Chấm dứt ưu đãi 50% phí trước bạ
Thời hạn áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước chỉ còn từ nay đến hết năm, tức là khoảng 1 tháng 20 ngày nữa. Nếu không được gia hạn bằng các quyết định, nghị định khác, xe trong nước lại quay trở về áp dụng mức thu lệ phí trước bạ như cũ: 10% với cả nước và 12% đối với Hà Nội.
Chỉ còn 1 tháng 20 ngày nữa, chính sách ưu đãi giảm 50% phí trước bạ sẽ hết hiệu lực
Như vậy, về lý thuyết, việc mất ưu đãi này sẽ khiến người tiêu dùng phải trả thêm khoản tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng khi mua xe.
Tuy nhiên, một khi thị trường và người mua xe đã quá quen với ưu đãi, khuyến mại thì việc bị dừng hoặc cắt đột ngột sẽ tạo cú sốc. Hiện nhiều hãng xe, đại lý xe hơi cho biết, họ sẵn sàng duy trì ưu đãi riêng về lệ phí trước bạ cho khách hàng nhằm kéo khách hàng và tăng doanh số bán xe.
Có thể thấy rõ các hãng xe nhập trong thời gian qua đã liên tiếp tung các chiêu khuyến mãi giảm phí trước bạ để cạnh tranh với các hãng xe lắp ráp trong nước được ưu đãi về phí trước bạ. Đơn cử như hãng Subaru trừ 100% phí trước bạ cho khách hàng mua xe Forester hay hãng Ford giảm giá trực tiếp cho khách hàng từ 180 triệu đồng nếu mua Everest.
Xe EU được giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam
Theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, từ năm 2021, Việt Nam chính thức cắt giảm thuế nhập theo lộ trình 9 đến 10 năm sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Thuế nhập xe từ EU giảm bình quân 6,8% đến 7,4%/năm, lộ trình giảm thuế từ nay đến năm thứ 10
Tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020- 2022 của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các mẫu xe EU vào Việt Nam sẽ được bỏ từ 6,8% đến 7,4% thuế suất, thuế nhập khẩu khi vào Việt Nam.
Với mức giảm thuế theo lộ trình như trên, dự kiến giá xe nhập khẩu từ các nước EU vào Việt Nam sẽ giảm đi đôi chút. Đây là niềm vui của các “tín đồ” nghiền xe hơi nhập khẩu châu Âu.
Nhen nhóm hy vọng điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt
Tại Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành tháng 8/2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính các phương án: Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt có thể sẽ được điều chỉnh từ năm 2021 trở đi trước sức ép của thị trường, hội nhập
Trước đó, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ các phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành ô tô tại Việt Nam trong dài hạn để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm thuế đối với phần gia tăng trong nước.
Năm 2021, nhiều doanh nghiệp thay đời, đổi mẫu xe hơi
Năm 2021 là năm có nhiều hãng xe, doanh nghiệp xe ra mắt các mẫu xe mới, riêng phân khúc B, các mẫu xe như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent hay Nissan Sunny đều có phiên bản mới ra mắt người tiêu dùng hoặc được nâng cấp công nghệ mới.
Hàng loạt mẫu xe sẽ ra mắt trong năm 2021
Ngoài ra, các phân khúc xe khác cũng dự kiến đưa các mẫu xe mới Chevrolet Trailblazer 2021, Land Cruiser 2021 hoặc bản nâng cấp của Ford Everest 2021 đang dần được hé lộ.
VinFast cũng đang ấp ủ các kế hoạch đưa một số dòng xe điện hoặc một số phân khúc khác trong năm 2021. Đây có thể là động thái khiến thị trường xe hơi cũng như các chính sách cho ngành ô tô năm 2021 có nhiều thay đổi, biến động.