Cái giá phải trả để sở hữu nhà ở Mỹ

Ngoài lãi vay, hàng loạt khoản chi khác ngày một cao, như phí bảo hiểm, bảo trì hay thuế bất động sản đang làm tan vỡ ước mơ mua nhà của nhiều người Mỹ.

Tốc độ tăng giá đã chững lại, nhưng nhu cầu về dịch vụ bảo trì nhà cửa vẫn tiếp tục vượt xa năng lực cung cấp. Gần một nửa số ngôi nhà có người sử dụng ở Mỹ được xây dựng từ trước năm 1980 và chúng cần được bảo trì khi cũ đi.

"Chúng tôi không có đủ nhân công để phục vụ tất cả những chủ nhà này", Zappacosta nói. "Vấn đề sẽ khó giảm bớt trong ngắn hạn".

Một khu dân cư ở thành phố Carpinteria, California. Ảnh: WSJ
Một khu dân cư ở thành phố Carpinteria, California. Ảnh: WSJ

Tại Manhattan, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất Mỹ, giá một ngôi nhà điển hình đã giảm 8,9% trong tháng hai so với một năm trước đó, theo Zillow. Tuy nhiên, phí bảo trì hàng tháng đối với các căn nhà theo hình thức "hợp tác xã nhà ở" được bán gần đây đã tăng 62% từ quý I năm 2020 tới quý I năm 2024, theo công ty thẩm định Miller Samuel.

Hợp tác xã nhà ở hay "co-op" là một loại hình lựa chọn nhà giống như công ty, trong đó, chủ đầu tư không sở hữu hoàn toàn khu nhà. Thay vào đó, mỗi cư dân là một "cổ đông" công ty, dựa trên quy mô tương đối của khu nhà mà họ sinh sống.

Thuế bất động sản, vốn đang tăng lên do ảnh hưởng của lạm phát đối với ngân sách chính quyền địa phương, cũng khiến các chủ nhà bị hao hụt túi tiền không nhỏ. Theo công ty dữ liệu bất động sản Attom, thuế bất động sản trung bình đối với nhà dành cho một gia đình ở Mỹ là 4.062 USD vào năm 2023, tăng 4,1% so với năm 2022. Một số khu vực đô thị lớn đang phải đối mặt với mức tăng lớn hơn nhiều. Ở Charlotte, Bắc Carolina, thuế bất động sản trung bình đã tăng 31,5% từ năm 2022 đến năm 2023 và tăng gần 19% ở Indianapolis.

Chi phí bảo hiểm tăng cao ảnh hưởng nặng nề nhất đến các chủ sở hữu nhà. Theo phân tích từ Viện Thông tin Bảo hiểm thuộc S&P Global Market Intelligence, chi phí bảo hiểm nhà ở đã tăng trung bình hơn 10% ở 19 bang vào năm 2023, sau khi các công ty bảo hiểm phải chi khoản bồi thường lớn liên quan đến lũ lụt, bão, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác trên khắp nước Mỹ. Nhiều người Mỹ cũng chuyển đến các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai trong những năm gần đây, làm tăng nguy cơ đối với họ.

Nhiều công ty bảo hiểm đã ngừng cung cấp bảo hiểm nhà ở tại một số bang, khiến chủ nhà có ít lựa chọn hơn. Ngân hàng luôn yêu cầu các chủ nhà vay thế chấp phải mua bảo hiểm tài sản. Hàng loạt chủ nhà không vay thế chấp đang chọn cách không mua bảo hiểm. Họ có kế hoạch tự bảo hiểm riêng hoặc chuyển đi nơi khác nếu thảm họa xảy ra.

Các hiện tượng thời tiết thảm khốc, chi phí lao động, giá nguyên vật liệu tăng cao và tính không chắc chắn về những tổn thất trong tương lai đều là những yếu tố đẩy giá bảo hiểm tăng, ngay cả ở các bang ít xảy ra bão hay cháy rừng. Theo trang web bảo hiểm Insurify, chi phí bảo hiểm nhà trung bình hàng năm đã tăng khoảng 20% từ năm 2021 tới 2023, lên mức 2.377 USD, và dự kiến tăng thêm 6% vào năm 2024.

Insurify thậm chí dự đoán chi phí bảo hiểm nhà trung bình tăng hơn 10% ở 8 bang trong năm nay, trong đó có Louisiana, Maine và Michigan.

"Tôi thấy bảo hiểm còn khiến chúng ta tê liệt hơn cả lãi suất", chuyên viên bất động sản Kara Breithaupt ở New Orleans, nơi lũ lụt và bão đã khiến chi phí bảo hiểm tăng nhanh hơn hầu hết các bang của Mỹ, nhận xét.

"Hãy tưởng tượng về một bất động sản trị giá 500.000 USD có phí bảo hiểm cho chủ sở hữu nhà là 8.000 USD và phí bảo hiểm lũ lụt 2.000 USD, cộng thêm thuế bất động sản, rõ ràng, chi phí duy trì ngôi nhà đã tăng theo cấp số nhân", cô nói thêm.

Chi phí tăng cao buộc một số chủ sở hữu phải bán nhà, nhưng tìm được người mua cũng không phải điều dễ dàng.

Theo công ty môi giới bất động sản Redfin, một căn nhà điển hình ở khu vực đô thị New Orleans phải rao bán 97 ngày mới có người mua. Đây là tốc độ hấp thụ chậm nhất so với bất kỳ khu vực đô thị lớn nào tại Mỹ.

Steve Kissee đã rao bán hai bất động sản ở Louisiana vào năm ngoái, một tài sản được thừa kế và một nhà nghỉ dưỡng.

Hai khách nhận lời mua căn nhà thừa kế, nhưng thỏa thuận đều đổ bể vào phút chót. Cuối cùng, nó được bán vào tháng 12/2023, với giá thấp hơn giá niêm yết khoảng 17%. Kissee cho hay anh phải cung cấp cho chủ sở hữu mới một loại hợp đồng giúp họ trả góp vì người mua không đủ điều kiện vay thế chấp theo cách truyền thống do chi phí bảo hiểm cao.

Ngôi nhà nghỉ dưỡng trên đảo Lake Catherine ở New Orleans của anh được rao bán trên thị trường từ tháng 8 mà không ai hỏi mua. Theo Kissee, chi phí bảo hiểm cao là lý do lớn nhất.

Kissee cũng đang gặp khó khăn với chi phí bảo hiểm cho ngôi nhà chính của mình ở New Orleans. Năm ngoái, anh đã nhận được báo giá 31.000 USD để gia hạn bảo hiểm gió bão và mưa đá, tăng so với mức 3.200 USD của năm trước. Anh đã chuyển sang một công ty bảo hiểm khác với giá khoảng 7.900 USD sau khi tự thay mái nhà.

Anh cho biết số tiền trả thuế và bảo hiểm hàng tháng còn cao hơn số tiền gốc và lãi trả cho khoản vay thế chấp ngân hàng.

Darren Gondry chơi đùa cùng chó cưng bên ngoài ngôi nhà của anh ở Louisville. Ảnh: WSJ
Darren Gondry chơi đùa cùng chó cưng bên ngoài ngôi nhà của anh ở Louisville. Ảnh: WSJ

"Giống như có hai khoản thế chấp cho một ngôi nhà vậy", anh nói.

Theo các đại lý, công ty bảo hiểm cũng đang chuyển nhiều rủi ro hơn cho khách hàng thông qua việc tăng mức khấu trừ.

Ở Colorado, trận hỏa hoạn năm 2021 quét qua các vùng ngoại ô giữa Denver và Boulder thiêu rụi hơn 1.000 ngôi nhà đã làm tăng chi phí bảo hiểm tại đây. Nhà môi giới Michael McCarron cho biết hóa đơn bảo hiểm nhà ở của nhiều khách hàng do ông quản lý đang tăng 20-40% mỗi năm.

Theo ông, mức tăng có thể chậm lại vào năm 2025, nhưng ông không nghĩ phí bảo hiểm sẽ quay trở lại về mức trước vụ cháy. "Đây là một thực tế mới", ông nhấn mạnh.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.