Các nước đang phát triển kêu gọi chấm dứt tích trữ vaccine

Tổng thống Philippines ví tình trạng khan hiếm vaccine ở những nước nghèo là “một trận hạn hán nhân đạo,” đồng thời nhấn mạnh thế giới cần đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Các nước đang phát triển kêu gọi chấm dứt tích trữ vaccine

Vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 diễn ra ở New York (Mỹ), lãnh đạo các nước đang phát triển đã lên tiếng cảnh báo việc những nước giàu tích trữ vaccine ngừa COVID-19 đang tạo cơ hội cho sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trong đó, lãnh đạo Philippines cảnh báo về tình trạng khan hiếm vaccine tại các nước nghèo, trong khi lãnh đạo Ghana chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc về vaccine.”

Phát biểu tại phiên họp ngày 21/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ví tình trạng khan hiếm vaccine ở những nước nghèo là “một trận hạn hán nhân đạo,” đồng thời nhấn mạnh thế giới cần đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Ông nêu rõ: “Các nước giàu tích trữ vaccine trong khi các nước nghèo chờ đợi nguồn cung nhỏ giọt. Giờ đây các nước giàu đang tính đến tiêm mũi vaccine tăng cường, thì những nước đang phát triển đang chờ đợi những mũi tiêm đầu tiên cho người dân của mình.”

Trong khi đó, tại phiên họp ngày 22/9, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cho rằng châu Phi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của “chủ nghĩa dân tộc về vaccine.”

Theo nhà lãnh đạo Ghana, khoảng 900 triệu người châu Phi vẫn đang cần vaccine để đạt được ngưỡng 70% được tiêm chủng như các nước khác trên thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết trong khi một số quốc gia đã tích trữ số vaccine ngừa COVID-19 nhiều gấp 6 đến 7 lần dân số của họ và lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ ba, một số nước khác vẫn chưa thực hiện được mũi tiêm nào.

Ông nhấn mạnh vaccine ngừa COVID-19 cần được phân phối đồng đều để tránh tạo ra các biến thể mới dễ lây lan và nguy hiểm hơn.

Ông Duque cảnh báo nếu việc phân phối vaccine công bằng tiếp tục chậm trễ, toàn nhân loại sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến thể mới với khả năng tấn công dữ dội hơn. Ông nhấn mạnh miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết, vì vậy các nước không nên tiếp tục tích trữ vaccine.

Theo số liệu do hãng tin Reuters thu thập, khoảng 35% số người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trên thế giới đến từ các nước có thu nhập cao và ít nhất 28% đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước như Haiti và Cộng hòa dân chủ Congo ở mức dưới 1%.

Theo Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.