Vì sao Nga bảo vệ Triều Tiên?

Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng trên bán đảo Triều Tiên, Nga khẳng định Mỹ không thể hành động đơn phương để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

vi sao nga bao ve trieu tien

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Vladivostok (Nga) ngày 23-8-2002 - Ảnh: AFP

Hôm 19-4, Nga đã cản trở một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tuyên bố gồm những ngôn từ cứng rắn do Mỹ đưa ra này.

Trong dự thảo tuyên bố mới, HĐBA bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước động thái của Triều Tiên và một lần nữa đe dọa có thêm "những biện pháp mạnh".

Vì sao Nga lại tỏ ra tự tin trong vụ việc này?

Mỹ, Trung đều nhờ đến Nga

Đài truyền hình Russia Today (Nga) đưa tin tại cuộc họp báo ở Matxcơva hôm 17-4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: “Chúng tôi không chấp nhận các cuộc phiêu lưu hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng…, tuy nhiên điều này không có nghĩa hễ vi phạm luật pháp quốc tế thì dùng đến vũ lực”.

Ông giải thích các tuyên bố gần đây của Mỹ được xem như đe dọa đơn phương sử dụng vũ lực trong khi đây là giải pháp hết sức nguy hiểm.

Trước đó, đêm 14-4 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với ông Lavrov để nhờ Nga góp phần xoa dịu tình hình. Ông Vương nhấn mạnh: “Ngăn chặn chiến tranh và hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên phù hợp với lợi ích chung của Trung Quốc và Nga. Mục đích chung của hai nước là đưa các bên trở lại bàn đàm phán”.

Nga phản đối mở rộng các nước sở hữu hạt nhân. Khi Triều Tiên thử tên lửa, Nga sẵn sàng chỉ trích. Dù vậy, Nga lúc nào cũng kêu gọi các bên liên quan giải quyết vấn đề bằng con đường chính trị và ngoại giao.

Trong khi đó, Mỹ “vừa đấm vừa xoa”. Trong chuyến thăm Nga trong hai ngày 11-4 và 12-4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ hy vọng Nga sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng là một trong những vấn đề quốc tế hiếm hoi mà Nga và Mỹ có chung quan điểm là xây dựng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm thử đạn đạo và hạt nhân.

Trong khi đó, cách tiếp cận giải quyết vấn đề của hai nước có khác nhau. Nga đánh giá giải pháp vũ lực là điều không thể còn Mỹ vẫn lăm le sẵn sàng tấn công phủ đầu.

Báo Izvestia (Nga) nhận định vì lẽ đó, Nga không muốn nhìn thấy tàu chiến Mỹ đến gần bờ biển Triều Tiên bởi Nga cho rằng như thế rất khó thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn thương lượng.

vi sao nga bao ve trieu tien

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) đón người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Matxcơva ngày 12-4 - Ảnh: AP

Nga lo ngại Mỹ tăng cường quân sự

Chuyên gia Yuri Morozov ở Trung tâm Các vấn đề chiến lược Đông Á và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải thuộc Viện Viễn Đông (Nga) giải thích: Nga nhận thấy chẳng được lợi lộc gì nếu Triều Tiên cứ mãi cứng đầu và rồi Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Chuyên gia Leonid Gusev ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Á và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải thuộc Viện Quan hệ quốc tế Matxcơva (Nga) nhận xét Nga quan tâm đến tình hình Triều Tiên vì một khi Mỹ tăng cường quân sự, nguy cơ chạy đua vũ trang chắc chắn sẽ xảy ra.

Trước đây, Tổng thống Donald Trump đã chủ trương giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc nhằm giảm chi tiêu quốc phòng. Còn nay, trước thái độ thách thức của Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ từ bỏ ý định kể trên. Ví dụ rõ ràng nhất là Mỹ đã tuyên bố sẽ triển khai sớm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc từ năm 2017.

Chưa kể Nga và Triều Tiên là hai nước láng giềng có chung 40 km đường biên giới. Nếu xảy ra xung đột hạt nhân, đám mây phóng xạ từ Triều Tiên có thể theo gió bay sang Nga. Vì vậy Nga sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn khủng hoảng bùng phát gần biên giới Nga.

Quan hệ Nga-Triều: Từ lạnh nhạt đến nồng ấm

Năm 1945, Liên Xô (cũ) góp phần quan trọng giải phóng Bắc Triều Tiên. Trước khi Liên Xô tan rã, quan hệ hai bên dần dần trở nên lạnh nhạt khi Liên Xô tăng cường trao đổi với Hàn Quốc còn Triều Tiên áp dụng chính sách cân bằng và độc lập trong quan hệ với hai ông lớn Liên Xô và Trung Quốc.

Năm 1988, mức viện trợ tài chính của Liên Xô cho Triều Tiên đã giảm 3/4. Từ đầu thập niên 1990, các điều kiện ưu đãi trong cung ứng dầu của Liên Xô cho Triều Tiên cũng đã chấm dứt.

Sau đó, Nga và Triều Tiên bắt đầu xích lại gần nhau trong bối cảnh Nga thực hiện chính sách ngoại giao đa dạng hóa. Ngày 19-7-2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin viếng thăm Bình Nhưỡng, sau đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il sang thăm Nga.

Năm 2006, các hiệp định hợp tác về cung cấp dầu và đường sắt đã được hai bên ký kết. Ngày 18-5-2007, Triều Tiên bổ nhiệm ông Pak Ui Chun giữ chức ngoại trưởng. Sự kiện này được xem như dấu hiệu Triều Tiên mở rộng vòng tay với Nga bởi ông Pak đã từng làm đại sứ tám năm tại Matxcơva.

Thông qua trung gian của Nga, Triều Tiên cũng đã nối quan hệ với Iran, nước được cho là nhà cung cấp thiết bị làm giàu uranium cho Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Il rất ít ra nước ngoài nhưng đã ba lần sang Nga trong những năm 2001, 2002 và 2011. Ông đã gặp Vladimir Putin trong hai lần công du đầu tiên vào lúc Mỹ đưa Triều Tiên vào “trục xấu”.

Nga giúp Triều Tiên vì… Nga

Sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga ngày 18-3-2014, Mỹ và châu Âu sử dụng đòn cấm vận kinh tế trừng phạt Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tệ hại nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

Trong bối cảnh bị cô lập, Nga đã sử dụng đòn tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Mục đích của Nga là gia tăng ảnh hưởng ở châu Á dưới hình thức phát triển vai trò “nhà thương lượng” giữa phương Tây và Triều Tiên.

Từ năm 2014, các dấu hiệu Nga tăng cường quan hệ với Triều Tiên ngày càng rõ vào lúc Triều Tiên giữ khoảng cách với Trung Quốc. Cuối năm 2014, Tổng thống Putin đã mời nhà lãnh đạo Kim Jong Un sang Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức của Liên Xô.

Ông Kim Jong Un đã nhận lời nhưng cuối cùng không đi được, nếu không đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi kế tục cha vào cuối năm 2011.

Ông Putin chìa tay với Kim Jong Un xuất phát từ nguyên nhân sâu xa về kinh tế. Nga muốn thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt chạy qua Triều Tiên nhằm xuất khẩu mỗi năm 10 tỉ m3 khí đốt sang Hàn Quốc.

Để tạo thuận lợi cho dự án này, tháng 4-2014, Duma quốc gia Nga (Hạ viện) đã thông qua thỏa thuận hủy bỏ 90% nợ của Triều Tiên (tương đương 10 tỉ USD). Công ty NPO Mostovik của Nga đã dự tính hiện đại hóa 3.500 km đường sắt cho Triều Tiên với chi phí gần 40 tỉ USD.

Nhà báo Mỹ F. William Engdahl nhận xét đây là một phần trong chiến lược “trục xoay Á-Âu” của Putin nhằm định hướng lại chiến lược của Nga trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại vào lúc Nga bị phương Tây dồn ép.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.
Khởi hành mang tết ra Trường Sa

Khởi hành mang tết ra Trường Sa

Sau ba hồi còi chào đất liền, tàu chở đoàn công tác (trong đó có PV Báo Hà Tĩnh) rời Quân cảng Cam Ranh bắt đầu hành trình mang mùa Xuân đến với quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.
Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Cách đây 80 năm, trước yêu cầu của cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và đánh dấu sự ra đời, phát triển của LLVT cách mạng Việt Nam. Hòa chung trong dòng chảy lịch sử đó, LLVT Hà Tĩnh đã ra đời và không ngừng chiến đấu, trưởng thành để hôm nay đã lớn mạnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”.
Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Thay mặt các linh mục, chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân tỉnh nhà, linh mục Gioan Baotixta Nguyễn Khắc Bá - Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng cán bộ, chiến sỹ LLVT Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.