BĐBP Vũng Áng - Sơn Dương xuống tận nhà nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nguyên nhân Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” IUU (đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý) đối với Việt Nam.
Đã nhiều năm nay, tàu cá của ngư dân Nguyễn Hiệp Dũng ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) thường xuyên hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh. Cứ đều đặn 3 ngày 1 chuyến, tàu cá này lại cập cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) để bán hàng.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây tàu cá của anh Dũng thường thiếu các loại giấy tờ như: giấy khám sức khỏe cho thuyền viên, danh sách đăng ký tạm vắng, tạm trú, đăng kiểm phương tiện, thậm chí là giấy phép khai thác đã hết hạn sử dụng...
Tuy nhiên, kể từ khi Đồn Biên phòng Cửa Sót tập trung tuyên truyền, nhắc nhở thì anh Dũng và bà con ngư dân đã hiểu hơn về những quy định của Luật Thủy sản, mang đầy đủ giấy tờ khi ra vào cửa lạch, hoạt động đánh bắt một cách có trách nhiệm hơn...
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) xuống tận thuyền để phát tờ rơi, tuyên truyền các nội dung chính của Luật Thủy sản, những quy định bắt buộc để gỡ bỏ “thẻ vàng” từ EC và yêu cầu ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi sản xuất trên biển
“Qua BĐBP, chúng tôi đã được tiếp cận những nội dung cơ bản của Luật Thủy sản, những quy định bắt buộc về việc thực hiện các biện pháp gỡ bỏ thẻ vàng của EC và các nội dung có liên quan khác...", anh Dũng chia sẻ.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) thì cho hay: "Chúng tôi cũng đã chấp hành nghiêm túc, cùng chung tay bảo vệ ngư trường, cải thiện năng lực đánh bắt. Đặc biệt, ở đây đã có những nhà chuyển đổi từ nghề te, xăm mười, giã cào... vốn là những nghề có nguy cơ xâm hại môi trường biển rất cao sang nghề câu, vó, rê khơi thuần túy để không gây hại môi trường, đánh bắt được các loại hải sản có giá trị...”.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lạch Kèn luôn gắn nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân
Nơi được xem là có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh như huyện Nghi Xuân cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tá Lê Xuân Thọ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Nếu như trước đây thỉnh thoảng vẫn còn tình trạng các đội tàu xa bờ khai thác ở vùng biển trái tuyến, thậm chí xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhiều tàu thuyền ở các xã bãi ngang vẫn hành nghề giã cào thì sau những đợt tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh của Đồn Biên phòng Lạch Kèn thì ý thức của bà con ngư dân đã được nâng lên rõ rệt.
Bà con không chỉ quan tâm cải hoán tàu thuyền, khai thác có trách nhiệm, mà còn thành lập được nhiều tổ đội hợp tác đánh bắt trên biển để tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ môi trường biển”.
Lực lượng Kiểm soát Biên phòng của Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) kiểm tra thủ tục hành chính gắn với nhắc nhở ngư dân đánh bắt đúng quy định.
Thời gian qua, các đồn biên phòng tuyến biển như: Lạch Kèn (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) và BCH Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng - Sơn Dương đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, ngăn chặn các hành vi sai trái trong khai thác, đánh bắt hải sản. Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử phạt 20 tàu thuyền với 40 trường hợp vi phạm đánh bắt hải sản bằng giã cào, trộm cắp ngư lưới cụ...
Hàng ngàn cuộc tuyên truyền bằng các hình thức như phát tờ rơi, phát trên hệ thống loa truyền thanh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, tập huấn... đã được BĐBP thực hiện sâu rộng đến với người dân.
Nhờ vậy, ngư dân từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh cũng như các đội tàu thường xuyên ra vào vùng biển Hà Tĩnh đã được nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động đánh bắt thủy sản, khai thác.
Ngư dân Hà Tĩnh ngày càng tuân thủ những quy định về Luật Thủy sản, thực hiện tốt những quy định bắt buộc để gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, không thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép, đánh bắt thiếu trách nhiệm, giữ vững an ninh trật tự tại các vùng biển...