Cách mạng tháng Tám trong ký ức của người lính già

(Baohatinh.vn) - Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khắc vào lịch sử dân tộc một dấu mốc vàng son và mỗi mùa thu về luôn gợi lên trong lòng người dân đất Việt những cảm xúc tự hào. Cảm xúc đó càng đậm nét trong tâm trí những người trải qua thời khắc lịch sử đó như cụ Nguyễn Hữu Trát (SN 1934, ở thôn Tiến Bộ - xã Tân Lâm Hương - huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh).

Những ngày thu lịch sử

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra, cụ Nguyễn Hữu Trát còn ở độ tuổi niên thiếu, nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, của quê hương sau ngần ấy năm vẫn còn in đậm trong tâm trí cụ. Trong những ngày tháng lịch sử đó, dù còn nhỏ, cụ đã cảm nhận được một bầu không khí cách mạng sục sôi, một khí thế hừng hực của người dân xã Đại Nài (xưa) và các vùng lân cận của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh internet.

Cha cụ Trát - cụ Nguyễn Hữu Lệ (SN 1904) là một bần nông nhưng từ những năm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra (1930-1931) đã có ý thức giác ngộ cách mạng. Cụ nhiều lần tham gia các buổi diễn thuyết tuyên truyền và trở thành quần chúng cảm tình của cách mạng.

Với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên xã Đại Nài, em họ cụ Trát (con chú ruột) - cụ Nguyễn Hữu Giao (SN 1928) hoạt động rất tích cực, bí mật vận động thanh niên địa phương tham gia cách mạng. Tinh thần cách mạng của cha anh đã tác động đến nhận thức của cậu thiếu niên Nguyễn Hữu Trát.

Ngày 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh được thành lập, ban hành lệnh khởi nghĩa và lời kêu gọi. Sau lệnh khởi nghĩa ban hành, ủy ban khởi nghĩa các huyện cũng được thành lập và nhanh chóng thống nhất kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh... nhất tề đứng lên kháng chiến. Các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Bộ máy chính quyền thực dân phong kiến tê liệt. Khí thế cách mạng sục sôi, rầm rộ.

Cụ Trát kể lại thời khắc lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước.

Cụ Trát kể: “9h sáng 18/8/1945, người làng tôi kéo ra đường lớn để đi lên thị xã. Tôi và chú Giao đầu đội nón, tay cầm cờ hăng hái đi theo đoàn người. Lên đến thị xã, chúng tôi chứng kiến người dân từ các ngả đường ở Đại Nài, Trung Tiết, Đại Tiết và các vùng lân cận của huyện Thạch Hà kéo vào sân vận động thị xã dự lễ mít tinh mừng thắng lợi của cách mạng. Những con đường lúc đó rực rỡ cờ hoa, ai nấy đều tươi cười rạng rỡ”.

Khi nghe diễn thuyết: “Đánh đổ thực dân, đánh đổ hào cường, lấy lại quyền lợi cho dân, đưa ruộng đất về cho dân cày nghèo” và khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, đoàn người cầm cờ hô vang, vỡ òa cảm xúc trong ngày chiến thắng.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cha cụ Trát là cụ Nguyễn Hữu Lệ tham gia làm cán bộ làng Tân Hương (thuộc xã Tân Lâm Hương ngày nay). Với sự mẫn cán, trách nhiệm, cụ Lệ đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được cách mạng giao phó và dạy bảo con cái giữ vững chí khí, vun đắp tình yêu với quê hương, đất nước.

Tiếp bước cha anh

Âm vang hào hùng của những ngày thu cách mạng vẫn luôn là những ký ức đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất mà suốt cả cuộc đời những người may mắn được chứng kiến như cụ Nguyễn Hữu Trát không thể nào quên. Khí thế cách mạng của cha ông cũng đã truyền lại cho cụ để sau này lớn lên, khi đất nước cần, cụ sẵn sàng khoác ba lô lên đường ra chiến trận.

Tiếp bước cha anh, cụ Nguyễn Hữu Trát và con trai là liệt sỹ Nguyễn Hữu Thanh đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1967, khi đang là một thầy giáo dạy chữ ở làng, cụ Trát lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường các tỉnh phía Nam, rồi được điều động sang phục vụ chiến đấu tại chiến trường Lào. Sau khi đất nước thống nhất, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cụ Trát lại cùng các đồng đội trong Tiểu đoàn 25B Quân khu II tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, cụ đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, cống hiến máu xương trong những trận đánh ác liệt nhất. Với những đóng góp của mình cho các cuộc chiến vệ quốc, cụ Trát được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất...

Thay mới lá cờ đỏ sao vàng, cụ Trát như thêm một lần nữa sống lại ký ức những ngày tháng lịch sử tươi đẹp, hào hùng.

Năm 1987, khi đang đóng quân ở biên giới phía Bắc, cụ Trát đau đớn nhận tin báo tử của người con trai thứ hai (liệt sỹ Nguyễn Chí Thanh, SN 1963) khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia. “Dù mất mát đau thương nhưng tôi tự hào khi con trai mình đã tiếp bước truyền thống gia đình, đấu tranh vì hòa bình, chính nghĩa” - cụ Trát chia sẻ.

Năm 1988, cụ Trát xuất ngũ trở về địa phương, tích cực tham gia công tác hội cựu chiến binh, cựu giáo chức, hội người cao tuổi; tham gia phong trào, xây dựng quê hương. Nay đã ở tuổi xế chiều, vợ chồng cụ sống trong căn nhà nhỏ với mảnh vườn xanh mướt hoa trái. Dù đã ở vào tuổi nhớ nhớ quên quên, nhiều câu chuyện, nhiều giai đoạn cuộc đời cụ không còn tỏ tường nữa nhưng khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám 1945, đôi mắt cụ ánh lên niềm vui rạng ngời, dòng ký ức vẫn trở về vẹn nguyên.

Một mùa thu cách mạng nữa lại về trên quê hương anh hùng, thay mới lá cờ đỏ sao vàng, cụ Trát như thêm một lần nữa sống lại ký ức những ngày tháng lịch sử tươi đẹp, hào hùng.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói