Chiều nay (23/9), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó bão số 5 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và tiểu ban Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cùng dự. |
Báo cáo của Ban Chỉ ủy (BCH) PCTT&TKCN tỉnh, bão số 5 là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, hướng di chuyển ổn định, gây gió mạnh trên phạm vi rộng (từ ven biển Hà Tĩnh đến vùng biển Đà Nẵng), mưa tập trung trong thời gian ngắn.
Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Ngô Đức Hợi báo cáo về thiệt hại do bão số 5 gây ra cho Hà Tĩnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên trong đêm 17/9 đến sáng sớm ngày 19/9, toàn tỉnh ta có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa tính từ 19h ngày 17/9 đến 7h ngày 19/9 phổ biến 100 - 300mm, có nơi trên 300mm. Trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 4 - 5, giật cấp 6 - 7, riêng khu vực ven biển có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, cấp 9.
Do mưa lớn nên nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả lũ lúc 17giờ 30 ngày 18/9, thời điểm xả cao nhất 1041m3/s và đóng tràn vào ngày 19/9.
Nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.
Để ứng phó với bão số 5, UBND tỉnh và BCH PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 5, hoàn lưu sau bão và ban hành lệnh cấm biển kể từ 16h ngày 17/9.
Các ngành chức năng đã chủ động kêu gọi 3.688 phương tiện với 15.655 lao động, neo đậu an toàn tại các khu neo đậu, bến, bãi trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trước khi bão vào đất liền không để xảy ra thiệt hại.
Cột viễn thông ở Lộc Hà đổ gãy do mưa to gió lớn trong bão số 5.
Mặc dù không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5 nhưng do ảnh hưởng mưa lớn của hoàn lưu do bão và lốc xoáy đã gây ra một số thiệt hại cho các địa phương. Cụ thể, có 1 người tử vong là anh Nguyễn Tuấn H., SN 1993, trú thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, do điều khiển xe máy qua tràn kết hợp đường dân sinh ở xã Sơn Giang lúc nước đang chảy mạnh nên bị nước cuốn trôi. Vị trí này có cắm biển nước chảy xiết cấm người qua lại.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam: Ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai bão lũ thì ý thức phòng ngừa của người dân là rất quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.
Có 266 nhà dân bị thiệt hại tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà; 158 ha cây trồng lâu năm cam, bưởi, tràm; 220 ha diện tích cây trồng hàng năm; 9ha diện tích rừng trồng và 285 cây xanh bóng mát đô thị bị đổ gãy.
Về cơ sở hạ tầng, gãy đổ 10 cột điện hạ thế, 100 mét đường dây điện bị đứt; 2 cột ăng-ten viễn thông vinaphone bị đổ gãy, 4 cầu dân sinh bị cuốn trôi, 1 trường bị sập mái và một số hạ tầng khác về giao thông, thủy lợi tại các địa phương bị xói lở, hư hỏng.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Dự báo từ nay đến hết mùa mưa bão, Hà Tĩnh có khả năng ảnh hưởng 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và lũ trên các sông. Các đợt lũ khả năng ảnh hưởng trong khoảng từ tuần 2 tháng 10 đến hết tháng 11. Cần đặc biệt đề phòng lũ bất thường trong thời gian ngắn.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị sớm giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, thực hiện công tác vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu chính.
Theo BCH PCTT&TKCN tỉnh, sự quan tâm của một số cấp chính quyền và người dân đối với giai đoạn phòng ngừa và tái thiết sau thiên tai chưa cao, chủ yếu tập trung cho ứng phó khi có thiên tai xảy ra, dẫn đến tình trạng chủ quan để xảy ra những thiệt hại.
Sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhận thức của Nhân dân đối với việc phòng, chống, ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vùng ven biển, cửa sông...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của các ban ngành, địa phương, đơn vị về ứng phó trước, trong và sau bão số 5
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của các ban ngành, địa phương, đơn vị về ứng phó trước, trong và sau bão số 5, nhất là việc giúp đỡ người dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù bão số 5 không trực tiếp ảnh hưởng đến tỉnh ta, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng có người chết. Vì vậy, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến kiến thức về phòng cống thiên tai cho người dân; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng PCTT cho chính quyền địa phương cấp xã, lực lượng xung kích và người dân.
Cần rà soát, có hướng dẫn, khuyến cáo người dân, nhất là ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai về những biện pháp phòng, chống thiên tai kể từ khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PCTT để kịp thời cung cấp thông tin nhanh chóng giúp cho công tác chỉ huy, điều hành ứng phó với thiên tai các cấp đạt hiệu quả cao.