Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh chuẩn bị dao rạ, đồ bảo hộ để đi phát quang đường băng cản lửa, dọn thực bì.
Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 9.600 ha rừng các loại, trải dài trên địa bàn 19 xã, phường của thị xã Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Can Lộc và Nghi Xuân. Trong lâm phần được giao quản lý có nhiều diện tích trồng thông, có thực bì dày, ở những nơi nhạy cảm nên rất dễ xảy ra cháy lớn.
Ngoài ra, ở đây có nhiều diện tích rừng sát khu dân cư, cạnh khu công nghiệp, có nhiều đền chùa, điểm du lịch trải nghiệm... nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) càng được quan tâm. Đặc biệt, chủ rừng thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cháy tại 2 vùng trọng điểm là 230 ha của Tiểu khu 103B ở phường Bắc Hồng và 610 ha của Tiểu khu 121 và 122B ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh).
Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Thái Vân cho biết: “Những ngày nắng nóng gay gắt này, chúng tôi luôn duy trì tối đa lực lượng, phương tiện, bám nắm địa bàn. Hiện, đơn vị đang tập trung thông tin, nhắc nhở người dân, kiểm soát tốt nguồn lửa và người ra vào rừng, tổ chức canh gác liên tục, dọn dẹp thực bì, phát dọn đường băng cản lửa và đảm bảo lực lượng phối hợp ứng cứu để sẵn sàng khi có sự cố".
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh chuẩn bị máy thổi gió và trang bị để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu.
Những ngày nắng nóng gay gắt, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cũng đang tất bật với công tác PCCCR trên lâm phần 20.315 ha, đặc biệt là các diện tích có nguy cơ cháy cao như: tiểu khu 381, 382, 398, 399, 393A, 393B, 392, 400, 401 (dọc quốc lộ 12); tiểu khu 350, 352A1 (xã Kỳ Tây); tiểu khu 352A2, 346B, 347A (xã Kỳ Trung); tiểu khu 342 (xã Kỳ Bắc); tiểu khu 305B, 343 (xã Kỳ Xuân)...
Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì lực lượng trực gác 24/24h và đảm bảo 100 quân số (của đơn vị, hộ nhận khoán rừng và các lực lượng chức năng khác) để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy. Cùng đó, đơn vị cũng đã bố trí gần 800 triệu đồng để phát quang 57 km đường tuần tra, làm mới 50 biển cấm lửa, tu sửa 10 km đường băng cản lửa, bảo dưỡng 11 máy thổi gió, mua sắm hàng trăm dụng cụ phục vụ hoạt động PCCCR...”.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đốt dọn thực bì sau khi phát dọn đường băng cản lửa.
Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng trong nắng nóng, các công ty lâm nghiệp và tổ chức khác được giao rừng số lượng lớn để kinh doanh cũng đang có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Các chủ rừng cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, chủ rừng giáp ranh và lực lượng chức năng khác để tạo sức mạnh tổng thể, đồng bộ trong PCCCR.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A Dương Văn Thắng cho biết: “Để bảo vệ 14.744 ha rừng và đất lâm nghiệp ở 14 tiểu khu trong các đợt nắng nóng, chúng tôi đã chủ động thực hiện 40 cuộc tuyên truyền và hàng chục buổi phát thanh để nâng cao nhận thức, ý thức PCCCR cho người dân ven rừng ở các xã Hương Lâm, Hương Xuân, Hương Vĩnh. Công ty cũng đã xây dựng và ban hành khoảng 50 văn bản chỉ đạo, kế hoạch PCCCR cụ thể cho từng khu vực, tổ đội, phòng chuyên môn, thành lập các đội xung kích PCCCR với 45 thành viên và chuẩn bị chu đáo tất cả các phần việc khác...”.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố phát dọn thực bì ở những cánh rừng thông dễ cháy ở xã Sơn Diệm.
Hà Tĩnh có 325.526 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có đến 254.183 ha rừng được giao cho 21 chủ rừng là tổ chức với số lượng lớn (chiếm 70,7% tổng diện tích). Theo đó, 4 BQL rừng phòng hộ được giao quản lý 86.281 ha, 2 BQL rừng đặc dụng được giao quản lý 98.645 ha, 2 công ty lâm nghiệp và dịch vụ giao quản lý 34.829 ha, 2 công ty cao su quản lý 27.860 ha, số còn lại được giao cho 11 đơn vị, tổ chức khác sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Do được giao với diện tích lớn, có nhiều vùng quan trọng, nhạy cảm, dễ cháy, dễ bị xâm hại nên việc không để xảy ra cháy rừng có ý nghĩa rất quan trọng và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Rào Rồng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu) cùng kiểm lâm địa bàn kiểm tra các vùng rừng nhạy cảm.
Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) Phan Thanh Tùng đánh giá: Công tác PCCCR nói chung và của các chủ rừng lớn trong giai đoạn nắng nóng này nói riêng luôn được triển khai chủ động, đồng bộ từ khâu tham mưu, triển khai đến tổ chức thực hiện. Các chủ rừng đã kiểm tra, rà soát, xác định các vùng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn để xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCCR sát đúng với thực tế.
Ngoài ra, các BQL rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp và tổ chức khác được giao rừng số lượng lớn cũng đã đầu tư tu sửa, xây dựng, mua sắm bổ sung công trình, các trang thiết bị PCCCR; phát huy phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy và giám sát lửa rừng, thực hiện tốt quy chế phối hợp, huy động lực lượng; lắp đặt camera quan sát và mua flycam phục vụ công tác kiểm tra thực địa...