Các tổ đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh thảo luận, góp ý trước Kỳ họp thứ 4

(Baohatinh.vn) - Tổ đại biểu HĐND bầu tại TX Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã thảo luận về một số chính sách quan trọng dự kiến được ban hành tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, đồng thời đề xuất một số nội dung, chính sách liên quan đến sự phát triển của địa phương.

Sáng 11/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga cùng cán bộ cốt cán huyện đã tham gia thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII bầu tại huyện Lộc Hà về các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh sắp tới.

Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn và Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Hùng - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Lộc Hà cùng chủ trì buổi thảo luận.

Các đại biểu đã tham gia góp ý, trao đổi các vấn đề trọng tâm về nhiệm vụ phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN năm 2022; kế hoạch tài chính trong 3 năm tới; chính sách phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp 2022 - 2025; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025; chính sách xây dựng NTM...

Một số ý kiến cho rằng, việc phân chia tiền thu từ đất theo tỷ lệ 80% của tỉnh, 20% của huyện là chưa phù hợp, khó thực hiện. Lộc Hà đề nghị theo hướng tỉnh hưởng 50%, huyện được điều tiết 35%, xã được điều tiết 15% để cơ sở có thêm nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM (riêng thị trấn Lộc Hà thì được tăng lên 20%).

Ngoài ra, cần tăng định mức chi thường xuyên đối với các cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp vì theo dự thảo còn thấp, khó đủ cho mức hoạt động tối thiểu, nên tăng thêm.

Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Lộc Hà Dương Đức Toàn trao đổi ý kiến về công tác thu chi ngân sách, tỷ lệ phân chia nguồn thu từ đất...

Các phòng, ban chuyên môn ở Lộc Hà cũng đề nghị: tăng định mức chi cho nhiệm vụ QP – AN ở địa phương, tăng định mức chi cho ngành y tế, có kinh phí cho việc huy động tàu thuyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, cấp kinh phí hoạt động cho một số ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; đưa dự án đập Đồng Hố (xã Hồng Lộc) và đường ĐH 118 Thịnh Lộc (Lộc Hà) đi Thuần Thiện (Can Lộc) vào danh mục đầu tư công trung hạn để có kế hoạch bố trí kinh phí xây dựng…

Phó Chánh Văn phòng xây dựng NTM Phan Bá Ninh đề xuất các chính sách hỗ trợ xây dựng huyện NTM.

Về lĩnh vực nội vụ, việc tinh giảm biên chế năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh cần căn cứ vào lượng người thực tế trên nhu cầu công việc hiện tại; riêng Lộc Hà cần bổ sung đủ định biên (công chức thiếu 3 biên chế, viên chức thiếu 73 biên chế), không thực hiện cắt giảm theo khung lộ trình.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà Phan Tiến Dũng góp ý các vấn đề về tài nguyên, đất đai, quy hoạch các dự án...

Về lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, một số ý kiến đề nghị HĐND tỉnh: tái khởi động lại chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp để phục vụ sản xuất; nên có chính sách hỗ trợ đào tạo năng lực đánh bắt, quản lý ngư trường cho ngư dân, nhất là tàu đánh bắt xa bờ; có chính sách hỗ trợ các lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ, ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép trên biển; tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt...

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga thông tin, trao đổi thêm một số vấn đề mà các đại biểu Lộc Hà quan tâm, nhất là về cơ chế phân chia nguồn thu từ đất và xây dựng huyện NTM.

Trong xây dựng NTM, cần tăng chi phí làm khu dân cư kiểu mẫu để phong trào tốt hơn; nên đưa Lộc Hà đưa vào nhóm huyện đạt huyện NTM nâng cao năm 2025 của tỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, đúng với tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 và có thêm cơ chế, nguồn lực thực hiện; tăng định mức thảm nhựa mặt đường bê tông GTNT gắn với kêu gọi nguồn lực xã hội hóa...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đánh giá cao chất lượng, tinh thần góp ý, ý thức xây dựng của các đại biểu là cán bộ cốt cán huyện Lộc Hà đối với các dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu ở Lộc Hà tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, trao đổi từ cơ sở để trao đổi với ban soạn thảo các nghị quyết, đóng góp ý kiến tại nghị trường cũng như các cuộc họp của các ban HĐND tỉnh, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế phân chia tiền thu từ đất. Qua đó, góp phần giúp HĐND tỉnh và các sở, ngành chức năng ban hành các chính sách sát đúng với thực tiễn, chất lượng...

Sáng 11/12, Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thị xã Kỳ Anh đã tổ chức thảo luận về các nội dung trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII. Trong đó, tập trung vào một số chính sách đặc thù trên địa bàn thị xã.

Bí thư Thị uỷ Đặng Văn Thành và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thị xã Trần Xuân Phượng cùng chủ trì hội nghị.

Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh sẽ thông qua 23 báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình cao với các văn bản trình tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh; các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp lần này đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các căn cứ pháp lý liên quan, có tính cấp thiết, ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển KT - XH và đời sống người dân. Đồng thời, đại biểu cho rằng, một số nội nội dung cần được điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn.

Trưởng phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hiệp: Cần sớm có kế hoạch di dời 3 TDP Trường Yên, Cảnh Trường, Trường Phú (phường Kỳ Thịnh) để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới..

Theo đó, trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhiều đại biểu cho rằng, thị xã Kỳ Anh là địa phương trọng điểm trong công tác đầu tư, GPMB, do đó, cần phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp trong giai đoạn 2021-2030; cần xây dựng đề án xác định lại địa giới hành chính giữa xã Kỳ Lợi với 2 phường Kỳ Trinh và Kỳ Phương để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như việc quản lý công dân; quan tâm đến hạ tầng tái định cư tại một số xã, phường; sớm ban hành quyết định về việc quy định liên quan đến giao đất, cho thuê đất các thửa đất nhỏ hẹp xen lẫn trong khu dân cư...

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Phan Văn Quang: Đề nghị tỉnh khi giao thu cần rà soát kỹ để đặt ra chỉ tiêu sát với thực tế dư địa thu trên địa bàn; cần tăng định mức phân bổ cho các ngành giáo dục, quốc phòng...

Về các quy định dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước, các đại biểu cũng kiến nghị nâng ngân sách đầu tư để tập trung cho công tác GPMB các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chính sách đặc thù đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho thị xã Kỳ Anh trở thành phố trong năm 2025; bổ sung định mức chi chung cho các ngành giáo dục, quốc phòng…

Đại biểu Lê Trung Phước - Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh: Thị xã Kỳ Anh cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đáp ứng đón số lượng dự án đầu tư cùng lao động lớn, hướng đến phát triển thành đô thị công nghiệp trong thời gian tới...

Các đại biểu cũng đề nghị, trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021; quyết định các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 cần điều chỉnh tăng chỉ tiêu tỷ lệ cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và giảm tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; bổ sung thêm các kết quả về nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, thu hút đầu tư, an sinh xã hội; các giải pháp thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tác cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hoài Sơn: Đề nghị tỉnh quan tâm đến nguồn ngân sách xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025...

Ngoài ra, một số đại biểu cũng mong muốn tình trạng ngập lụt tại đoạn QL1 (qua phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) sớm được khắc phục; công tác đào tạo giải quyết việc làm được quan tâm; việc xây dựng TX Kỳ Anh trở thành đô thị công nghiệp được tập trung định hướng...

Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn thành tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

Kết thúc buổi thảo luận, Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành tiếp thu và đánh giá cao nội dung các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu.

Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu sẽ được tổng hợp để gửi lên cấp trên, chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo các nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

Cũng trong sáng 11/12, Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Kỳ Anh đã tiến hành thảo luận các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến phân cấp nguồn thu, cấp đất, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, người nghèo...

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Kỳ Anh và Phó Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh Hoàng Trọng Lý chủ trì hội nghị.

Các đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Kỳ Anh cơ bản nhất trí với 23 báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, một số nội nội dung cần được điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thắng: Cần sớm tuyển dụng đủ số công chức hiện còn thiếu tại các phòng, ban thuộc UBND huyện.

Theo đó, các đại biểu đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến công tác cán bộ như: cần quan tâm, xét giao thêm công chức huyện Kỳ Anh; sớm tuyển dụng đủ số công chức hiện còn thiếu tại các phòng, ban thuộc UBND huyện; tiếp tục bố trí thêm biên chế giáo viên cho bậc học tiểu học ở huyện Kỳ Anh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cần sớm có lộ trình đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở.

Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Dũng: Cần sớm có lộ trình đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở.

Về công tác phân cấp nguồn thu, các đại biểu cho rằng: cần quan tâm, có cơ chế phân cấp tiền sử dụng đất phù hợp hơn đối với các huyện chưa đạt huyện nông thôn mới; nâng thêm phần trăm số tiền bán đất cho các xã, bởi chi phí giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng các khu dân cư khá cao.

Huyện Kỳ Anh chưa có đô thị loại V nhưng vẫn phải bố trí kinh phí hằng năm để chỉnh trang diện mạo nên cần được xem xét, phân bổ kinh phí.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh Lê Mã Lương: Cần sớm giải quyết dứt điểm việc cấp đất trái thẩm quyền trên địa bàn.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc cần có giải pháp bổ sung kinh phí cho các đợt diễn tập phòng thủ của các địa phương cấp huyện, cấp xã; sớm giải quyết, cấp đất cho người dân đã ở từ năm 1980 trở về trước; sớm giải quyết dứt điểm việc cấp đất trái thẩm quyền, sớm thu hồi đất đối với những dự án “treo”; sớm xây dựng nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện Kỳ Anh.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành: Các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ những nội dung kiến nghị để tổ đại biểu gửi đến Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng mức hỗ trợ trong việc phá bờ thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn; có chính sách chế độ cao hơn đối với cán bộ phụ trách giám sát, hỗ trợ, kiểm soát dịch bệnh thú y, giết mổ gia súc, gia cầm ở các địa phương; hỗ trợ cao hơn cho hộ nghèo, bảo trợ xã hội; có cơ chế hỗ trợ xi măng để làm mương thoát nước, đường liên gia.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng - Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Kỳ Anh tiếp thu ý kiến đại biểu.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, các nội dung mà đại biểu kiến nghị, đề xuất đều sâu sát với thực tiễn huyện Kỳ Anh.

Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu sẽ được tổng hợp để gửi lên cấp trên chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo các nghị quyết trình HĐND thông qua tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói