1. Ý nghĩa của khay mứt ngày Tết
Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng bày trên bàn tiếp khách một khay mứt với nhiều loại bánh kẹo, mứt Tết. Thời trước, cứ mỗi dịp xuân về là các mẹ, các bà và các cô con gái lại cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu để tự tay làm các món mứt thơm ngon chờ ngày Tết mang ra mời khách. Ngày nay, có nhiều loại bánh kẹo và đồ ăn nhập khẩu nên một số món mứt xưa dường như hơi lép vế nhưng khay mứt Tết cổ truyền vẫn luôn là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt.
Các loại mứt cổ truyền vẫn được nhiều người yêu thích vào dịp Tết.
Khay mứt Tết truyền thống và cơ bản của người Việt Nam thường có các loại như mứt sen, mứt quất, mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt... với màu sắc tự nhiên bắt mắt và đủ vị chua, cay, ngọt, bùi như đặc trưng cho hương vị cuộc sống. Mứt Tết không chỉ là những món ăn chơi mà còn ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã đó những ý nghĩa tốt lành cho một năm mới với mọi điều viên mãn.
- Mứt dừa dai dẻo, ngọt thơm với nhiều màu sắc tượng trưng cho hạnh phúc sum vầy.
- Mứt hạt sen mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới sum họp, cháu con long phụng sum vầy.
- Mứt quất vàng óng chua chua ngọt ngọt mang ý nghĩa cầu thịnh vượng và phát tài.
- Mứt gừng có ý nghĩa cho một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong năm mới.
- Mứt bí trắng tinh, giòn ngọt, thơm mát mang ý nghĩa cầu chúc cho sức khỏe và sự phát triển trong năm mới.
2. Một số lưu ý khi bảo quản và ăn mứt Tết
Các nguyên liệu làm mứt hầu hết là các thực phẩm dinh dưỡng, chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể, tuy nhiên khi làm mứt thường sử dụng nhiều đường để món mứt được ngấm, dẻo, kết tinh đẹp mắt do đó đặc tính của mứt là rất nhiều đường. Vì vậy khi sử dụng mứt cần chú ý những vấn đề sau để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Lựa chọn mứt được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ những nơi sản xuất uy tín. Tránh mua phải những loại mứt nhập khẩu không rõ nguồn gốc hoặc chế biến gia công sử dụng các loại phụ gia có hại cho sức khỏe.
- Một số nơi làm mứt hand-made với số lượng nhiều có thể khó kiểm soát được khâu vệ sinh, quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn nên sản phẩm dễ bị nhiễm tạp chất hoặc vi khuẩn gây một số bệnh đường tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe.
- Lượng đường trong mứt khá cao nên không phù hợp với người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao hay người muốn giảm cân. Nếu vẫn muốn thưởng thức món mứt cổ truyền, những người này chỉ nên ăn với một lượng rất nhỏ.
- Trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi không nên ăn nhiều mứt dễ gây đầy bụng và làm giảm cảm giác đói do lượng calo rỗng, do đó cần hạn chế ăn mứt gần với 2 bữa ăn chính trong ngày.
- Với người bình thường, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất không nên ăn quá nhiều mứt cũng như các loại đồ ngọt khác. Ngày Tết nên ăn thêm các loại trái cây tươi xen kẽ các bữa ăn như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu tây...; các loại hạt ngũ cốc hoặc quả hạch như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều...