Theo Bộ Công an, Tết Trung thu là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm bánh, kẹo tăng cao; trong đó, thị trường bánh trung thu đang hết sức nhộn nhịp, sôi động, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, xuất xứ, không ít sản phẩm là hàng nhập lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ…, đồng thời, là dịp nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì hám lợi nhuận mà vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lưc lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh trung thu tại Hà Đông (Hà Nội). |
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung chủ yếu là các hành vi nhập lậu các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh trung thu; kinh doanh các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu, phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng; tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm để bán ra thị trường…
Tính riêng tháng 8/2022, thời điểm cận Tết Trung thu, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 593 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, với 606 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 565 vụ, với 503 cá nhân, 67 tổ chức, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng.
Điển hình, từ ngày 23-29/8/2022, lực lượng chức năng của Công an thành phố Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngày 24/8/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện, thu giữ hơn 30.000 sản phẩm sữa bột đóng hộp dinh dưỡng và hàng tấn nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Khuyến cáo người dân mua bánh kẹo có xuất xứ rõ ràng
Thời gian tới, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe người dân, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý tội phạm theo Điều 317 (Tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm) Bộ Luật hình sự năm 2015 và các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung đấu tranh với các mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng chất, hóa chất cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng, phụ gia… trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Phối hợp với các ngành, chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (như: Quản lý thị trường, Y tế , Hải quan…) tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những quy định của nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân; tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Công an khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu 2022.
Tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.
Kịp thời phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, tiêu thủ bánh, kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Phát huy vai trò của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và cả cộng đồng trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì Tết Trung thu 2022 an toàn, lành mạnh và vui vẻ.