Bộ đội Việt Nam cứu hộ xe bị tấn công vũ trang ở châu Phi

Trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, Đội công binh số 2 vẫn cứu kéo an toàn hàng chục lượt phương tiện cho Liên Hợp Quốc và người dân.

Đội Công binh số 2 được triển khai đến Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Abyei (UNISFA) - khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, đúng vào mùa mưa. Abyei hầu hết là đường đất, mùa khô bụi tung mù mịt, mùa mưa thành bùn lầy. Nơi đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng xung đột vũ trang phức tạp.

Trung tá Phạm Văn Hảo, Đội phó Công binh số 2, nhớ hôm 6/1 nhận được yêu cầu cứu hộ xe của Chính quyền Abyei do bị nhóm vũ trang nhỏ của tộc Dinka Twic tấn công. Tộc này mâu thuẫn sâu sắc và nhiều lần giao tranh với tộc Dinka Ngok.

Phó hành chính khu vực Abyei (là người Dinka Ngok) đang trên đường trở lại Abyei sau chuyến công tác phía Nam thì bị phục kích bởi súng chống tăng và tiểu liên. Chiếc xe dẫn đầu của đoàn bị trúng đạn B41, cháy biến dạng. Chiếc thứ 2 bị AK-47 bắn thủng nhiều chỗ ở thân xe và kính chắn gió, hư hỏng nặng không thể di chuyển. Toàn bộ lái xe, bảo vệ và Phó hành chính khu vực đã thiệt mạng trong vụ phục kích.

Bộ đội Việt Nam cứu hộ xe bị tấn công vũ trang ở châu Phi

Xe chở Phó hành chính trưởng khu vực Abyei bị đạn bắn thủng nhiều phát ở kính chắn gió. Ảnh: ĐCB

Ban Chỉ huy Đội chỉ có khoảng một giờ để trao đổi, thống nhất phương án. Đây là giai đoạn cao điểm bất ổn về an ninh nên việc bảo đảm an toàn cho lực lượng và phương tiện phải được chuẩn bị rất kỹ, đề phòng mọi tình huống bất trắc.

Theo thông tin từ Quan sát viên quân sự, lực lượng tấn công đã rút lui, hiện trường chỉ còn lại vỏ đạn vương vãi khắp nơi và máu chảy thành vũng dưới gầm xe. “Khi nhận được yêu cầu của Chính quyền và Phái bộ, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ nguy hiểm bởi nhóm phiến quân có thể quay trở lại tấn công lực lượng cứu kéo”, anh Hảo nói.

Trước khi đến khu vực, Đội Công binh triển khai một nhóm trinh sát đi trước tiếp cận hiện trường, quan sát đánh giá. Khi đảm bảo an toàn, Đội hình cứu kéo tiến theo sau. Thành viên đoàn ngày hôm đó được trang bị tiểu liên AK-47, áo giáp, mũ chống đạn. Xe bọc thép hộ tống đoàn cũng được lắp súng đại liên PKMS.

Quá trình cứu kéo, Phân đội Bảo vệ đã phát hiện một vài người có vũ trang quan sát xung quanh, “khả năng cao thuộc nhóm tấn công trước đó”. Tuy nhiên, khi thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo và nóc xe của lực lượng, các phần tử vũ trang này không có thêm bất cứ hành động uy hiếp nào.

“Tại Abyei, Quân đội Việt Nam là đơn vị có sức ảnh hưởng không nhỏ nên các đối tượng vũ trang không bao giờ có ý định gây hấn hoặc tấn công”, trung tá Hảo nói, cho hay nhờ khả năng làm việc linh hoạt, đơn vị đã hoàn thành cứu kéo chiếc xe gặp nạn trong chưa đầy một giờ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị.

Bộ đội Việt Nam cứu hộ xe bị tấn công vũ trang ở châu Phi

Đội hình cứu kéo của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Abyei luôn có xe múc, xe bọc thép, và sĩ quan phải mặc áo giáp, mũ chống đạn. Ảnh: ĐCB

Trước đó, ngày 15/8/2023, tức 5 ngày sau khi Đội Công binh số 2 đặt chân đến Abyei, xe chở dầu của Phái bộ bị mắc kẹt do trời mưa lớn. Phái bộ đề nghị Đội công binh Việt Nam khẩn trương cứu hộ do địa hình phức tạp, xe chở vật liệu dễ cháy nổ, mất an toàn cao.

Ngay khi nhận lệnh, Ban Chỉ huy đã triển khai đội cứu kéo khẩn cấp với 15 người, hai xe công trình, một xe tải 15 tấn, một xe cứu hộ chuyên dụng và một xe thiết giáp bảo vệ. Trung tá Phạm Văn Hảo trực tiếp chỉ huy lực lượng tới hiện trường với hai giờ hành quân, qua quãng đường dài 40 km.

Mức độ phức tạp của tình huống tăng cấp khi hai xe tải chở hàng của người dân địa phương cũng bị sa lầy cạnh xe chở dầu. Đường đất lầy lội, lượng xe lưu thông lớn, việc đưa xe công trình vào hiện trường mất nhiều thời gian. Các tài xế lại không biết tiếng Anh nên Đội phải sángt tạo nhiều cách trao đổi, phối hợp.

Khi bộ đội Việt Nam tiếp cận hiện trường, cả bốn bánh xe của Phái bộ đã biến mất trong lớp bùn lầy. Động cơ xe gầm rú trong tuyệt vọng, tài xế càng đạp ga thì xe càng chìm sâu, cuốn lớp bùn bắn tung tóe. Lính mũ nồi xanh Việt Nam yêu cầu lái xe bình tĩnh, tắt máy, xuống xe để các thành viên của Đội Công binh xử lý.

“Do không thạo tiếng bản ngữ, các thành viên Đội phải sử dụng kết hợp cả tiếng Anh, ngôn ngữ cơ thể và hình vẽ để lái xe hiểu kế hoạch cứu kéo, phối hợp thực hiện”, Đội phó Công binh kể.

Téc dầu quá nặng, nền đất yếu, bánh xe không đủ ma sát vượt qua vũng lầy. Những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam phải sử dụng xe múc nạo vét xung quanh bốn bánh xe và chèn lấp gỗ, đá để tạo nền cứng cho bánh xe leo qua. Quá trình xử lý vừa phải cẩn thận, tránh làm lật xe nhưng cũng phải khẩn trương để đảm bảo lưu thông cho tuyến.

Bộ đội Việt Nam cứu hộ xe bị tấn công vũ trang ở châu Phi

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam thảo luận kế hoạch trong một chuyến cứu kéo tại Abyei. Ảnh: ĐCB

Thiếu tá Nguyễn Đình Việt, Phân đội trưởng Đội Công binh số 2, cho biết trong các nhiệm vụ cứu kéo, thách thức lớn nhất vẫn là địa hình không bằng phẳng và lầy lội. Tiếp cận hiện trường xe gặp sự cố đã khó, đưa xe ra khỏi vùng gặp nạn còn khó hơn do đường đi chật hẹp.

Với hơn 50 lượt cứu kéo từ khi đến Abyei, Đội Công binh số 2 “chưa bao giờ nao núng trước nhiệm vụ nào”. Theo anh Việt, có ba nguyên tắc xuyên suốt trong mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là đảm bảo thông tin liên lạc; chủ động nắm bắt tình hình khu vực gặp nạn và hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, chính quyền sở tại để đảm bảo an ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng phương án dự phòng về lực lượng và phương tiện để xử lý tình huống cấp bách; tổ chức tập huấn hàng tháng về nội dung cứu kéo, rút kinh nghiệm sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ”, anh Việt cho hay.

Thiếu tá Vũ Trí Xuyên, Đội phó Công binh số 2, cho biết thời gian qua, Đội đã tích cực sửa chữa đường sá mùa mưa, khơi thông hệ thống mương, rãnh, làm các cống thoát nước; đào ao, hồ để trữ nước sử dụng trong mùa khô. Đội cũng tổ chức khám chữa bệnh cho người dân, phát thuốc miễn phí trong mùa dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa, sốt rét, nhiễm khuẩn.

Sau gần nửa năm nhận nhiệm vụ tại Abyei, Đội Công binh số 2 được Liên Hợp Quốc đánh giá cao. “Có những nhiệm vụ, Đội Công binh Việt Nam chủ động giúp đỡ khi thấy đơn vị bạn gặp khó mà không cần đợi mệnh lệnh từ Phái bộ”, anh Xuyên nói.

Tháng 5/2022, Việt Nam lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNISFA. Đội Công binh số 1 với biên chế 184 người có nhiệm vụ khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường vận tải chính, vận tải dự phòng; sửa chữa khôi phục đường băng dã chiến; chuẩn bị và bảo dưỡng các tuyến đường kết nối căn cứ, xây dựng bãi đỗ trực thăng, kiểm tra, khắc phục sự cố giao thông... Đội công binh số 2 đến Abyei tiếp quản nhiệm vụ của Đội số 1 từ tháng 8/2023.

Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước đã ký thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển thực chất.

Theo VNE

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.