Bảo hiểm y tế - Tấm thẻ an sinh cho người dân

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 93,5% dân số có thẻ BHYT, tương đương với hơn 1.168.000 người tham gia, từng bước tiến đến BHYT toàn dân.

Đồng hành, sát cánh với ngành BHXH trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân là ngành y tế. Hằng năm, tại Hà Tĩnh có hàng nghìn lượt người khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, được chi trả hàng trăm tỉ đồng.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 803.188 lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 44.630 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền đề nghị thanh toán là 670,15 tỷ đồng, tăng 106,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

z5550976776149_e425c31778f7c69f06577efbd7a7ebca.jpg
Nhân viên BHXH huyện Vũ Quang phối hợp tuyên truyền BHYT ở xã Thọ Điền.

Ông Trần Nam Quốc – Phó Trưởng phòng Truyền thông BHXH tỉnh cho biết: “Việc người dân tham gia BHYT là một hình thức tiết kiệm, nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi bị ốm đau, bệnh tật, nhất là khi không may mắc bệnh hiểm nghèo. Tham gia BHYT, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Hằng năm, tại Hà Tĩnh, quỹ BHYT đều chi trả hàng trăm tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó, rất nhiều trường hợp được chi trả hàng chục, hàng trăm triệu đồng, một số được chi trả lên đến tiền tỉ”.

Với chính sách ngày càng hoàn thiện, người tham gia được mở rộng quyền lợi hưởng BHYT ở cả phạm vi và mức hưởng. Cùng đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng được cải thiện, người dân phấn khởi khi được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao. Đặc biệt, ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận...

Bà Nguyễn Thị Nga ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi mắc bệnh tim đã nhiều năm, chi phí mỗi lần khám chữa bệnh khá lớn. Tham gia BHYT, tôi đã được hỗ trợ rất nhiều. Đặc biệt, tôi rất phấn khởi khi càng ngày, tôi càng được hưởng thêm nhiều dịch vụ tốt hơn khi đi khám và có thêm nhiều loại thuốc mới, hiệu quả cao hơn trong điều trị”.

1.jpg
Đến tận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT là cách làm hiệu quả của BHXH tỉnh trong thời gian qua.

Ngoài các chi phí về thuốc, nếu không tham gia BHYT, người bệnh sẽ không được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó, rất nhiều trường hợp đã phải ngậm ngùi tiếc nuối khi phẫu thuật với những thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim…

Anh Dương Kim Yên (SN 1989, ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vì căn bệnh viêm ruột thừa là một trong những trường hợp như thế. Anh Yên chia sẻ: “Từ trước tới nay, tôi luôn chủ quan, không tham gia BHYT vì nghĩ rằng mình còn khoẻ. Tuy nhiên, vừa rồi, tôi bị viêm ruột thừa, chi phí phẫu thuật, điều trị hơn chục triệu đồng. Các bác sỹ cho biết, nếu tôi có thẻ BHYT thì sẽ được quỹ BHYT chi trả. Tôi cảm thấy tiếc nuối, nếu tham gia BHYT thì đã giảm bớt gánh nặng cho kinh tế gia đình - vốn đã nhiều khó khăn. Sau đợt điều trị này, tôi sẽ đăng ký tham gia BHYT cho tôi và các thành viên khác trong gia đình”.

z5549752971956_eb7449727431d684ffcb0a14977017b6.jpg
Anh Dương Kim Yên trong những ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Từ nhiều năm nay, BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "bùa hộ mệnh" không thể thiếu, nhiều người từ chỗ được vận động tham gia đã chủ động tái tục. Để củng cố niềm tin của Nhân dân, BHXH tỉnh cũng tăng cường phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về BHYT. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức 1 cuộc kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Phối hợp với Sở Y tế Hà Tĩnh tổ chức hội nghị giao ban liên ngành nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh…

BHYT là một trong các chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, phản ánh ý nghĩa nhân đạo và tính cộng đồng cao. Với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, tỷ lệ bao phủ BHYT hằng năm đều tăng. Đến nay, với 93,5%, chúng tôi đang từng bước tiến đến gần hơn với mục tiêu đạt 95% người tham gia vào năm 2025 mà ngành đặt ra. Hiện nay, vẫn có một bộ phận người dân chưa nắm được đầy đủ các lợi ích khi tham gia BHYT, chính vì thế, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm làm cho Nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu về các chính sách, pháp luật BHYT, chủ động tham gia, chủ động tái tục thẻ BHYT.

Bà Trương Thị Tuyết - Trưởng phòng Truyền thông BHXH tỉnh

Chủ đề Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.