Say nồng điệu lăm vông trong chương trình đón tết cổ truyền Lào tại Hà Tĩnh năm 2018
Rất tình cờ, qua đêm giao lưu tết té nước tại Đại học Hà Tĩnh, tôi được biết đến bác Nguyễn Tiến Đồng (tổ dân phố 5, thị trấn Đức Thọ) là một cựu quân nhân từng chiến đấu nhiều năm ở vùng hạ Lào. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, để bồi đắp cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, bác Đồng và các đồng đội đã xung phong sang nước bạn chiến đấu.
Bác Đồng cho biết: “Những năm tháng chiến tranh thiếu thốn, gian khổ ở Lào đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong tâm hồn tôi. Trong đó, những nghi lễ Bunpimay mà bà con thôn bản tổ chức mỗi dịp tháng 4 là miền ký ức đằm sâu nhất. Thuở ấy, do điều kiện chiến tranh, người Lào không tổ chức ca hát, nhảy múa theo nghi thức truyền thống mà chỉ tiến hành nghi lễ té nước, buộc chỉ cổ tay cầu may cho người thân, bạn bè. Trở về Việt Nam, tôi thường xuyên tham gia các chương trình giao lưu nhân dịp Bunpimay ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi những điệu dân ca Tăng-vi, Lăm xa-ra-van, Khắp-thùm nổi lên, trong nhịp nhàng Lăm-vông với áo váy truyền thống, nỗi nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ mà rất ấm áp tình thân miền hạ Lào lại trở về ăm ắp trong tôi”.
Bà Nguyễn Thị Vắng là một trong những người gắn bó sâu nặng với đất nước Triệu Voi
Tại TP Hà Tĩnh, khi nói đến Lào kiều, nhiều người nghĩ ngay đến bà Nguyễn Thị Vắng - một người có nhiều năm bôn ba trên đất nước Triệu Voi. Hầu như Bunpimay năm nào, tư gia của bà cũng là nơi hội tụ những người Việt từng sinh sống ở Lào. Sau này, khi Hà Tĩnh tiếp nhận lưu học sinh Lào thì những cuộc vui ấy còn có sự tham gia của người bản xứ nữa.
Từ bà Vắng và bạn bè của bà, tôi hiểu rằng, với bất kỳ người Việt nào đã từng gắn bó với nước bạn đều yêu mến lễ hội truyền thống Bunpimay. Và, họ sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội được sống lại cảm giác lễ hội đó ngay trên chính quê hương mình. Thường xuyên tham gia các ngày hội tết té nước với vai trò chủ tế, bà Vắng đã được sinh viên Lào coi là một người Lào thực thụ. Bởi ở bà hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của nước Lào.
Bà Vắng cho biết: “Bà rất vui khi tham dự những buổi giao lưu như thế vì nó gợi nhớ những năm tháng tuổi thơ của bà trên đất Lào. Năm nào cũng thế, gần đến tết Bunpimay là bạn bè, sinh viên lại đến nhà bà để cùng chuẩn bị các món ăn đặc trưng trong dịp tết này như: Món tồn, món lạp, món xụm và cùng nhau ca hát, múa điệu Lăm-vông…”.
Nghi lễ buộc chỉ cổ tay
Một “người về” đặc biệt nữa mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết của mình chính là nhà báo Lang Quốc Khánh - từng là trưởng đại diện VOV tại Lào. Nhà báo Lang Quốc Khánh có 5 năm làm nghề trên đất nước hoa Chăm-pa, đó cũng là khoảng thời gian anh khám phá những nét đặc sắc trong văn hóa của nước bạn. Và, cũng giống như nhiều người Việt, anh rất yêu mến, trân trọng các nghi thức của lễ hội Bunpimay. Giờ đây, tuy đã trở về nhưng mỗi tháng 4, bạn bè ở Lào và bạn bè từng công tác tại Lào vẫn nhắn tin chúc mừng anh nhân dịp Bunpimay như thể anh là một công dân Lào.
Tắm Phật cầu an là một trong những nghi lễ khiến những “người về” nhung nhớ. Ảnh: Thu Hà - Lang Quốc Khánh
Anh Khánh cho biết: “Suốt những năm tháng sinh sống ở Lào, Bunpimay năm nào tôi cũng hòa cùng muôn triệu nhân dân Lào cử hành những nghi lễ thiêng liêng ấy. Điều khiến tôi trân trọng nhất, chính là người Lào vẫn luôn giữ được sự trong sáng, vô tư, nhân ái trong khi thực hiện các nghi lễ tắm Phật, té nước hay buộc chỉ cổ tay. Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là những lần theo chân các bạn Lào đến bên bờ sông Nậm Ngừm dựng lều ca hát, nhảy múa và đằm mình trong nước sông. Người Lào cho rằng, việc đằm mình trong nước sông chính là được thiên nhiên gột rửa bụi trần nên vào những ngày Bunpimay, hai bên bờ sông lúc nào cũng đông vui, tấp nập”.
Hai mái Trường Sơn với “bên nắng đốt, bên mưa quây” vẫn luôn chộn rộn trong nỗi nhớ mong của biết bao người từng sống và chiến đấu ở bên kia biên giới. Hẳn rằng, theo năm tháng, những tình cảm riêng tư ấy cũng đặt dấu nhân giữa mối tình chung Việt - Lào, để tình cảm 2 nước láng giềng ngày càng thắm thiết, đằm sâu.