Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp, cửa hàng “tung” các chiêu giảm giá, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng
Vào dịp cuối năm, chẳng có gì lạ khi vừa bước chân ra phố đã bắt gặp những tấm biển “câu khách” như: “Đại hạ giá”, “xả hàng tồn kho”, “mua một tặng một”, “giá cực sốc” nhằm thu hút người mua.
Hầu hết các cửa hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm đều treo bảng giảm giá khá sâu, bình quân giảm từ 30 - 50%, thậm chí có nơi lên đến 70 - 80%.
Những đôi giày gắn đủ các loại nhãn mác thời trang nổi tiếng giá chưa đến 100.000 đồng; những bộ váy đủ màu sắc cũng chỉ khoảng 200.000 đồng; quần áo trẻ em chỉ vài chục nghìn đồng một bộ, thậm chí có nơi “mua 1, tặng 1…”. Ðây được coi là cơ hội kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, tri ân khách hàng, cũng là dịp để các cửa hàng thu hồi vốn trước khi nhập hàng mới về.
Tuy nhiên, việc mua một món hàng giá rẻ hóa ra không hề đơn giản.
Thế nhưng, thay vì mua được một món hàng ưng ý với giá rẻ hơn ngày thường thì không ít khách hàng “mua bực vào người” vì mua hàng giá hạ giá.
Tại nhiều cửa hàng quần áo, nhiều khách hành ra về với cảm giác bị lừa bởi số lượng sản phẩm giảm giá rất ít, hầu hết đều đã lỗi mốt, mắc lỗi về đường may, thậm chí sờn cũ và lẻ size, có nhiều mẫu ưng ý khi hỏi mua thì báo hết size, hết số và khách được tư vấn sang mẫu mã khác không giảm giá…
Chị Phạm Thị Tr. (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bình thường tôi cũng không hay ghé các shop lắm vì bận đi làm nhưng vào dịp cuối năm, hàng sale nhiều nên cũng rủ thêm vài người bạn vào xem. Vào một cửa hàng quần áo trên đường Xuân Diệu có đăng biển sale 50% nhưng khi thanh toán lại không hề được giảm giá chút nào. Khi chúng tôi thắc mắc thì chủ quán chỉ tay vào đống đồ cũ và bảo chỉ giảm giá các mặt hàng đó. Còn bạn tôi thì mua được một chiếc váy có giảm 5% thì bị bung chỉ ở phía bên trong, về tới nhà mới phát hiện ra”.
Việc khuyến mãi “ảo” sẽ khiến người tiêu dùng dần mất đi lòng tin. Ảnh Internet
Nhiều chủ cửa hàng cũng có những “ngón bài” để đánh vào tâm lý người mua. Có những khách hàng nắm được giá sản phẩm trước khi giảm giá, nhưng khi giảm thì sản phẩm đó có giá bằng hoặc cao hơn giá cũ. Khi khách hàng thắc mắc thì nhân viên cửa hàng giải thích: “Ðây là sản phẩm cùng kiểu nhưng chất này mặc thích hơn” hoặc giả vờ hỏi chủ cửa hàng rồi báo khách rằng giá trước đây là ghi nhầm.
Trong những tháng cuối năm này, bên cạnh quần áo thời trang thì các mặt hàng khác cũng thi nhau giảm giá từ 20% đến 50% như điện máy, hàng tổng hợp và thực phẩm ăn uống. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn áp dụng chương trình khuyến mãi hàng tháng cho hàng nghìn sản phẩm, trong đó phổ biến là hình thức tặng kèm quà khi mua sản phẩm. Nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm, hóa phẩm, chất tẩy rửa… thường được tặng kèm thêm bộ ly bình, bát, dĩa…
Hoặc ngoài việc được giảm giá trực tiếp trên các sản phẩm lên tới 50%, khách hàng khi mua các sản phẩm còn nhận được dịch vụ hậu mãi hấp dẫn giúp khách hàng yên tâm, thoải mái khi mua sắm như: Mua trả góp với lãi suất thấp, phần quà ưu đãi; miễn phí công vận chuyển…
Tuy nhiên, việc mua một món hàng giá “rẻ nhất thị trường” hóa ra không hề đơn giản. Qua khảo sát một số mặt hàng thuộc diện giảm giá, nhiều người tiêu dùng cho rằng các sản phẩm này không rẻ hơn mà vẫn có giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn giá tại các cửa hàng khác trên thị trường.
Không thể phủ nhận hiệu quả của việc giảm giá, khuyến mãi nhằm tăng doanh thu, tri ân khách hàng nhưng nếu việc khuyến mãi “ảo” cứ tiếp diễn sẽ khiến người tiêu dùng dần mất đi lòng tin vào cách bán hàng và giá cả của các sản phẩm.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, khi chọn mua hoặc được tặng bất kỳ sản phẩm khuyến mãi nào, cần tìm hiểu các thông tin về nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, có hạn sử dụng và đặc biệt là nên mua hàng ở những cửa hàng, đại lý uy tín. Cân nhắc kỹ lưỡng về sản phẩm để không quá sa vào các chiêu trò khuyến mại cuối năm mà mua phải “của rẻ là của ôi”.