Bộ Tư pháp triển khai Nghị quyết về chế định thừa phát lại

(Baohatinh.vn) - Chiều 11/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 10/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh

Nghị quyết 10/2015/QH13 về chế định thừa phát lại là hết sức cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Nghị quyết đã chính thức cho ra đời một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, tạo thêm công cụ để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và quá trình tố tụng; góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại và những nội dung cơ bản của Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội.

Chế định thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương với 53 văn phòng thừa phát lại được thành lập trên toàn quốc. Đến nay, các văn phòng thừa phát lại đã tống đạt hơn 1 triệu văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 67 nghìn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án gần 1.000 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án hơn 500 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 190 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động chế định thừa phát lại và đưa ra một số kinh nghiệm triển khai thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chế định thừa phát lại. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nhanh chóng tổng hợp những ý kiến tham luận và trao đổi của các địa phương để báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn, xây dựng cơ chế thực hiện hiệu quả chế định thừa phát lại, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên.

Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại. Tên gọi văn phòng thừa phát lại bao gồm cụm từ "Văn phòng Thừa phát lại" và phần tên riêng liền sau.

Hoạt động của thừa phát lại là một hoạt động trong thi hành án dân sự được thí điểm tại TP.HCM vào năm 2009 và được nhân rộng thí điểm ra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ cuối năm 2013.

Thùy Dương

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói