Bầu cử sớm không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp

Theo báo chí Pháp, khả năng lớn là Tổng thống Macron "chung sống" với một phần cánh tả, nhưng việc này sẽ khó suôn sẻ khi chương trình nghị sự của phe cánh tả thường đi ngược các dự án của ông.

Chủ tịch đảng LFI, thuộc Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) của Pháp, ông Jean-Luc Melenchon (giữa) phát biểu tại Paris, sau khi kết quả bầu cử Quốc hội vòng 2 được công bố. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Chủ tịch đảng LFI, thuộc Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) của Pháp, ông Jean-Luc Melenchon (giữa) phát biểu tại Paris, sau khi kết quả bầu cử Quốc hội vòng 2 được công bố. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Quyết định giải tán Quốc hội sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã dẫn đến những xáo trộn lớn trong đời sống chính trị tại Pháp.

Trong bầu không khí căng thẳng, nước Pháp phải tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) sớm thu hút sự quan tâm của toàn bộ xã hội.

Các phương tiện truyền thông và báo chí đều tập trung đưa tin về diễn biến xung quanh các cuộc bầu cử được chia làm hai vòng này.

Báo Les Echos cho rằng với kết quả kiểm phiếu vòng hai, không có phe nào giành được vị trí đa số tuyệt đối và vì vậy, sự phân cực trong chính trường Pháp càng trở nên rõ nét hơn với ba khối có số ghế không chênh nhau nhiều, gồm liên minh cánh tả, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron và phe cực hữu.

Theo nhật báo này, việc mất khoảng 90 ghế so với Quốc hội cũ khiến liên minh của Tổng thống Macron giờ chỉ còn là lực lượng thiểu số và lối thoát duy nhất đối với ông Macron là hướng sang Mặt trận Bình dân mới.

Nhiệm vụ của ông hiện nay là làm sao tránh rơi vào bế tắc về thể chế hoặc phải thành lập chính phủ kỹ trị đồng nghĩa với việc phải từ bỏ các dự án cải cách.

Nhật báo Le Point cho rằng dù không về vị trí dẫn đầu như các dự đoán trước bầu cử, phe cực hữu vẫn có thể hài lòng với kết quả đạt được, khi mở rộng được sự hiện diện và ảnh hưởng ra khắp nước Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai, trái) tới điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ở Le Touquet ngày 30/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai, trái) tới điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ở Le Touquet ngày 30/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đây là cơ sở để phong trào theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2027.

Tuy nhiên, nhật báo Le Figaro nhận định xét về mặt chính trị, kết quả thực sự của cuộc bầu cử này vẫn chưa rõ ràng.

Liệu Tổng thống Macron có đề xuất một trong những thủ lĩnh của liên minh Mặt trận Bình dân mới vào Phủ Thủ tướng hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Hệ thống nghị viện Pháp yêu cầu nhóm đa số bầu ra một Thủ tướng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là nhiệm vụ không dễ giải quyết.

Trong mục xã luận, nhật báo Le Monde cho rằng kết quả bầu cử vòng hai chỉ giúp “làm rõ” đúng một điểm trong đời sống chính trị tại Pháp hiện nay, đó là người dân tỏ thái độ không muốn đảng Tập hợp Quốc gia nắm quyền.

Chính vì vậy sự tập hợp lực lượng tạm thời của cánh tả và phe của Tổng thống trong “Mặt trận Cộng hòa” mới phát huy đầy đủ tác dụng. Đây là bên chiến thắng duy nhất trong cuộc bầu cử đầy căng thẳng và gấp gáp này.

Theo báo chí và truyền thông Pháp, khả năng lớn là Tổng thống Macron "chung sống" với một phần cánh tả, gồm các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Sinh thái và có thể cả đảng Cộng sản, bởi đảng Nước Pháp bất khuất đã bác việc hợp tác với ông.

Tuy nhiên, việc hợp tác với cánh tả sẽ khó lòng suôn sẻ khi các chương trình nghị sự của phe này thường đi ngược với các dự án cải cách của Tổng thống Macron.

Như vậy, bất kỳ viễn cảnh nào cũng cho thấy cuộc bầu cử sớm sẽ không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp hiện nay.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản giảm tháng thứ 26 liên tiếp

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản giảm tháng thứ 26 liên tiếp

Ngày 8/7, Chính phủ Nhật Bản cho biết tiền lương thực tế trong tháng 5 của người dân nước này đã giảm 1,4% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm kéo dài đến tháng thứ 26 liên tiếp, do mức tăng lương cao nhất trong hơn 3 thập kỷ vẫn chưa vượt qua được lạm phát.