Biển Đen: Đấu trường quyết liệt giữa Nga và NATO?

Nga sẽ phải đối phó với các cuộc xâm nhập thường xuyên tàu chiến nước ngoài vào Biển Đen do NATO ngày càng ’quan tâm’ đến vùng biển chiến lược này.

Theo báo cáo của công ty phân tích tình báo quân sự Mỹ Stratfor, trong tương lai gần tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đen - một khu vực chiến lược quan trọng - "chắc chắn sẽ trở nên quyết liệt hơn".

bien den dau truong quyet liet giua nga va nato

Strafor: Biển Đen sẽ dậy sóng trong tương lai gần. Ảnh AP

NATO cần phải để ý tới các điều khoản của Công ước Montreux năm 1936, hạn chế số lượng và thời gian lưu trú tàu chiến tại Biển Đen của các quốc gia không thuộc khu vực này. Tuy nhiên, liên minh quân sự này sẽ tìm cách né tránh những hạn chế này bằng cách trang bị cho hạm đội tàu chiến của một số quốc gia ven Biển Đen.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng chỉ trích NATO về sự hiện diện quân sự kém cỏi tại Biển Đen và cho rằng Biển Đen đã biến thành "hồ nước nội địa của Nga".

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO tăng cường phối hợp, hợp tác trong khu vực. Ông Erdogan hy vọng sẽ xuất hiện những kết quả cụ thể sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw trong hai ngày 8 và 9/7/2016.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng nêu lên nhu cầu củng cố vị thế của NATO ở Biển Đen.

Các nhà phân tích của Stratfor cho rằng không phải tất cả các nước NATO ven Biển Đen đều sẵn sàng ủng hộ tăng cường lực lượng trong khu vực. Romania có thể đồng ý, nhưng Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thận trọng hơn vì không muốn thù địch với Liên bang Nga.

Trong khi đó, đại sứ thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko tuyên bố rằng Moscow sẽ có phản ứng nếu NATO tăng cường sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đen.

Đại sứ Grushko nói: "Nếu NATO tăng cường... sự hiện diện thực tế và liên tục của các nước không thuộc khu vực Biển Đen, thì tất nhiên chúng tôi cũng sẽ phải có các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an ninh của Nga, căn cứ vào vị trí chiến lược của Crimea và lợi ích của chúng tôi ở phía nam".

Ông Grushko cho rằng việc NATO tăng cường hiện diện ở Biển Đen “là nhằm áp đặt Nga vào thế đối đầu”. Ông khẳng định Liên bang Nga không hề muốn “đối đầu với NATO cũng như với bất cứ nước nào khác, đặc biệt là sa vào một cuộc chạy đua vũ trang" và bày tỏ hy vọng Châu Âu sẽ nhận ra sự vô nghĩa của cuộc đối đầu Nga-NATO này.

Hiện nay, thời gian hiện diện của tàu chiến các nước không thuộc khu vực Biển Đen bị giới hạn bởi Công ước Montreux năm 1936. Tuy nhiên, các tàu chiến NATO vẫn thường xuyên vào vùng biển này để tiến hành các cuộc tập trận.

Về cơ bản, Liên bang Nga không còn có thể dựa vào Công ước Montreux, nhưng các căn cứ của Nga trên bán đảo Crưm sẽ là một lợi thế đáng kể so với NATO trong các cuộc đối đầu tương lai.

Theo Sputnik

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast