“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

(Baohatinh.vn) - “2 năm nay, để giúp bà con dân bản phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi không về Việt Nam, về Hà Tĩnh. Công việc ngày một thêm phần vất vả, lo chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại trạm xá, rồi lại xuống bản tuyên truyền, hướng dẫn, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho bà con bản Thoọng Pẹ” ...

Đó là những dòng trong nhật ký của Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) viết về những ngày anh cùng Thượng úy, y sỹ Nguyễn Đức Toàn - Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) gắn bó, công tác trên đất bạn Lào, nhất là thời gian cùng bà con phòng, chống dịch COVID-19.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay.

23h ngày 15 tháng 8, Trạm xá bản Thoọng Pẹ.

Vậy là lại thêm một đêm nữa mình không ngủ được, trở lưng ngồi dậy, nhẹ nhàng vén chiếc màn, ấy vậy mà Toàn cũng biết, nó hỏi nhỏ: “Anh không ngủ được à? Em cũng vậy, nhớ nhà, nhớ vợ con quá anh ạ”. “Ừ anh cũng vậy”. Tôi trả lời rồi cười động viên bảo Toàn đi ngủ, mai còn nhiều việc, hôm nào hết dịch anh xin Bộ Chỉ huy cho về với mự, với cháu ít bữa. Nói là động viên Toàn thế thôi, chứ thực sự trong lòng, tôi cũng nhớ tổ ấm gia đình mình lắm. Gần 2 năm trời rồi chứ có phải ít đâu, bố mẹ già yếu, ốm đau suốt mà cũng chưa về thăm nom được. Toàn cũng vậy, tôi biết, nhiều lúc anh em tôi nhớ nhà, nhớ gia đình đến rơi nước mắt".

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thiếu tá Nguyễn Việt Đức và Thượng úy Nguyễn Đức Toàn chăm sóc vườn rau trong khuôn viên trạm xá

“Anh à, may mà anh em mình lấy được vợ đảm, không thì bố mẹ già yếu, nhà cửa, con cái ai chăm, mình bộ đội thì đi biền biệt”.

Thật sự là vậy, tôi và Toàn, hai anh em sang đây công tác cũng đã bảy đến tám năm cả, làm việc cùng nhau, gần gũi như hình với bóng. Những năm trước đây thì cứ độ vài ba tháng, tùy vào công việc, anh em chúng tôi lại thay nhau về Việt Nam thăm gia đình ít bữa, nhưng 2 năm nay, để giúp bà con dân bản phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi không về, ở lại bám bản, bám dân. Công việc ngày một thêm phần vất vả, vừa khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại trạm xá, rồi lại xuống bản tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho bà con.

5h30 sáng ngày 16 tháng 8, Trạm xá bản Thoọng Pẹ.

Khi những giọt sương đêm còn vương nhẹ trên cành lá, tôi ra sân tập thể dục, hướng mắt nhìn về phía Bản, nơi mà tôi đã gắn bó suốt 8 năm. Quê hương yêu dấu thứ hai của tôi trước ánh bình minh đẹp như một bức tranh. Khoảng 20 năm về trước, bản Thoọng Pẹ còn đói nghèo, khó khăn lắm, bà con trồng cây thuốc phiện, nghiện thuốc phiện rất nhiều. Nhiều hủ tục lạc hậu, cái gì cũng đổi cho con ma rừng, ốm đau bệnh tật thì mời thầy mo, thầy cúng mổ gà, mổ trâu, mổ lợn cúng tế, chẳng ai siêng năng lên nương, lên rẫy, đói nghèo lại càng đói nghèo.

Nhưng giờ đây Thoọng Pẹ đã thay da, đổi thịt, văn minh hẳn. Nhiều ngôi nhà mới khang trang đã mọc lên, bản có nhiều ô tô, xe máy, bà con chăm chỉ làm ăn, đời sống ngày càng no ấm, hạnh phúc.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thoọng Pẹ bình yên với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát

Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đầu tư, xây dựng vào năm 2007 với 10 giường bệnh, 1 phòng khám, 1 phòng siêu âm, đến nay đã có hàng chục ngàn lượt người dân khám, điều trị tại đây. Hiện bản Thoọng Pẹ có 2.980 khẩu, mỗi khi đau ốm, bà con dân bản và các vùng lân cận đều đến trạm xá để khám, điều trị. Tính sơ thì 6 tháng đầu năm nay, tôi và Toàn đã khám và điều trị cho trên 4.051 lượt người dân, cấp cứu 300 bệnh nhân...

23h ngày 17 tháng 8, Trạm xá bản Thoọng Pẹ.

Từ sáng sớm, đơn vị đã gửi sang thông báo tình hình về dịch bệnh COVID-19 tại Hà Tĩnh và cả nước lại tiếp tục tăng cao. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Lào và Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan vào đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát phòng chống dịch, xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thượng úy, y sỹ Nguyễn Đức Toàn kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn bà con phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, lực lượng quân y đang công tác tại bản Thoọng Pẹ phải bám nắm địa bàn, nắm chắc tình hình dịch bệnh, tích cực, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng của bạn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để dịch bệnh lây lan vào bản, đảm bảo tuyệt đối về tính mạng, sức khỏe cho bà con.

Yêu thương càng nhiều, gắn bó càng sâu đậm, nhiệm vụ càng nặng nề, trách nhiệm lại càng cao. 7h30 sáng, tôi gọi Toàn vào phòng làm việc, chúng tôi cùng trao đổi, thống nhất về triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 cho bà con dân bản.

“Ông Đức, ông Toàn ơi”! Cái giọng nói vang xa từ ngoài ngõ.

“Bố U Đáy - Trưởng bản đến”, tôi nói với Toàn.

Dừng cuộc trao đổi, chúng tôi đeo chiếc khẩu trang ra trước cửa đón ông. Ở đây mỗi lần gặp Trưởng bản U Đáy hay người già, chúng tôi thường xưng hô là bố, mẹ, còn với các em nhỏ tuổi thì chúng tôi gọi bằng con, nói câu này bằng tiếng Lào hay Việt thì cả bản ai cũng hiểu cả.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thượng úy, y sỹ Nguyễn Đức Toàn thăm khám cho người dân trong bản.

U Đáy năm nay 54 tuổi, người gầy đen, khỏe, leo núi như gió, tính tình lại hiền hòa, tốt bụng, nói tiếng Việt cũng rất tốt. Vào đến sân, chưa kịp chào ông thì ông đã giục tôi đi xuống bản.

-“Ông Đức à! Xuống xem cho Xồng Vừ My cái, nó ốm 2 ngày nay rồi, hay là nó bị nhiễm COVID”.

-“Bố vào đây đã, con Toàn cũng đang bàn về cách phòng chống dịch cho bà con đây”.

Thấy ông đeo tới 2 chiếc khẩu trang, tôi cười khen: “Bố chấp hành công tác phòng dịch tốt quá”. Ông cười bảo: “Ừ, phải nghe lời ông Đức, ông Toàn dặn chứ”. 8h sáng, tôi dặn Toàn ở trạm chăm sóc mấy bệnh nhân còn đang nằm điều trị rồi cùng ông xuống bản. Con đường núi trơn trượt này nhiều năm tôi đã đi lại, ấy vậy mà vẫn không quen được, vẫn trượt ngã, phải khó khăn lắm mới xuống hết con dốc.

Xồng Vừ My năm nay mới 32 tuổi mà đã có 3 đứa con. Sau khi thăm, khám, cấp thuốc, dặn dò gia đình các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trên con đường trở về, tôi bốc máy gọi cho Trưởng bản U Đáy.

“Bố à, hiện nay dịch COVID-19 với biến thể mới lây lan nhanh, nguy hiểm, bố thông báo ngay cho bà con dân bản tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bố con ta đã bàn sáng nay nhé”.

Lên hết ngọn đồi đã nghe giọng ông trên loa phát thanh vang xa cả bản: “Để phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu bà con thực hiện các biện pháp, một là đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, hai là không tụ tập đông người, nếu có các triệu chứng sốt, tức ngực, khó thở thì báo ngay với chính quyền, trạm xá…

22h, ngày 1 tháng 9, Trạm xá bản Thoọng Pẹ.

Na Pe, Nọng Ó, Na Hương, Na Hạt, Na Mương, Thoọng Pẹ, an toàn trước dịch bệnh, ai cũng vui mừng, tôi cũng vui nhưng không thể chủ quan. Mấy hôm nay tôi đã đi hết bản này sang bản nọ phối hợp cùng các y bác sỹ của bạn, bàn bạc, tham mưu các biện pháp phòng chống dịch, điều tra dịch tễ các trường hợp nguy cơ cao, tiêm vắc-xin cho bà con. Công việc, áp lực khiến tôi mệt rã rời, ngày nào cũng tối mịt mới về.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức khám, điều trị cho người dân ở bản Na Pê

Sáng nay, sau khi kiểm tra lại cho Nàng Fa (37 tuổi), Nàng Von (45 tuổi), người ở bản Na Pê đang điều trị ở trạm xá và một số bệnh nhân, tôi dặn Toàn ở nhà để chạy ra chợ mua búp hương, buồng chuối, ngày mai là Quốc khánh 2/9, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tết Độc lập, tôi và Toàn thắp hương báo công với Bác.

7h sáng ngày 2 tháng 9, Trạm xá bản Thoọng Pẹ.

Hôm nay bầu trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi và Toàn nghiêm trang trong bộ quân phục, đứng trước bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dâng nén tâm hương.

“Kính thưa Bác! chúng con luôn khắc sâu lời Bác dạy: Trung với Đảng, hiếu với dân..., nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng... Luôn kề vai sát cánh cùng với nhân dân các bộ tộc Lào, chiến đấu và chiến thắng “giặc” COVID-19, tiếp tục góp sức xây đắp mối quan hệ đoàn kết Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững."

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Bác sỹ Nguyễn Việt Đức thắp nén tâm hương, báo công với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các bản Thoọng Pẹ, Na Pê, Nọng Ó, Na Hương, Na Hạt, Na Mương, người dân vẫn an toàn trong đại dịch. Nàng Fa mang đến con gà, Trưởng bản U Đáy đưa cho chai rượu, vài cân gạo, chúc mừng chúng tôi nhân ngày Quốc khánh và nói: “Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”.

“Cảm ơn bộ đội Việt Nam giúp bản Thoọng Pẹ ta chống dịch”

Nàng Fa mang đến con gà tặng bộ đội Việt Nam ở trạm xá

Gần gũi, thân thương, tình cảm của Nhân dân sao mà ấm áp, xúc động. Không dám từ chối vì sợ bà con giận, Trưởng bản trách, chúng tôi chỉ biết thầm hứa sẽ tiếp tục nỗ lực chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho bà con, bảo vệ an toàn cho dân bản trước dịch bệnh.

Hướng về Tổ quốc Việt Nam, quê hương Hà Tĩnh, tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các lực lượng, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của Nhân dân 2 nước Việt - Lào, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.

Tôi yêu đất nước Việt Nam của chúng tôi, yêu đất nước Lào tươi đẹp và tin ngày mai chiến thắng!".

(Ghi)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.