Bảo tàng Hà Tĩnh hiện đang được bố trí tại một phần tòa nhà Thư viện tỉnh để sử dụng
Tháng 10/2021, tôi đến Bảo tàng Hà Tĩnh để tìm kiếm tư liệu cho một bài viết. Đó là những cuốn sổ chép tay của các cán bộ lão thành cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, hiện vật quý gần đây bảo tàng mới sưu tầm được.
Khác với hình dung ban đầu, cán bộ Phòng Kiểm kê, bảo quản hiện vật dẫn tôi đến với những tư liệu vô cùng quý giá ấy trong một hành lang chật hẹp và dừng lại ở những rổ nhựa chứa đầy các cuốn sổ, sách viết tay… kê sát lối đi.
Thiếu không gian, các hiện vật, cổ vật được kê sát hoặc xếp chồng lên nhau trong các rổ nhựa.
Thấy tôi ngạc nhiên, chị nói: “Đây là những tư liệu quý nhưng không có phòng cất giữ đảm bảo nên thường bị ẩm mốc, chị phải đưa ra chỗ này phơi phóng để bảo quản”. Cầm cuốn sổ với những nét chữ của các bậc tiền nhân đã phai màu mực trên những tờ giấy ố vàng, tôi tự hỏi: những di vật quý giá này sẽ còn giữ được bao lâu để không khỏi mục nát trước khi được trưng bày để người dân chiêm ngưỡng và tự hào?
Mỗi hiện vật, cổ vật có đặc tính bảo quản an toàn ở nhiệt độ, độ ẩm khác nhau nhưng bị “nhốt” chung trong môi trường không có điều hòa nên rất dễ hư hỏng.
Đó là một trong hàng nghìn hiện vật, di vật chứa ký ức của ông cha theo tiến trình lịch sử của đất và người Hà Tĩnh được cán bộ Bảo tàng tỉnh quý như những đứa con tinh thần của mình. Bởi, không chỉ mang giá trị lịch sử, để sưu tầm, gìn giữ chúng là cả một quá trình công phu và vất vả. Vậy nhưng, hơn 11.000 hiện vật quý đó đang phải “chen chúc” trong 250 m2 tại những căn phòng được bố trí tạm tại Thư viện Hà Tĩnh.
Bảo tàng Hà Tĩnh được thành lập năm 1992. Suốt 27 năm, bảo tàng đóng tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, trong diện tích tổng thể 500 m2. Năm 2018, khi UBND tỉnh thu hồi cơ sở cũ để xây dựng công trình mới, Bảo tàng Hà Tĩnh bố trí tạm một phần tòa nhà Thư viện tỉnh để sử dụng. Hiện, tổng diện tích dành cho bảo tàng là 750 m2, trong đó phần dành cho một số phòng chuyên môn về hành chính, nghiên cứu... làm việc là 500 m2. Còn 250 m2 để bảo quản 11.000 hiện vật, đồng thời cũng là chỗ để 5 cán bộ, nhân viên bộ phận kiểm kê, bảo quản làm việc.
5 cán bộ Phòng Kiểm kê, bảo quản của Bảo tàng tỉnh phải làm việc trong các phòng kho bảo quản hiện vật là trái với quy định chuyên môn về công tác bảo tàng; vừa ảnh hưởng sức khỏe con người vừa tác động xấu đến các hiện vật.
Một sự so sánh nhỏ, Bảo tàng Hoa Cương (xã Bình An, Lộc Hà) là một bảo tàng mới được một cá nhân tự bỏ tiền ra xây dựng có diện tích 1.000 m2 dùng để trưng bày 4.000 hiện vật với đầy đủ các chức năng như: phòng trưng bày thường trực, trưng bày ngoài trời… Năm 2019 và 2020, Bảo tàng Hoa Cương đón tiếp hàng nghìn lượt khách tới tham quan, học tập, trong đó nhiều đoàn là học sinh trong và ngoài tỉnh.
Trong khi chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đang được thực hiện một cách tích cực với sự ra đời của hàng chục công trình hiện đại, khang trang, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân thì thiết chế văn hóa lớn nhất tỉnh sau 10 năm vẫn chưa khởi động xây dựng. Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Việc xây dựng bảo tàng là vô cùng cần thiết và là sự mong mỏi hàng chục năm nay của không chỉ cán bộ, nhân viên chúng tôi mà còn của Nhân dân”.
Mẫu vật khai quật từ di chỉ Thạch Lạc (Thạch Hà) có niên đại 4.000-5.000 năm được bảo quản bằng rổ nhựa.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 7/1/2011, UBND tỉnh có Công văn số 83/UBND-VX đồng ý chủ trương lập dự án xây dựng bảo tàng tỉnh. Sau đó, Tỉnh ủy có Thông báo 340/TBTU ngày 19/9/2013 đồng ý chuẩn bị triển khai xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh.
Ngày 26/11/2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 4507/UBND-VX giao Sở VH-TT&DL là đơn vị chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng liên quan lập đề án và các nội dung liên quan chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh.
Đến ngày 31/10/2016, UBND tỉnh có Quyết định 3062/QĐ-UBND cho phép Sở VH-TT&DL khảo sát, lập quy hoạch Bảo tàng tỉnh; đồng thời phân, giao lô đất CCM-08 thuộc đồ án “Điều chỉnh, Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh” ở phường Nguyễn Du, với diện tích 1,5 ha.
Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định 871/QĐ-UBND, ngày 31/3/2017 về việc phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Bảo tàng Hà Tĩnh.
Súng thần công, một trong 2 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia của Hà Tĩnh ở thời điểm hiện tại được đặt tại nhà kho trưng dụng từ nhà để xe của cơ quan.
Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII đã ra Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Trong đó, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Quy mô dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 1,5 ha, trong đó nhà Bảo tàng tỉnh 3 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 7.434 m2; tổng mức đầu tư 240,862 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn: từ năm 2019-2020 giải phóng mặt bằng, đầu tư một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật; giai đoạn sau 2020 xây dựng nhà Bảo tàng và các hạng mục còn lại…
Thuyền độc mộc được khai quật dưới lòng sông ở huyện Hương Sơn có tuổi đời trên 300 năm cũng chịu cảnh bó bạt nằm dưới mái che do Bảo tàng tỉnh dựng lên gần đây.
Tại cuộc họp nghe báo cáo phương án thiết kế dự án Bảo tàng Hà Tĩnh do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 26/6/2019, tỉnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành các thủ tục để tháng 1/2020 khởi công công trình. Tuy nhiên, đến nay, công trình xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh vẫn chưa được triển khai.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, đơn vị tư vấn thiết kế vẫn chưa hoàn tất việc chỉnh sửa bản vẽ thiết kế.
Lô đất CCM-08 có diện tích 1,5 ha, thuộc đồ án “Điều chỉnh, Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh” đã được phê duyệt để xây dựng Bảo tàng tỉnh nhiều năm nay nhưng hiện vẫn để hoang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở VH-TT&DL bày tỏ: “Chúng tôi tha thiết mong mỏi các cấp, ngành liên quan thực hiện đúng các nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao, sớm hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công công trình đúng tiến độ nhằm xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ngàn đời nay đã để lại”.
Hà Tĩnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ là thiết chế văn hóa có vai trò hàng đầu trong bảo tồn, trưng bày giới thiệu những giá trị vô giá của vùng đất núi Hồng, sông La. Thông qua đó góp phần gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển KT-XH.