lời Bác Hồ vọng bên tai “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Lê Quang Úy rất tự tin ở chính mình và sức mạnh tuổi trẻ sẽ đi đến đích thành công.

Nhưng muốn thành công, mọi mục tiêu hành động đều phải khoa học từ mạng lưới tổ chức, bài trí thi công, kỹ thuật và năng suất, hiệu quả. Lúc này nếu không có trí tuệ cao và sự đam mê, nhiệt huyết thì sẽ gặp nhiều trở ngại vì tiến độ thời gian đang như vó ngựa thúc sau lưng. Ấy vậy mà, chỉ sau một tuần lễ đối diện với trang giấy và ngọn đèn, Lê Quang Úy đã hoàn thành đề án của mình.

Tại cuộc hội nghị đặc biệt của Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, Lê Quang Úy đã trình bày cụ thể nội dung công việc thanh niên Nghệ Tĩnh tham gia tình nguyện xây dựng công trình thủy lợi sông Nghèn. Trong đề án nêu rõ “Số người huy động là 10 vạn thanh niên. Mỗi huyện thành lập một tổng đội thanh niên xung phong, do bí thư huyện đoàn làm tổng đội trưởng. Với phương châm tự lực cánh sinh, mỗi ĐVTN mang theo 5 kg gạo, 1 kg gừng khô, 2 kg rau má, 2 con gà và 1 cái tranh kè để làm lán”.

Sau cuộc họp, các huyện từ miền núi tới miền xuôi đôn đáo huy động nhân lực. Với tinh thần tiến công mãnh liệt, không một thanh niên nào dám thờ ơ và bỏ cuộc trong dòng thác “người đi như trẩy hội”. Tinh thần đồng cam, cộng khổ đã lan tỏa vào mọi gia đình, mọi miền quê. Ai cũng muốn chia sẻ cùng con cháu mình lên đường, vào cuộc cách mạng tiến công “xóa đói, giảm nghèo” do tỉnh Nghệ Tĩnh phát động.

Ông Lê Quang Úy tâm sự: “Lúc ấy, không chỉ có Tỉnh đoàn mà các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đều cuốn hút theo việc tuyển quân, việc xây dựng lán trại, cố gắng hoàn thành trong tháng 2/1977 để bước sang tháng 3/1977 có đủ lực lượng và cơ sở vật chất cho hàng vạn thanh niên ăn ngủ và sinh hoạt trên công trường”.

Trên công trường rộn tiếng ca

Bãi Dịa (xã Xuân Lộc, Can Lộc) đã trở thành một “đại bản doanh” của tuổi trẻ Nghệ Tĩnh tham gia công trình thủy lợi sông Nghèn hồi ấy. Tại đây đã hình thành đầy đủ lực lượng an ninh, bộ phận chăm sóc sức khỏe, khu thể dục, thể thao… để chuẩn bị cho thi công.

Đúng vào 8h sáng ngày 26/3/1977, lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi sông Nghèn bắt đầu. Một ngày đẹp trời, Bãi Dịa tràn ngập nắng xuân và ngợp trong rừng người, rừng cờ với tiếng ca hùng tráng.

Bản tình ca xanh đi cùng năm tháng

Niềm vui của người dân thôn Đông Mỹ (xã Vượng Lộc, Can Lộc) khi thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất lần 3.

Sau bài diễn văn quan trọng của đồng chí Trần Thanh, đại diện cho thế hệ trẻ với lời hứa quyết tâm sắt đá, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trương Kiện - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Chương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quang Đạt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhát cuốc đầu tiên mở màn cho chiến dịch.

Ở đâu có các chàng trai, cô gái tay cuốc, tay ven đào đất, gánh đất… ở đấy đều có loa đài và hạt nhân văn nghệ theo sát. Những bài ca, bài thơ, tiếng đàn, tiếng sáo cứ râm ran trong trái tim người. Nắm bắt được tâm lý tuổi trẻ khi món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày, Tỉnh đoàn đã mời các nhạc sĩ về cùng ăn, cùng ở với những thanh niên tình nguyện tham gia công trình thủy lợi sông Nghèn. Và bài ca “Câu hò trên những dòng kênh” của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp đã sớm ra đời và trình diễn trên công trường trong thời điểm đỉnh cao chiến dịch: “Người đi đâu mà như trẩy hội/ Người về đâu mà như dòng nước lên/ Có phải người về trên đồi núi/ Đào dòng kênh ngăn nước Trà Sơn”.

Những con người đó là hàng vạn thanh niên Nghệ Tĩnh, với khí thế dời non lấp biển trong 55 ngày đêm đã làm nên kỳ tích sông Nghèn. Đó là thành quả của sức mạnh làm chủ tập thể và sức mạnh của lòng yêu quê hương, đất nước. Không phải ngẫu nhiên, mỗi thanh niên giao khoán năng suất mỗi ngày 0,8 m3 đất, trong chiến dịch thần tốc này đã xuất hiện hơn 500 kiện tướng vượt gấp 3 lần so với định mức.

Bản tình ca xanh đi cùng năm tháng

Những cánh đồng ở Can Lộc tươi xanh nhờ nguồn nước từ kênh thủy lợi sông Nghèn.

Ngày 19/5/1977, con kênh xanh từ lời ca tiếng hát của hàng vạn thanh niên đã trở thành con kênh hiện thực của công trình thủy lợi sông Nghèn. Với chiều dài 18 km được dẫn nguồn từ Cơn Bạng tới Voọc Sim, cho lúa khoai thêm xanh, cho cánh đồng làng Can Lộc và Thạch Hà thêm tươi thắm.

Tại cuộc gặp gỡ đại biểu thanh niên ưu tú cả nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, 500 kiện tướng xuất sắc trong phong trào làm thủy lợi sông Nghèn đã vinh dự tham gia cuộc hội ngộ này. Các kiện tướng đều được cài lên ngực áo mình một bông hoa hồng đỏ thắm và chiếc huy hiệu “Tuổi trẻ vì sự nghiệp xây dựng quê hương”.

Trong buổi gặp hôm ấy, đồng chí Tố Hữu - Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đã nhiệt liệt biểu dương tinh thần tự lực, tự cường và ý chí tiến công của thanh niên Nghệ Tĩnh. Đồng chí Tố Hữu xúc động nói: “Từ lâu tôi đã gặp hình bóng các đồng chí trong bản nhạc dòng kênh xanh, tôi đã thấm được mùi hương của đất, mùi hương của cây từ tay cuốc tay ven của các đồng chí. Bây giờ gặp đích thực các đồng chí ở đây, tôi tin rằng bàn tay tuổi trẻ làm thêm hương lúa quê nhà”.

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trẩy hội ngày xuân

Trẩy hội ngày xuân

Khi những cánh mai, đào dần phai, mùi trầm hương đã vãn, là lúc tiếng trống mùa lễ hội vang lên trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh. Trong sắc xuân mới, các nẻo đường lại rộn rã, náo nức bước chân của người dân tứ xứ về trẩy hội.
“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

Mỗi khi nghe nhạc phẩm “Lá xanh” trong tôi lại rạo rực, bồi hồi. Bài hát là bản tình ca về những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Danh thắng chùa Hang khai hội xuân Ất Tỵ

Danh thắng chùa Hang khai hội xuân Ất Tỵ

Lễ hội xuân Ất Tỵ năm 2025 tại chùa Hang (TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) cầu cho quốc thái dân an và là dịp tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.
Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Lễ hội đền Linh Nha (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân.
Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.
Du khách nô nức khai hội chùa Hương ở Hà Tĩnh

Du khách nô nức khai hội chùa Hương ở Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã đánh hồi trống khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025. Đây là dịp để quảng bá hình ảnh, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh, giúp kích cầu, phát triển du lịch.
Khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025

Khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025

Lễ khai hội chùa Hương Tích nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế của khu di tích danh thắng quốc gia đến với bạn bè, du khách trong nước, quốc tế và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống văn hóa, con người quê hương Hà Tĩnh.
Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Phát huy kết quả trong năm 2024, từ đầu xuân Ất Tỵ 2025, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khởi động một cách tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm thu hút du khách.
Sẵn sàng khai hội chùa Hương Tích

Sẵn sàng khai hội chùa Hương Tích

Lễ hội chùa Hương Tích 2025 chính thức khai hội vào ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.
Cho ngày "lên lão" muôn phần vui tươi

Cho ngày "lên lão" muôn phần vui tươi

Lễ mừng thọ người cao tuổi ở Hà Tĩnh dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2024 đã được các cấp chính quyền và gia đình tổ chức một cách văn minh, tiết kiệm nhưng rất trang trọng, vui tươi, ý nghĩa.
Thiên Cầm hút khách đầu xuân Ất Tỵ

Thiên Cầm hút khách đầu xuân Ất Tỵ

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đón khoảng 22.000 lượt khách tham quan, vãn cảnh; trong đó có hơn 5.000 lượt khách lưu trú...
Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.